Tam Kỳ ngập sâu, thủy điện lớn ở Quảng Nam vẫn thiếu nước nghiêm trọng
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 18:32, 10/12/2018
Theo ghi nhận của phóng viên đến chiều 10.12, nhiều tuyến đường ở TP.Tam Kỳ (Quảng Nam) vẫn bị ngập sâu, có nơi ngập từ 1-1,2m, nhiều nhà dân bị ngập sâu trong nước từ 0,8-1,2m.
Cụ thể, trên đường Phan Châu Trinh bị ngập nước sâu 1,2m, các tuyến đường Lam Sơn, Nguyễn Du, Trần Hưng Đạo, Trần Cao Vân… mực nước ngập sâu trên gần 1m. Đặc biệt chợ Tam Kỳ ngập sâu gần 2m.
Nhiều xeô tô, xe máy bị chết máy nằm ngổn ngang giữa đường ngập nước sâu. Một số người dân đã dùng ghe, bè tự chế để di chuyển.
Nhiều nơi ở TP.Tam Kỳ ngập sâu
Tỉnh này cũng vừa ghi nhận một trường hợp mất tích domưa lũ. Nạn nhân là ông Ngô Bình (SN 1964, trú khối phố 7, TP.Tam Kỳ). Tối 9.12, ông Bình cùng một người bạn đi chơi về, khi đến đường Điện Biên Phủ bị ngập nước khiến xe chết máy nên phải dắt bộ; sau đó không may ông Bình bị trượt chân ngã xuống mương nước, bị nước cuốn trôi.
Tổng lượng mưa trong vòng 24 giờ (từ 7 giờ ngày 9.12 đến 7 giờ ngày 10.12) tại vùng núi, trung du Quảng Nam đo được phổ biến từ 20-70 mm, riêng tại Ái Nghĩa (huyện Đại Lộc) 227 mm, vùng đồng bằng ven biển phổ biến từ 300-500 mm, có nơi cao hơn như trạm thủy văn Tam Kỳ lên đến 548 mm.
Nhà một người dân bị nước tràn vào
Hỏa tốc xin tích nước 4 hồ thủy điện lớn
Trong diễn biến khác, UBND tỉnh Quảng Nam vừa có công văn hỏa tốc đề nghị Bộ Công Thương xem xét và chỉ đạo Cục Điều tiết điện lực tách 4 nhà máy thủy điện gồm: Sông Tranh 2, A Vương, Sông Bung 4 và Đăk Mi 4 ra khỏi thị trường phát điện cạnh tranh để thực hiện tích nước hồ theo quy định của quy trình 1537.
Theo UBND tỉnh Quảng Nam, 4 hồ thủy điện trên ngoài việc tham gia phát điện còn đóng vai trò rất quan trọng trong đảm bảo phục vụ nước sinh hoạt và sản xuất cho nông nghiệp tỉnh Quảng Nam.
“Nhằm cải thiện nguồn nước tại 4 hồ chứa thủy điện trên để phục vụ cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp vùng hạ du sông Vu Gia - Thu Bồn năm 2019, ngày 16.11.2018, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Công văn số 6676/UBND-KTN về việc yêu cầu 4 hồ thủy điện thực hiện vận hành tích nước cuối mùa lũ. Tuy nhiên, từ ngày 16.11-10.12, các hồ chứa thủy điện vẫn thực hiện vận hành xả nước qua phát điện theo yêu cầu huy động của Cục Điều tiết điện lực nên mực nước tại các hồ chứa thủy điện không thể đạt mức nước theo quy định, và đang trong tình trạng thiếu hụt nước”, công văn thể hiện.
Công văn của UBND tỉnh Quảng Nam gửi Bộ Công Thương
Cụ thể, mực nước hồ Sông Tranh 2 đạt cao trình 150,64m/170,8m; tương ứng dung tích hữu ích 114,32 triệu m3, chiếm 26,27% so với dung tích theo Quyết định số 1537/QĐ-TTg ngày 7.9.2015 của Thủ tướng Chính phủ (Quy trình 1537), thiếu hụt gần 321 triệu m3.
Mực nước hồ A Vương đạt cao trình 341,25m/375,5m; tương ứng dung tích hữu ích là 5,31 triệu m3, chiếm 2,34% so với dung tích theo quy trình, thiếu hụt hơn 221 triệu m3.
Mực nước hồ Sông Bung 4 đạt cao trình 207,11m/220,7m; tương ứng dung tích hữu ích là 24,3 triệu m3, chiếm 11,8% so với dung tích theo Quy trình, thiếu hụt 181,5 triệu m3.
Mực nước hồ Đăk Mi 4 đạt cao trình 247,78m/ 254,7m; tương ứng dung tích hữu ích là 61,24 triệu m3, chiếm 49,24% so với dung tích theo quy trình, thiếu hụt hơn 63 triệu m3.
Theo tỉnh Quảng Nam, hiện các thủy điện lớn vẫn thiếu hàng trăm triệu khối nước, nghiêm trọng nhất từ trước đến nay
“Tính đến 7 giờ sáng ngày 10.12 (còn 5 ngày nữa là đến thời hạn cuối của mùa lũ theo quy định của Quy trình 1537), tổng lượng nước thiếu hụt của 4 nhà máy thủy điện trên là hơn 787 triệu m3. Đây là lượng nước thiếu hụt nghiêm trọng nhất từ trước đến nay”.
Theo đó, tỉnh này đề nghị Bộ Công Thương: “Để đảm bảo nguồn nước cấp cho sinh hoạt và sản xuất của nhân dân vùng hạ du sông Vu Gia - Thu Bồn (tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng) trong năm 2019 theo đúng quy định của Thủ tướng Chính phủ tại Quy trình 1537, UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo Cục Điều tiết điện lực tách 4 nhà máy thủy điện trên ra khỏi thị trường phát điện cạnh tranh để thực hiện tích nước hồ chứa theo Quy trình 1537”.
Sông La-Thạch Châu