Mỹ cạnh tranh ảnh hưởng với Nga, Trung Quốc tại châu Phi
Quốc tế - Ngày đăng : 17:26, 11/12/2018
Chiến lược do Hội đồng An ninh quốc gia (NSC) thuộc Nhà Trắng soạn thảo, dự kiến kêu gọi tăng cường quan hệ giữa Washington với các nước châu Phi trước “lời mời gọi” từ Nga và Trung Quốc. Theo một trong hai quan chức tiết lộ, chiến lược mới báo hiệu sự chuyển hướng từ tập trung chống khủng bố sang ưu tiên cạnh tranh cường quốc.
Tổng thống Trump với lệnh cấm đi lại cùng nhiều phát ngôn mang tính xúc phạm khiến không ít chính quyền các nước châu Phi giận dữ. Một số cựu quan chức ngoại giao và chuyên gia cũng đánh giá chiến lược khu vực đã lỗi thời.
Ảnh hưởng của Mỹ, Nga, Trung tại châu Phi
Chính quyền Trump dường như tập trung nhiều vào nỗ lực giải trừ hạt nhân CHDCND Triều Tiên, xung đột thương mại với Trung Quốc, tái áp đặt trừng phạt Iran. Không như hai người tiền nhiệm, đương kim Tổng thống Mỹ đến nay vẫn chưa giới thiệu được sáng kiến cá nhân nào cho châu Phi.
Không những vậy, phải mất hơn một năm Tổng thống Trump mới gặp nguyên thủ một nước châu Phi và lấp đầy những vị trí ngoại giao quan trọng. Chính quyền các nước trong khu vực có thể đánh giá Nhà Trắng xem nhẹ lục địa đen.
Trung Quốc trong thập niên vừa qua đã đầu tư hàng tỷ USD vào một loạt dự án cơ sở hạ tầng. Những khoản vay khiến chính quyền các nước châu Phi nghèo khó chìm trong nợ nần, nhưng đem lại cơ hội thúc đẩy lợi ích an ninh cho cường quốc châu Á.
Nhà phân tích Joshua Meservey của tổ chức nghiên cứu Heritage Foundation đánh giá Bắc Kinh có “quyền lực phi thường” tại châu Phi, là quốc gia bên ngoài quan trọng bậc nhất ở khu vực.
Nga không sử dụng sức mạnh kinh tế mà vun đắp quan hệ bằng buôn bán vũ khí cùng hợp tác quân sự. Tháng 9 vừa qua, Moscow công bố thỏa thuận xây một căn cứ hậu cần tại Eritrea trên biển Đỏ và khai thác khoáng sản ở Sudan.
Nhiều cố vấn quân sự lẫn dân sự Nga đang thực hiện nhiệm vụ huấn luyện cho lực lượng an ninh Cộng hòa Trung Phi, trong khi nhiều quan chức khác đang đàm phán khai thác các mỏ kim cương với vàng của nước này.
Trong khi Nga tăng hiện diện quân sự tại lục địa đen thì Mỹ lại làm điều ngược lại, với kế hoạch cắt giảm đến 50% số quân đóng tại vùng Tây Phi.
Trung, Nga được hưởng lợi ích ngoại giao khi thân thiết với châu Phi. Lá phiếu của các quốc gia khu vực có khả năng đối trọng lại Mỹ cùng phương Tây tại Liên Hợp Quốc.
Mỹ có cạnh tranh được?
Chiến lược mới không đề nghị tăng tài trợ cho nỗ lực ngoại giao, thu thập tin tình báo hay viện trợ của Mỹ tại châu Phi mà chỉ nhấn mạnh phải sử dụng hiệu quả hơn nguồn lực hiện có. Giới chuyên gia đặt nghi vấn về khả năng cạnh tranh được với Nga, Trung khi không đầu tư thêm nguồn lực.
Nhà Trắng dự kiến sẽ đề ra một số quốc gia mà Mỹ phải chú trọng tăng cường quan hệ. Các chuyên gia dự báo danh sách sẽ có tên đồng minh lâu năm Kenya, Somalia, Lybia, Mali.
Nhà phân tích Blaine Johnson đến từ Trung tâm Tiến bộ Mỹ (CAP) cảnh báo quá tập trung đối phó Nga và Trung Quốc đem lại nguy cơ bị các nước châu Phi xa lánh, vì họ cần Washington cho nỗ lực cải cách dân chủ - nhân quyền, tự do thương mại cũng như mở cửa thị trường.
“Cần tạo hình ảnh tương phản với Nga, Trung dựa trên bản sắc lẫn giá trị của chúng ta. Mỹ nên cạnh tranh tại châu Phi bằng cách thực hiện những điều phù hợp với giá trị Mỹ, không tham gia chính trị thực dụng”, theo nhà phân tích Johnson.
Cẩm Bình (theo NBC News)