Những bức ảnh cực đẹp của nhiếp ảnh gia chiến đấu cho nữ quyền
Văn hóa - Ngày đăng : 19:41, 12/12/2018
Martine Franck là một trong trong những nữ nhiếp ảnh gia uy tín nhất của thế kỷ 20. Là nhà đồng sáng lập Công ty ảnh Viva Agency, bà trở thành một trong rất ít thành viên nữ chính thức của hợp tác xã ảnh huyền thoại, Magnum.
Nổi tiếng vì vẻ duyên dáng, nhân từ và thẹn thùng, bà cũng cósự quyết tâm tiềm ẩn cho phép bà giải thoát bản thân khỏi những hạn chế về mặt giới tính và hoàn cảnh. Tác phẩm của bà bao gồm ảnh chân dung, phong cảnh và phóng sự, và chủ đề trải dài từ cuộc đấu tranh giải phóng phụ nữ đến chân dung của người cao tuổi đáng mến.
Sinh ra trong một gia đình giàu có ở thành phố Antwerp, Bỉ, Franck và các thành viên trong gia đình là những người say mê nghệ thuật và là những nhà sưu tầm nghệ thuật. Bà học lịch sử nghệ thuật và nghĩ bà có thể trở thành giám tuyển. Nhưng chuyến đi dài ngày vòng quanh châu Á với bạn bà là Ariane Mnouchkine, một việc cực kỳ khác thường đối với hai cô gái trẻ ở thời điểm đó, là để thay đổi số phận của bà. Anh họ của Franck cho Franck mượn máy chụp hình Leica trong chuyến đi, trong số những phong cảnh và con người Ấn Độ và Tây Tạng, Franck khám phá tình yêu và năng khiếu chụp ảnh của mình.
“Ký ức của tôi về cái đẹp là ở khắp mọi nơi: các gương mặt, phong cảnh, cử chỉ, những đồ dùng hàng ngày mà tôi rất thích chụp”, sau này bà nhớ lại.
Khi về nhà, Franck quyết tâm học hành bài bản, thực tập tại tạp chí Time Life bằng cách hỗ trợ các phóng viên ảnh nước ngoài khi họ biệt phái. Bà phát triển cách tiếp cận độc đáo với nhiếp ảnh dựa trên cách bố trí và lên khung tỉ mỉ. Bà sáng tạo những bức ảnh không nhuốm màu thời gian, trái ngược với xu hướng giật gân được nhiều nhiếp ảnh gia đồng nghiệp áp dụng nhằm đáp lại sự cạnh tranh với truyền hình.
Tài năng của Franck cho thấy sự tiến bộ của bà khi chụp hình cho tạp chí Vogue, Life và Sports Illustrated. Sự đột phá lớn diễn ra khi bà được thuê chụp catalog của nghệ sĩ điêu khắc Henri Étienne-Martin. Với vốn kiến thức của bà, các nghệ sĩ bị thu hút không ngừng và sự đánh giá của bà về công việc của họ được minh chứng qua những hình ảnh mà bà sáng tạo.
Bà cho thấy năng khiếu cụ thể trong chuyện chụp chân dung, cách nắm bắt khi chụp chồng tương lai của bà, Henri Cartier – Bresson được ám chỉ là “sự im lặng thầm kín của một người”. Khoảnh khắc “khi con người không cười nữa hoặc tự hỏi có phải anh hoặc cô ấy đang ở vị trí đẹp nhất của họ không”, Agnès Sire, giám đốc nghệ thuật Fondation Henri Cartier -Bresson, quỹ đang tổ chức triển lãm nhìn lại quá khứ sáng tác của Franck, giải thích.
Sire xem chân dung của nhà văn Albert Cohen do Franck bấm máy là một trong những ví dụ ban đầu đẹp nhất của thể loại hình chân dung. “Bạn nhìn thấy điều đó trong bức hình ông ấy bỗng dưng nhìn bà sâu sắc”, bà kể.
Cũng thời điểm đó, bà đồng sáng lập nhóm nghệ sĩ tiên phong Théâtre du Soleil, Paris với Mnouchkine và những người khác, trở thành nhiếp ảnh gia chính thức của họ, một vai trò mà bà sẽ duy trì đến cuối đời. Trong bầu không khí chính trị của những năm 1960, nhóm tham gia nhiều vào cuộc đấu tranh đòi bình đẳng. Xuất thân giàu có và nhút nhát, đó không phải là môi trường hoặc quan điểm mà bà quen thuộc. “Bà phải đấu tranh để trở thành như thế - để vượt qua giới hạn”, Sire nói.
Bà đã vượt quá giới hạn khi chụp hình những cuộc bạo động của sinh viên trên đại lộ Saint-Germain, Paris trong các cuộc biểu tình tháng 5.1968, cũng như các buổi biểu diễn của Théâtre du Soleil trong các nhà máy bị những người biểu tình chiếm giữ.
Cơn giận đang bùng phát
Franck bị hút một cách tự nhiên khi đến với sự nghiệp của họ, một phần vì nghề nghiệp vốn dành cho nam giới và ở thời điểm khi phụ nữ trên toàn cầu đấu tranh đòi bình đẳng. Bà vô cùng quan tâm Phong trào Giải phóng Phụ nữ, ghi lại các cuộc biểu tình của họ. Năm 1970, bà sáng tạo tác phẩm cho số tạp chí đầu tiên của họ, Torchon Brûle, dịch theo nghĩa đen là “khăn rửa bát đang cháy”, nhưng cũng có thể mang nghĩa những cơn giận đang bùng phát.
Cũng vào năm 1970, bà kết hôn với Cartier-Bresson, lớn hơn bà 30 tuổi, người mà bà gặp tại tạp chí Time Life.
Sire, người biết cả hai rất rõ, tiết lộ đây là một sự vượt qua giới hạn khác trong “những sự vượt qua giới hạn” lặng lẽ của bà, và nhớ lại anh trai của Franck nói với bà tại đám tang của Cartier-Bresson rằng gia đình phản đối cả hai lấy nhau. “Bà đã tuyên bố với gia đình ''Con thà sống 30 năm với một thiên tài còn hơn là 60 năm với một thằng ngu’”, Sire tâm sự.
Chính vì lợi thế của Franck mà Cartier-Bresson từ bỏ nhiếp ảnh ở thời điểm đó, vì vậy không có sự cạnh tranh giữa hai vợ chồng. Thay vào đó, họ bàn luận nghệ thuật, văn học và chính trị, những thứ có ích cho công việc của bà. “Henri động viên tôi, anh ấy cho tôi không gian”, sau này bà bộc bạch.
Trong suốt những năm 1970 Franck tiếp tục ghi lại cuộc đấu tranh đòi bình đẳng của phụ nữ, chụp hình các cuộc biểu tình ủng hộ cải cách ly hôn và luật Veil (luật phá thai đặt theo tên bà cố Bộ trưởng Bộ Y tế Pháp Simone Veil), dẫn đến phi hình sự hóa phá thai ở Pháp. Bà cũng đi đến các cuộc biểu tình của phụ nữ ở New York, Cộng hòa Síp và Bắc Kinh.
Một dự án chụp khu vực nhà thờ Công giáo La Mã St-Pierre-de-Chaillot của Paris cho thấy bà kinh ngạc với công việc chán ngắt của phụ nữ. Ở đây, bà chụp những người phụ nữ nội trợ, nhân viên ngân hàng, người mẫu và vũ công thoát y, cũng như những hình ảnh của phụ nữ trên các poster và trang bìa tạp chí nhằm làm nổi bật thần thái mà phụ nữ thường xuyên thể hiện cá tính ở những không gian công cộng.
Bà đồng sáng lập Công ty ảnh Viva Agency, bắt tay vào dự án chung nhằm chụp hình gia đình ở Pháp, nhưng rời bỏ vào cuối những năm 1970 nhằm tập trung vào dự án cá nhân gần với trái tim bà trong suốt quãng đời còn lại – chụp chân dung người cao tuổi.
Sire không chắc chắn điều gì đã thu hút bà đến với chủ đề. “Đó là một câu hỏi lớn mà tôi vẫn đang hỏi bản thân mình”, bà trần tình. “Vì bà lấy chồng lớn tuổi? Vì bà tìm thấy sự đồng cảm với những con người này?”.
Franck dành vẻ nghiêm trang và lòng kính trọng cho một nhóm người thường bị xã hội bỏ rơi. Bà không ngại ngần khi chỉ ra sự cô độc và sự mất danh giá, nhưng tuyệt nhiên không có sự thương hại hoặc u sầu. Thông thường, bà tập trung vào tính hoạt bát của đôi mắt hoặc sức sống trong cách thể hiện, làm nổi bật sức mạnh của một cá tính vẫn tồn tại đằng sau gương mặt nhăn nheo.
Năm 1980, bà được trao tặng thành viên liên kết của Magnum, trở thành thành viên chính thức vào năm 1983, khiến bà là một trong nhóm nữ nhiếp ảnh gia độc nhất được tôn vinh.
Cùng năm đó, bà chụp nhiều phụ nữ khác làm việc ở lĩnh vực sáng tạo,gồm đạo diễn sân khấu Mnouchkine và đạo diễn phim Agnès Varda - cho triển lãm mang tên Des Femmes et la Création (Những người phụ nữ và công việc sáng tạo).
Cartier-Bresson rất vui với thành công của vợ. Mặc dù đối với nhiều người, bà sẽ luôn là “vợ của Cartier-Bresson”, nhưng đối với ông, bà là nhiếp ảnh gia duy nhất biết nắm bắt vấn đề. Tại một bữa tiệc tối nhằm tôn vinh triển lãm các bức ảnh phụ nữ trong những ngành nghề được xem là dành cho đàn ông của Franck, một nữ tài xế xe lửa đã hỏi ông làm nghề gì. “Tôi là chồng của nghệ sĩ”, ông đáp.
Gần cuối những năm 1980, cả bà và Cartier-Bresson đều quan tâm đến đạo Phật. Franck tò mò bởi cách giáo dục tulku, những cậu bé được cho là hiện thân của các bậc thầy đạo Phật trước kia. Trong các chuyến viếng thăm Tây Tạng, bà đã chụp những đứa trẻ và các vị giáo sư của bọn trẻ, nắm bắt sự ngây thơ như trẻ con mà họ vẫn sở hữu trong khi trải qua quá trình đào tạo cho những vai trò tương lai.
Bà cũng chụp những đứa trẻ Tây Tạng được gia đình gửi đến Ấn Độ để chúng được an toàn và được đến lớp. Điều này buộc bà xem xét đến cảnh ngộ của những người tị nạn. Một trong những cuộc phỏng vấn cuối cùng của bà vào năm 2007, Franck nói bà lên kế hoạch tập trung vào vấn đề nhập cư như là hậu quả kéo dài của xung đột quân sự.
Sự tử tế, sự thông cảm và lòng kính trọng dành cho những người bị xã hội bỏ rơi không thể thiếu trong nghệ thuật nhiếp ảnh của Franck. Trong một thời đại nơi mà những phẩm chất này dường như thường bị thiếu hụt, tác phẩm của bà dường như quan trọng hơn bao giờ hết.
Mê Linh - Ảnh: Internet