'Nóng' chuyện homestay trái phép trong vùng di sản Tràng An
Du lịch - Ngày đăng : 11:20, 15/12/2018
Homestay “mọc” như “nấm sau mưa”
Năm 2014, Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Từ khi có di sản “kép”, ngành du lịch Ninh Bình không ngừng phát triển, lượng khách đến tham quan tăng mạnh theo từng năm.
Để đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng của du khách trong và ngoài nước, những năm qua chất lượng dịch vụ lưu trú ở Ninh Bình ngày càng được nâng cao. Bên cạnh sự phát triển của các khách sạn, nhà nghỉ thì dịch vụ kinh doanh du lịch với hình thức homestay (nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê) tại các khu du lịch ở Ninh Bình cũng phát triển rầm rộ.
Theo thống kê mới nhất của UBND tỉnh Ninh Bình, hiện nay toàn tỉnh có 225 cơ sở kinh doanh homestay với 1.488 phòng nghỉ. Homestay tập trung nhiều tại khu vực Quần thể danh thắng Tràng An với 179 cơ sở kinh doanh, vùng đệm có 115 cơ sở, vùng lõi có 64 cơ sở (huyện Hoa Lư 59 cơ sở, huyện Gia Viễn 4 cơ sở, TP Ninh Bình 1 cơ sở).
Trong số những homestay này, phần lớn là các homestay không phép. Thống kê của ngành du lịch Ninh Bình cho thấy, trên địa bàn các xã nằm trong vùng lõi và giáp ranh Quần thể danh thắng Tràng An có 37 cơ sở kinh doanh dịch vụ homestay.
Qua kiểm tra hoạt động kinh doanh lưu trú du lịch, Sở Du lịch Ninh Bình phát hiện nhiều cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch trong vùng lõi Quần thể danh thắng Tràng An vi phạm Quyết định số 230/QĐ-TTg ngày 4/2/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Quần thể danh thắng Tràng An.
Trong số 37 cơ sở kinh doanh dịch vụ homestay nói trên chỉ có 5 cơ sở xây dựng và hoạt động trước khi có Quyết định số 230/QĐ-TTg. 32 cơ sở còn lại mới được đầu tư xây dựng trong khu vực không được phép kinh doanh lưu trú theo quy định tại Quyết định số 230/QĐ-TTg. Các cơ sở này đều đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (công ty) và Giấy chứng nhận đăng ký địa điểm kinh doanh và ngành nghề kinh doanh du lịch lưu trú.
Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Ninh Bình phát hiện: Có 24 cơ sở xây dựng trên đất không phép (15 cơ sở đã xây dựng xong, 9 cơ sở đang xây dựng); 3 cơ sở xây dựng trên đất không đúng với giấy phép xây dựng được cấp (2 tổ chức, 1 cá nhân); 2 cơ sở xây dựng sai so với dự án đầu tư đã được phê duyệt. Đoàn kiểm tra đã yêu cầu dừng hoạt động kinh doanh lưu trú 5 cơ sở; giữ nguyên hiện trạng, dừng hoạt động 24 cơ sở; địa điểm đăng ký kinh doanh không đúng với địa điểm hoạt động 2 cơ sở (1 tổ chức, 1 cá nhân)…
Mạnh tay dẹp bỏ homestay trái phép
Ông Đinh Chung Phụng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho biết, thời gian qua UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo nhằm tăng cường công tác quản lý loại hình dịch vụ homestay, đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả, đúng pháp luật như: Quyết định 28/2018/UBND ngày 22/10/2018 về việc ban hành quy chế quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An; Văn bản số 750/UBND-VP5 ngày 19/11/2018 yêu cầu UBND các huyện và các ngành có liên quan tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động kinh doanh nhà ở có phòng cho khác du lịch thuê (homestay) trên địa bàn tỉnh.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, trong thời gian tới nhằm nâng cao công tác quản lý hoạt động cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch với hình thức homestay, UBND tỉnh tiếp tục tập trung chỉ đạo các cấp các ngành: Các Sở, ban ngành, UBND huyện, thành phố tăng cường công tác quản lý homestay trên địa bàn. Phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các cơ sở vi phạm trật tự xây dựng và sử dụng đất tại các địa phương.
Sở Du lịch chủ trì tổ chức kiểm tra liên ngành và chuyên ngành, phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời vi phạm quy định của Nhà nước trong hoạt động kinh doanh đối với cơ sở kinh doanh homestay. Các cấp, các ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về du lịch, bảo vệ di sản, về an ninh trật tự, vệ sinh môi trường…. đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ homestay.
Ngoài chỉ đạo của UBND tỉnh Ninh Bình, Sở Du lịch Ninh Bình cũng đã có nhiều văn bản đề nghị các Sở, UBND các huyện có liên quan trong việc phối hợp, quản lý loại hình dịch vụ homestay trên địa bàn như: Văn bản số 416/SDL-QLDL ngày 6/7/2018 đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc phối hợp quản lý hoạt động kinh doanh lưu trú trong vùng lõi Di sản Quần thể danh thắng Tràng An.
Sở Du lịch Ninh Bình đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét dừng cấp và thu hồi ngành, nghề kinh doanh dịch vụ lưu trú ngắn ngày trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (công ty) và Giấy chứng nhận đăng ký địa điểm kinh doanh của các đơn vị đăng ký kinh doanh lưu trú trong vùng lõi Quần thể danh thắng Tràng An đã được cấp từ ngày 4/2/2016. Theo đó, doanh nghiệp kinh doanh lưu trú tại khu vực không được phép kinh doanh lưu trú (vùng lõi Di sản Tràng An) đề nghị rút ngành nghề kinh doanh dịch vụ lưu trú là 19 cơ sở.
UBND các huyện, Ban Quản lý Quần thể danh thắng Tràng An (Sở Du lịch Ninh Bình) cũng thường xuyên kiểm tra, xử lý các vi phạm đối với dịch vụ homestay trong vùng di sản Tràng An. Đồng thời, tổ chức tập huấn cho các cán bộ chủ chốt của các địa phương (Bí thư, Chủ tịch…) nằm trong vùng di sản với việc đề cao vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản và bảo vệ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An.
Ban Quản lý Quần thể danh thắng Tràng An còn tổ chức giới thiệu chung về di sản, xác định ranh giới, phân vùng di sản; giới thiệu các văn bản pháp lý liên quan đến công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Phòng Phát triển đô thị và hạ tầng (Sở Xây dựng Ninh Bình) cũng đã phổ biến các quy định về cấp phép xây dựng, quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn, quy trình lập biên bản và xử lý vi phạm hành chính về trật tự xây dựng và cấp phép xây dựng.
Thanh Bình/ Dân Trí