Khi 'kiêu binh' đấm đá vào quyền được thông tin

Góc bình luận - Ngày đăng : 09:24, 25/09/2016

Hôm nay là nhà báo với vai trò người đưa tin được luật pháp và xã hội thừa nhận mà bị đánh thì ngày mai sẽ đến ai?
Phóng viên Quang Thế (áo trắng) bị cảnh sát hình sự công an huyện Đông Anh đuổi đánh khi tác nghiệp - Ảnh: Minh Chiến (Thanh Niên)

Cảnh video phóng viên báo Tuổi Trẻ, Quang Thế bị nhân viên công lực đấm đá, hành hung khi anh đến thu thập thông tin một cách bình thường ở cầu Nhật Tân đã gây sốc mạnh với hàng triệu người đọc báo, tiếp nhận thông tin. Chưa hết, phóng viên báo Pháp Luật Việt Nam đến hiện trường cũng bị kẻ tự xưng là chỉ huy nhưng mặc thường phục đạp mạnh vào thiết bị ghi hình của nhà báo, hệt như hành vi của tên du côn trong phim ảnh bạo lực.
Trước đó mấy ngày, phóng viên của VTC điện tử cũng bị đánh đập tơi tả bởi nhân viên công lực cưỡng chế đất mà không có lời xin lỗi nào. Lực lượng đó là công an xã. Những hành động bất chấp pháp luật, xem thường công luận của những người được giao nhiệm vụ bảo vệ pháp luật đó khiến giới công luận phẫn nộ.
Quyền đưa tin đã được quy định trong Luật Báo chí. Quyền tự do ngôn luận cũng được Hiến pháp hiến định. Quyền tiếp cận thông tin của người dân cũng đã được ghi nhận cụ thể trong luật và được tôn trọng phổ quát trên thế giới, mà cơ quan bảo vệ pháp luật nào cũng phải ghi nhớ.
Cá nhân tôi khi xem các clip, từ người đưa tin ở Đông Anh bị đấm đá, đập máy ghi hình, đến công an xã Cư Pô trấn áp một phóng viên vẻ ngoài thư sinh, đều cảm thấy bất an. Bởi hôm nay là nhà báo với vai trò người đưa tin được luật pháp và xã hội thừa nhận mà bị đánh thì ngày mai sẽ đến ai? Không lẽ là người dân, là người đóng thuế để “nuôi” những cú đấm, cú đá, và cái dùi cui vung lên tương tự?
Mấy tháng trước, khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo xử lý quán cà phê Xin Chào và vụ điện thoại cùi bắp đã lòi ra cả tá “kiêu binh công lực” phá hoại hình ảnh của ngành công an cảnh sát.
Hôm nay những cú đấm đá, ngôn từ chửi bới nhằm vào những phóng viên hiện trường ở Đông Anh càng cho thấy không ít kiêu binh nữa núp bóng công lực để hành động như côn đồ. Thật may mắn cho giới báo chí và cũng may mắn cho quyền được thông tin của người dân là các phóng viên hiện trường đã ghi lại toàn bộ hành vi bạo lực đó.
Tự do ngôn luận đã bị xúc phạm, bị tấn công. Các hình ảnh có tính tố giác hành vi vi phạm pháp luật chứ không chỉ là hành vi “không đúng”, vì “áp lực”, như ông Phạm Nam Thắng, đội trưởng đội cảnh sát hình sự Công an huyện Đông Anh nói nhẹ tênh nhằm bao che cho những kẻ vi phạm, kèm lời xin lỗi, tại văn phòng báo Tuổi Trẻ ở Hà Nội.
Vừa mới đây, vào ngày 22.9 án xử công an Tuy Hòa đánh chết dân trong nhà tạm giữ. Hôm sau, 23.9 là phiên xử CSGT gọi giang hồ đánh chết người dân vì dám cự cãi. Đấy là đám “kiêu binh” đã phá hoại hình ảnh gây dựng trường kỳ của bao nhiêu thế hệ công an cảnh sát.
Việc đánh người đang hoạt động theo Luật Báo chí rồi xảo biện bằng cách cho rằng đó là “hành vi không đúng” và đổ tại áp lực lại càng khiến công luận bất an. Cách ứng xử đó tạo tiền lệ xấu với minh bạch thông tin. Những kẻ “kiêu binh” như thế không được phép là công an nhân dân được nuôi từ nguồn thuế của người dân. Không thể dung túng cho những cú đấm đá ấy vào quyền đưa tin theo luật pháp, trong một nhà nước pháp quyền.
Quốc Nam