Từ sự kiện thi hài bó chiếu về nhà

Góc bình luận - Ngày đăng : 15:03, 23/09/2016

Người dân Sơn La cần những lãnh đạo đúng phẩm chất lãnh đạo. Ở tầm xa hơn và cao hơn, dân chúng Việt Nam cần những nhà lãnh đạo xứng danh lãnh đạo. Những nhà lãnh đạo này phải có tâm thế vì dân, tâm thế tiến công để vì dân. Vì dân hiện nay, và vì dân trong tương lai.

Đã có nhiều bài viết về những xác người bó chiếu được chở bằng xe máy về nhà tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Các bài viết về lòng thương cảm, về tình nhân ái, về tinh thần trách nhiệm…

Vì sự việc mới xảy ra tại Sơn La nên tỉnh này cũng chính thức có ý kiến:

Hôm 18.9, UBND tỉnh Sơn La cũng đã lên tiếng phê bình tập thể lãnh đạo Bệnh viện Lao và bệnh phổi của tỉnh "thiếu tinh thần trách nhiệm", để xảy ra hình ảnh "đôi chân" gây bão trên mạng xã hội”.

Đọc những dòng thông tin trên báo trên tôi chưa hiểu rõ ý của UBND tỉnh Sơn La. Họ phê bình tập thể lãnh đạo Bệnh viện Lao và bệnh phổi của tỉnh thiếu tinh thần trách nhiệm vì để xảy ra sự việc thương tâm cho người bệnh, hay vì để xảy ra hình ảnh "đôi chân" gây bão trên mạng xã hội?

Họ thực tâm đau xót cho những kiếp sống, những mạng người trong vùng lãnh đạo của họ, hay họ bận tâm, bực mình vì dư luận không hay về tỉnh Sơn La?

Hai tâm thế khác nhau đem lại hai cách phản ứng khác nhau.

Sơn La là tỉnh có diện tích lớn thứ hai trong cả nước, có dân số khoảng 1,1 triệu người và có GDP đầu người vào hàng rất thấp so với binh quân cả nước. Hệ thống giáo dục và y tế Sơn La rất thiếu thốn. Nhiều trường ở Sơn La chỉ là nhà tạm bằng tre, nứa nên mỗi khi có mưa bão lại bị tốc mái, đổ sập. Đường tới trường thì dốc, trơn trợt và học sinh rét và đói xanh xao. Mạng lưới y tế thì không đủ, phải mượn tạm một hay hai phòng làm việc của các cơ quan khác làm trạm y tế. Điều kiện thực tế để chăm sóc bệnh nhân tại các nơi này rất thiếu thốn.

Theo một số bác sĩ, các vụ việc bó chiếu chở thi hài người đã khuất bằng xe máy không chỉ vài trường hợp. Sự việc này không đột xuất mà nằm trong một chuỗi các sự kiện tiếp nối nhau với các hiện tượng đau lòng trên số phận con người liên tiếp xuất hiện.

Khi đọc “UBND tỉnh Sơn La cũng đã lên tiếng phê bình tập thể lãnh đạo Bệnh viện Lao và bệnh phổi của tỉnh "thiếu tinh thần trách nhiệm", tôi lại tự hỏi UBND tỉnh Sơn La có thấy trách nhiệm của mình không?

Trách nhiệm của người lãnh đạo là phải theo dõi, biết các sự việc và khuynh hướng quan trọng trong địa phương mình quản lý, tìm nguyên nhân gốc của sự việc, xác định các lãnh vực chính và các mục tiêu quan trọng cần đạt được, đưa ra giải pháp hữu hiệu để đạt mục tiêu đó, theo dõi và điều hành sát sao dự án làm việc để đạt mục tiêu mà tập thể đã xác định.

Tỉnh Sơn La nghèo là điều ai cũng biết. Người dân Sơn La nghèo đói là điều ai cũng biết. Sự việc xác người bó chiếu chở giữa phố chắc rằng đã xảy ra từ trước khi các bức ảnh được đưa lên báo chí và mạng xã hội. Hơn nữa, 3 ngày sau khi bức ảnh đầu tiên được đăng tải rộng rãi,ông Lầu Sáy Chứ, Giám đốc Sở Y tế Sơn La cam kết sẽ không bao giờ có trường hợp để người nhà phải chở xác bệnh nhân từ bệnh viện về trên xe máy nữa: “Nếu bất kể bệnh nhân nào tử vong trong bệnh viện, các bệnh viện đều có xe cứu thương, sẽ chở thi thể người bệnh về tận nhà để làm thủ tục an táng, đó là sự nhân đạo mà bệnh viện nào ở Việt Nam cũng sẽ làm”, thì ngày hôm sau, cũng từ bệnh viện đó, các người con trong một gia đình lại bó chiếu đưa thi hài cha ruột về trên xe máy!

Sự việc như vậy mà đợi tới khi báo chí phát hiện và đưa ra công chúng thì UBND tỉnh Sơn La mới lên tiếng phê bình tập thể lãnh đạo Bệnh viện Lao và bệnh phổi của tỉnh là thiếu trách nhiệm thì có phải chính UBND tỉnh Sơn La mới thiếu trách nhiệm hơn không? UBND không hay biết về đời sống thực của người dân trong tỉnh đã là thiếu trách nhiệm. Nếu UBND có biết nhưng không cảm nhận được sự cùng khổ của kiếp dân đen, không quan tâm tới sự việc vì không thấy trách nhiệm của mình trong đó, thì có phải sự thiếu trách nhiệm này mới là rất đáng sợ không?

Người lãnh đạo có trách nhiệm xác định các mục tiêu chiến lược và phân bổ nguồn lực cho các mục tiêu đó theo thứ tự ưu tiên. Chắc chắn rằng một chính quyền “vì dân” thì thứ tự mục tiêu ưu tiên phải theo thứ tự “vì dân”. Khi phân bổ 1.400 tỉ VNĐ cho việc xây cụm tượng đài, UBND tỉnh có nghĩ tới rất nhiều kiếp người còn quá cùng khổ trong tỉnh không? Xin nhớ rằng với dân số khoảng 1,1 triệu người, con số 1.400 tỉ nghĩa là mỗi người dân Sơn La sẽ có khoảng 1,27 triệu. Con số đó đem đầu tư cho giáo dục, y tế và phát triển kinh tế như sản xuất nông nghiệp, đầu tư du lịch… thì có thể làm giàu có hơn người dân không? Có thể khiến tỉnh Sơn La phát triển bền vững hơn không? Có thể khiến người dân Sơn La chẳng những thoát đói nghèo, thoát cảnh thi hài bó chiếu, mà còn đưa họ tiến vào ấm no, văn minh, hạnh phúc được chăng?

Thực sự, khi đọc về UBND tỉnh Sơn La cũng đã lên tiếng phê bình tập thể lãnh đạo Bệnh viện Lao và bệnh phổi của tỉnh, các bạn có cảm nhận rằng UBND tỉnh Sơn La phản ứng trong tâm thế của người đối phó với dư luận? Nếu có thì đó là là tâm thế theo đuôi, không phải là tâm thế của người lãnh đạo xứng danh. Người mang tâm thế theo đuôi không thể nào đưa ra được các giải pháp tiến công và căn cơ để chẳng những giải quyết thực trạng trước mắt mà còn mở đường phát triển trong tương lai.

Người dân Sơn La cần những lãnh đạo đúng phẩm chất lãnh đạo. Ở tầm xa hơn và cao hơn, dân chúng Việt Nam cần những nhà lãnh đạo xứng danh lãnh đạo. Những nhà lãnh đạo này phải có tâm thế vì dân, tâm thế tiến công để vì dân. Vì dân hiện nay, và vì dân trong tương lai. Những nhà lãnh đạo xứng danh như vậy sẽ không chấp nhận các lãnh đạo địa phương theo đuôi, không xứng danh.

Lê Học Lãnh Vân