Thủy điện và phù sa…
Góc bình luận - Ngày đăng : 17:40, 22/09/2016
Không phải mới đây, mà đã từ lâu nay, phía Trung Quốc vẫn luôn cho rằng các đập thủy điện của họ chỉ có tác động nhỏ, không đáng kể đối với các nước cuối nguồn. Và các đập nước tại tỉnh Vân Nam,.. cũng không liên quan đến mực nước ở hạ nguồn sông Mekong.
Các chuyên gia và quan chức Trung Quốc tin rằng, các đập này không phải là thủ phạm khiến mực nước sông Mekong giảm mạnh và cho rằng nguyên nhân gây ra hạn hán, lũ thấp trong thời gian gần đây chính là do lượng mưa bất thường. Thậm chí, theo họ, những con đập này còn có tác dụng tốt cho hạ nguồn vì ngăn chặn lũ lụt trong mùa mưa và xả nước chống hạn trong mùa khô.
Do đó, những năm qua các nước phía thượng nguồn vẫn triển khai rất nhiều đập nước làm thủy điện, bất chấp hậu quả mà nước hạ nguồn Việt Nam phải gánh chịu.
Thái Lan cũng là một trong những nước cũng tham gia “khai thác” quyết liệt nguồn nước từ sông Mekong. Theo tiến sĩ Hà Chu, cán bộ Viện Kinh tế Sinh thái, Thái Lan đã xây dựng 2 công trình thủy lợi lớn, tiêu thụ đến 10 tỉ m3 nước trong khối lượng 54 tỉ m3 khối nước góp vào sông Mekong!
Nguồn nước sông Mekong một phần phụ thuộc vào nguồn tuyết tan trên cao nguyên Tây Tạng (Trung Quốc) và thượng nguồn tham gia 15-20% khối lượng nước của dòng chảy chính. Góp phần vào dòng chảy sông Mekong là nguồn nước mưa, hệ thống phụ lưu ở hạ nguồn…
Như sông Nậm Rốm của Việt Nam, bắt nguồn từ cao nguyên Mường Phăng, đổ vào Nậm U, một nhánh của sông Mekong trên địa phận Lào, cũng góp phần vào dòng chảy này…
Giả như đúng theo công bố của các nước thượng nguồn, rằng lượng nước giữ lại chỉ làm thay đổi dòng chảy, chất lượng nước và sự di cư của cá, bởi hầu như toàn bộ sẽ được xả trở về dòng chính và mang tác dụng tốt là giảm lũ, chống hạn? Thực tế sẽ không đơn giản!
Hậu quả nặng nề nhất sẽ là nơi cuối nguồn, vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Nước đổ về ít sẽ khiến xâm ngập mặn càng trầm trọng, trữ lượng cá thiên nhiên giảm dần do bị cản dòng di cư, nước chua phèn sẽ lan rộng và độ màu mỡ đất giảm dần do thiếu phù sa, rồi ô nhiễm môi trường…
Những trận lũ lớn trong thời gian qua ở ĐBSCL cho thấy, quá nhiều nước thì vùng này vẫn ngập lụt và thậm chí còn ngập nặng hơn nếu cùng lúc các đập cùng xả nước. Và việc đóng hay xả hoàn toàn phụ thuộc các nước xây đập trên dòng Mekong chứ chưa hề có sự cam kết hay thỏa thuận nào về quy luật vận hành.
Th.S Nguyễn Hữu Thiện- nghiên cứu độc lập về sinh thái khu vực ĐBSCL, quan ngại: “Những con đập trên sông Mekong có thể không làm thay đổi tổng lượng nước đổ về hạ lưu trong năm, nhưng vấn đề là nước chảy lúc nào, như thế nào và chất lượng nước ra sao?”.
Và 2 năm nay, lũ rất nhỏ! Th.S Nguyễn Hữu Thiện nhận định phù sa đang là thứ xa xỉ đối với các tỉnh vùng ĐBSCL hiện nay vì tình trạng lũ thất thường.
Các đập thủy điện phía thượng nguồn nước (Trung Quốc) tuy không giữ vai trò quyết định dòng chảy trên dòng Mekong nhưng đã giữ lại 50% lượng phù sa!
Và những con đập, khi cần trữ nước lại, khi muốn sẽ xả nước ra, khiến lượng phù sa đổ về hạ nguồn cũng giảm dần. Một số chuyên gia đã dự báo, trong tương lai gần, việc vận chuyển phù sa đến vùng hạ lưu ĐBSCL có thể giảm khoảng 70-80% do lắng đọng phù sa tại các hồ chứa thủy điện.
Như anh Lê Văn Tư, ở ấp Mỹ Hòa, xã Mỹ Hội Đông, H.Chợ Mới, tỉnh An Giang, những ngày qua cứ lo đăng đẳng: “Nước thấp mà dòng chảy lại yếu, tui dám cam đoan lượng phù sa bồi đắp trong mùa nước này chẳng được bao nhiêu. Vụ đông xuân tới chưa chắc lời được bao nhiêu bởi lượng phân bón, thuốc trừ sâu sẽ phải tăng lên”.
Chất hữu cơ trong đất ở An Giang trước đây thuộc loại trung bình từ 3,1-5%, nhưng theo báo cáo của viện Khoa học kỹ thuật miền Nam gần đây cho thấy đã giảm đến 1,84% - xếp vào loại đất nghèo hữu cơ cũng một phần do việc không có nước lũ tràn vào vì đê bao khép kín. Nay muốn “rước” lũ cũng không có, đất càng kiệt quệ vì thiếu phù sa.
Những năm trước, hàng loạt nông dân ở các huyện Tân Châu, Chợ Mới đã lên tiếng ca thán về tình trạng ngăn lũ triệt để, khiến đất đai suy thoái, tồn trữ nhiều chất thải hữu cơ và xác thực vật…
Nguy hại hơn là do nông dân được tạo tâm lý an toàn trong mùa lũ, nên các vụ lúa được diễn ra liên tục- có vùng sản xuất 7 vụ/2 năm, khiến sâu bệnh có môi trường “an toàn” sinh sôi.
Nay lũ về nhỏ giọt, không cần đê bao khép kín, nông dân cũng sẽ phải trả giá!
Hồ Hùng