Hủy bỏ hàng trăm dự án treo, hàng ngàn người dân TP.HCM bớt khổ
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 16:07, 19/12/2018
UBND TP.HCM mới đây đã đồng ý tờ trình của Sở Tài nguyên – Môi trường về hướng xử lý nhữngdự án chậm triển khai trên địa bàn thành phố. Theo đó, có 180 dự án được xóa "treo" trong lần này với tổng diện tích khoảng 812ha đã được đưa vào kế hoạch sử dụng đất của các quận, huyện từ năm 2015, 2016 nhưng đến hết năm 2018 vẫn chưa thu hồi đất.
Các địa phương có dự án “treo” nhiều nhất là quận 10 (22 dự án), huyện Bình Chánh (17 dự án), quận 9 (15 dự án), quận Thủ Đức (13 dự án), quận 6 (12 dự án).
Trong danh sách 180 dự án được liệt kê có nhiều dự án nằm ở các khu đất đắc địa trung tâm thành phố như dự án 235B Nguyễn Văn Cừ của Tổng Cục Hậu cần Kỹ thuật - Bộ Công an có diện tích 1,5 ha; dự án trung tâm thương mại - mua sắm và cao ốc văn phòng có diện tích 0,98 ha tại số 64 Đồng Khởi phường Bến Nghé, quận 1.
Hay dự án văn phòng giao dịch - thương mại Công ty cổ phần đầu tư xây dựng kinh doanh nhà Bến Thành tại số 9 Công trường Lam Sơn, quận 1; dự án khu tam giác Trần Hưng Đạo - Nguyễn Thái Học - Phạm Ngũ Lão có diện tích 1,22 ha tại phường Phạm Ngũ Lão, quận 1.
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường TP.HCM, trong kỳ rà soát lần này, Sở đã rà soát tổng số hơn 2.800 dự án trên toàn thành phố. Các dự án này đã có trong kế hoạch sử dụng đất của các quận, huyện giai đoạn 2015 - 2018. Tuy nhiên, đến nay đã quá 3 năm nhưng chủ đầu tư không triển khai thực hiện nên quận, huyện đã đề xuất để thu hồi, hủy bỏ, không tiếp tục đưa vào kế hoạch sử dụng đất năm 2019.
Trong hơn 2.800 dự án, có 180 dự án đã đưa ra khỏi kế hoạch sử dụng đất năm 2019. Số còn lại đã có 598 dự án đầu tư xây dựng xong và gần 1.600 dự án đang thực hiện.
Sở Tài nguyên – Môi trường TP.HCM cho rằng có nhiều nguyên nhân khiến các dự án chậm triển khai. Cụ thể, một số dự án chưa tìm được nhà đầu tư hoặc chuyển sang mục đích, hình thức sử dụng khác. Số khác lại thay đổi quy hoạch, lộ giới hẻm trên địa bàn quận trung tâm, không có khả năng thực hiện do thiếu vốn, giải phóng mặt bằng khó khăn. Chưa kể, có những dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách chậm triển khai do chủ đầu tư thiếu năng lực, thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm triển khai.
Đáng chú ý, liên quan đến quyền lợi của người dân trong vùng quy hoạch mà chưa có quyết định thu hồi đất, TP.HCM cũng cho phép người dân xây dựng có thời hạn trong khi chờ quy hoạch. Giải pháp này góp phần tháo gỡ khó khăn cho người dân sống trong quy hoạch.
Việc UBND TP.HCM quyết liệt thu hồi các dự án treo sẽ mang lại niềm vui cho hàng ngàn hộ dân trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, đây chỉ là một phần nhỏ so với con số dự án “treo” trên thực tế. Danh sách này cũng không có tên của hàng loạt dự án “khủng” treo đến hàng chục năm trời, ảnh hưởng cuộc sống của hàng ngàn hộ dân.
Đơn cử như khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa được UBND TP.HCM phê duyệt quy hoạch từ năm 1992, tính đến nay đã 26 năm. Nơi đây được kỳ vọng trở thành khu dân cư đô thị sinh thái, kết hợp cảnh quan thiên nhiên, du lịch nghỉ dưỡng, trung tâm thương mại lớn của thành phố. Thế nhưng, sau hàng chục năm, qua mấy đời chủ đầu tư được chỉ định nhưng dự án vẫn đi vào ngõ cụt.
Về những dự án khủng “treo” kéo dài, ông Nguyễn Toàn Thắng nói rằng khi xem xét dự án để đưa ra khỏi kế hoạch sử dụng đất, UBND TP.HCM cân nhắc rất kỹ bởi tính chất quan trọng của một số dự án nên không thể không triển khai. Do vậy, thành phố đang nghiên cứu thay đổi phương pháp thực hiện. Đối với khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa, TP.HCM đang giao Sở Kế hoạch – Đầu tư chuẩn bị các thủ tục để đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án này.
Được biết, đây là lần thứ hai TP.HCM rà soát và xóa bỏ dự án chậm triển khai. Hiện tại, TP.HCM vẫn đang chỉ đạo Sở Tài nguyên – Môi trường TP.HCM phối hợp với các quận, huyện tiếp tục rà soát các dự án trước khi đưa vào kế hoạch sử dụng đất năm 2019 để đảm bảo tính khả thi.
Phan Diệu