Đừng tái diễn tình trạng quan chức coi nhẹ vi phạm của người tiền nhiệm
Góc bình luận - Ngày đăng : 15:59, 30/10/2016
Những tưởng sau câu chuyện nhà cửa lùm xùm, bất minh của cựu Tổng thanh tra Chính phủ (Tổng TTCP) Trần Văn Truyền bị báo chí vào cuộc khiến ông Truyền bị cảnh cáo về Đảng sẽ là một bài học về sự trung thực trong kê khai tài sản đối vói cán bộ lãnh đạo. Cũng từ sự vụ đó, nó lại bung bét ra chuyện khác: trước khi nghỉ hưu, từ tháng 3 đến tháng 8.2011 ông (cựu) Tổng TTCP này đã bổ nhiệm gần 60 cán bộ cấp vụ và tương đương khiến dư luận bất bình thêm. Tưởng đây sẽ là bài học cho lãnh đạo ở các bộ ngành sau này nên lấy đó mà rút kinh nghiệm sâu sắc. Nhưng không phải vậy. Phải chăng vẫn có những vị lãnh đạo đã không thèm màng tới dư luận phê phán, tổ chức xử lý vi phạm để tự chỉnh đốn lại công tác điều hành của cơ quan mình trước ngày rời bỏ quyền lực và nhiệm sở?
Nào ngờ vị kế nhiệm của ông Truyền là cựu Tổng TTCP Huỳnh Phong Tranh, cũng trong 6 tháng trước khi mãn nhiệm (tháng 4.2016) để nghỉ hưu, ông Phong Tranh cũng đã có "rút kinh nghiệm" chút ít nên "chỉ bổ nhiệm đề bạt có mỗi... 35 cán bộ cấp vụ và cấp phòng".
Sự việc xôn xao để đến mức Thủ tướng Chính phủ đã phải yêu cầu Bộ Nội vụ vào cuộc xác minh làm rõ để báo cáo. Rồi, trong khi Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 39, tiếp đó là Quyết định 2218 của Thủ tướng về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, đều quy định rất rõ về việc “bỏ cấp phòng trong vụ của tổng cục và tương đương”...
Ấy vậy mà tại thời điểm trước khi về hưu, cựu Tổng TTCP Huỳnh Phong Tranh đã bổ nhiệm hàng loạt cán bộ, lãnh đạo cấp phòng trong vụ.
Tôi nghe nói Bộ Nội vụ cũng đã kết thúc điều tra và đang chuẩn bị báo cáo cấp trên. Sai - đúng, hư - thực đến đâu thì tôi chưa rõ nhưng thấy rõ một điều, hình như ông Phong Tranh, người từng đảm trách đứng đầu cơ quan cao nhất của ngành Thanh tra, nắm rất chắc pháp luật hơn người khác mà sao cũng vẫn xem nhẹ chuyện này đến mức khó lý giải (?).
Cũng vẫn xoay quanh câu chuyện bổ nhiệm, đề bạt cán bộ trái nguyên tắc, vi phạm nghiêm trọng công tác đào tạo, quy hoạch cán bộ ở Bộ Công Thương dưới triều đại cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương ( UBKTT.Ư) đã đề nghị Ban Bí thư Trung ương Đảng kỷ luật cảnh cáo ông Vũ Huy Hoàng với tư cách Bí thư Ban Cán sự Đảng của Bộ xung quanh chuyện ông Trịnh Xuân Thanh, cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, chuyện ông Vũ Quang Hải (con trai Bộ trưởng Hoàng), khiến nó trở thành tâm điểm của dư luận mấy tháng qua và đã làm xói mòn lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với chế độ ta một cách rất tệ hại.
Dư luận bước đầu đã đánh giá cao các chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng như của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong vụ việc cụ thể này. Đó cũng là bài học trong công tác cán bộ đang có nhiều lỗ hổng ghê gớm mà một phần cũng do Ban Cán sự Đảng nơi này đã hữu khuynh để biến thành sân chơi của riêng ông Bộ trưởng trong vai trò là Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương. Đó là việc tự từ bỏ vai trò lãnh đạo tập thể mà thiếu đi sự kiểm soát quyền lực đối với chính ông ta.
Điểm lại vài vụ việc ở Bộ Công Thương thì sẽ thấy rõ điều này. Báo Tuổi Trẻ từng hệ thống lại quá trình thăng tiến của ông Trịnh Xuân Thanh như sau :
Ngày 19.5.2013, ông Trịnh Xuân Thanh rời Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) sau gần 5 năm giữ các vị trí lãnh đạo chủ chốt tại doanh nghiệp này. Cơ quan chức năng xác định PVC thua lỗ hơn 3.200 tỉ đồng giai đoạn 2011-2013. Tuy nhiên, “quan lộ” của ông Trịnh Xuân Thanh không hiểu sao lại vẫn thuận lợi ở Bộ Công Thương, đến cả cái kỷ luật bé xíu ông cũng không hề phải chịu.
Tháng 9.2013, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng bổ nhiệm ông Thanh làm Phó chánh văn phòng Bộ, Trưởng đại diện Bộ Công Thương tại Đà Nẵng. Tháng 3.2014, vị Chánh văn phòng Bộ Công Thương được điều động sang giữ chức vụ khác thì ông Thanh nhận quyết định tạm thời phụ trách công việc chung của Văn phòng Bộ sau mấy tháng tạm lánh về miền Trung cho dư luận yên ả để ông bộ trưởng Huy Hoàng tính tiếp(?). Ngày 24.2.2015, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trao quyết định bổ nhiệm ông Thanh giữ chức Vụ trưởng, Trường ban Đổi mới doanh nghiệp của Bộ.
Ngày 13.5.2015, HĐND tỉnh Hậu Giang tổ chức kỳ họp bất thường, bầu bổ sung chức danh Phó chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016 với ông Trịnh Xuân Thanh do được Bộ Công Thương bảo lãnh.
Theo như kết luận của UBKTTƯ thì dù biết ông Trịnh Xuân Thanh có sai phạm, không đủ tiêu chuẩn, nhưng ông Vũ Huy Hoàng vẫn đồng ý với đề nghị của Tỉnh ủy Hậu Giang thuyên chuyển ông Thanh về làm Phó chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016... Thậm chí, còn kỳ dị hơn, bất chấp quy trình về quy hoạch cán bộ nguồn, ông Vũ Huy Hoàng đã “báo cáo không trung thực về tình hình hoạt động của PVC và cá nhân Trịnh Xuân Thanh trước khi cấp có thẩm quyền phê chuẩn chức danh Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đối với Trịnh Xuân Thanh”.
Cũng theo UBKTTƯ, ông Vũ Huy Hoàng đã chỉ đạo đánh giá, quy hoạch, đề nghị phê duyệt quy hoạch thứ trưởng với ông Trịnh Xuân Thanh và một số cá nhân không đúng nguyên tắc, quy trình, thủ tục và tiêu chuẩn...
Việc UBKTTƯ còn yêu cầu Ban Cán sự đảng Bộ Công Thương kỷ luật cả một số nhân vật có liên quan khác trong công tác quản lý, bổ nhiệm cán bộ vừa rồi trong Bộ Công Thương, tôi cho rằng đó mới chỉ xuất phát từ 2 ví dụ cụ thể bị điều tra, xác minh ( vụ Trịnh Xuân Thanh như tôi vừa nêu và vụ con trai ông bộ trưởng (ông Vũ Quang Hải), tuy mới 28 tuổi nhưng đã đảm trách cương vị Phó tổng giám đốc Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Saberco), một doanh nghiệp thuộc diện có máu mặt hàng đầu nước ta với nguồn lãi khủng khó ai mường tượng. Giá như các cơ quan có trách nhiệm mở rộng điều tra hơn, tôi tin rằng ở Bộ Công Thương cũng không kém chuyện như ở Thanh tra Chính phủ khi họ bổ nhiệm, đề bạt cán bộ" vào lúc hoàng hôn nhiệm kỳ", nói như nguyên đại biểu quốc hội Lê Như Tiến ngày nào. Mà không khéo, ông Vũ Huy Hoàng còn ký bạo tay hơn các vị ở Thanh tra Chính phủ.
Tôi đã từng viết về một ví dụ điển hình cho cái thứ "ký bạo" này, đó là ông Vũ Đình Duy, người may mắn được Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng ký điều động sang một chức vụ khác vào đêm trước Quốc hội công bố Bộ Công Thương có bộ trưởng mới.
Tôi không rõ ở các bộ ngành khác có như vậy hay không. Song tôi chỉ mong đó cũng chỉ là chuyện hy hữu, và dù không có bằng chứng trục lợi, tiêu cực thì tôi cũng mong các cơ quan pháp luật làm cho rõ và tới cùng để xử lý. Từ đó có thể sẽ thấy rõ dấu hiệu trục lợi trong việc chạy chức chạy quyền ở "triều đại Vũ Huy Hoàng" mà dư luận trong bộ này đàm tiếu...
Ông Vũ Đình Duy, 2 năm sau khi rời khỏi chức vụ Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hóa dầu và xơ sợi Dầu khí (PVTex), để lại khoản thua lỗ nặng (khoảng 2.000 tỉ đồng vốn chủ sở hữu gần như mất), ông Duy bị xuống làm Phó tổng giám đốc. Thế rồi, ông Vũ Đình Duy được Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng "hiệp thương" đưa xuống Hải Phòng, gọi là" luân chuyển", làm Phó giám đốc Sở Công Thương. Chuyện này đã để lại nhiều xì xầm bàn tán ở nơi tiếp nhận cũng như nơi ra đi, có cảm giác như ông ta được tạo điều kiện để đào thoát khỏi nơi mà ông ta gây thua lỗ, thất thoát. Nó cũng không hề khác chuyện ông Vũ Huy Hoàng tạo điều kiện cho ông Trịnh Xuân Thanh đào thoát khỏi PVC.
Chỉ phải "tá túc" ở Sở Công Thương Hải Phòng 6 tháng thì đến tháng 6.2015, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng lại ký quyết định bổ nhiệm ông Vũ Đình Duy về giữ chức Phó cục trưởng Cục An toàn kỹ thuật và môi trường công nghiệp trong sự ấm ức của cả ban lãnh đạo cục này vì Cục hoàn toàn không có nhu cầu thêm nhân sự. Biết ông Duy khó trụ dù có "ô" của Bộ trưởng, 11 tháng sau, ngày 8.4.2016, ông Vũ Huy Hoàng đã ký Quyết định số 1369/QĐ-BCT điều động và bổ nhiệm ông Vũ Đình Duy sang giữ chức Thành viên Hội đồng Thành viên Tập đoàn Hóa chất Việt Nam kể từ ngày 8.4.2016. Như trên vừa đề cập, quyết định điều động và bổ nhiệm cán bộ này được ông Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng "ký vét" đúng một ngày trước khi Bộ Công Thương có tân Bộ trưởng. Xin hỏi các cơ quan có trách nhiệm, đây có phải là chuyến tàu vét của thuyền trưởng Vũ Huy Hoàng để trục lợi hay không? Riêng tôi thì cảm nhận rất rõ: Nó bốc mùi tiêu cực vô cùng nặng!
Chuyện bê bối về công tác cán bộ của các cựu Tổng TTCP suốt 2 nhiệm kỳ gần đây, từ ông Trần Văn Truyền đến ông Huỳnh Phong Tranh (đang bị xem xét) và chuyện của ông cựu Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng vừa bị UBKTTƯ xem xét, kết luận và kiến nghị cấp trên kỷ luật cảnh cáo cần được tiếp tục điều tra thấu đáo và cần làm đến tận cùng nội vụ để công tác quy hoạch, đào tạo cán bộ của Đảng đi vào quỹ đạo. Xã hội muốn lành mạnh lên thì dứt khoát không thể để quyền lực ngầm chi phối công tác cán bộ của Đảng. Nếu vô tình mà buông lỏng thì tự bộ máy nhà nước sẽ làm thui chột những người có tài, có đức nhưng không được tổ chức xem xét, cất nhắc chỉ vì "không biết chạy" hoặc "không muốn chạy". Nếu không làm vậy, chất xám - thứ tài sản trí tuệ vô giá của đất nước sẽ vô cùng uổng phí, gây thiệt hại cho lợi ích quốc gia.
Quốc Phong