Lòng tốt và cái giá phải trả…
Góc bình luận - Ngày đăng : 11:08, 25/10/2016
Quả thật, dù có lạc quan cách mấy chắc hẳn nhiều người cũng cảm thấy nản lòng khi nghe hết cái tin học trò trường này bị đánh, bị đâm đến người trẻ trường kia tự thiêu, đốt trường để câu “like” trước đó. Đó là chưa kể đến những trường hợp “biến thái” khá kinh dị trên mạng như trường hợp của “Công chúa thuỷ tề”.
Những thông tin tiêu cực tràn ngập trong đời sống hàng ngày đến nỗi hẳn có người phải nghĩ đến thế giới chúng ta đang sống hình như đang bị đe doạ “sa mạc hoá”, “thiếu vắng những trái tim”, như lời nhận xét của một triết gia. Một thế giới có vẻ vô cảm, trơ lì.
Thế rồi mấy ngày qua dư luận xã hội lại dậy sóng đúng nghĩa với những hiện tượng xã hội, như hiện tượng dấn thân làm từ thiện của Phan Anh và Đặng Thị Thu Hương, hiện “thấy chuyện bất bình chẳng tha” của một nam hành khách đánh trả kẻ hành hung một nữ nhân viên hàng không.
Với Phan Anh, người chỉ trong vòng có vài ngày đã huy động được hơn 16 tỉ đồng cứu trợ đồng bào vùng lũ miền Trung, thì sức cộng hưởng của hoạt động xã hội của anh là khá rõ. Với mức huy động kỷ lục trên, hiện tượng Phan Anh có thể được ví như một trong những “nhiệt kế” tiêu biểu để đo nhiệt huyết của giới trẻ nói riêng và xã hội nói chung.
Rõ ràng là thế giới chúng ta đang sống không vô cảm, trơ lì mà vẫn tiềm tàng những dòng chảy ngầm của những điều tốt lành, vẫn còn tiềm ẩn những trái tim. Điều quan trọng là biết khơi dậy lòng nhiệt huyết đó bằng những tấm gương, bằng sự tham dự, dấn thân thật sự, chân thành như Phan Anh đã làm.
Điều trớ trêu là hành động của Phan Anh và của cả chàng “Lục Vân Tiên” ở sân bay Nội Bài đều chịu chung số phận là bị sự nghi ngờ, bị sự đe doạ, hù dọa là sẽ vướng vào những rắc rối pháp lý. Không biết là có lường trước những rắc rối này hay không nhưng phản ứng của Phan Anh là rất tuyệt vời, khi anh tuyên bố sẵn sàng đối mặt với những thị phi, những ghen ghét, tị hiềm nhỏ nhoi.
Chàng MC điển trai vẫn còn khá trẻ này cho thấy sự chín chắn trong những suy nghĩ và hành động. Sức hấp dẫn của anh, điều kiện để có thể dễ dàng huy động tài lực làm thiện nguyện, xuất phát không phải từ hành động bộc phát cứu trợ lũ lụt gần đây mà chính cả từ lối sống trước đó, như từ những suy nghĩ và hành động bảo vệ động vật theo trào lưu của giới trẻ trên thế giới.
Phan Anh đã nhìn nhận một cách khiêm tốn nhưng xác đáng rằng hành động của anh và những người ủng hộ chỉ là những “mầm thiện” đang được vun trồng mà thôi chứ chưa là gì cả. Quả thật, nếu để mắt ra thế giới rộng lớn bên ngoài chúng ta sẽ thấy có những người trẻ đã dám dấn thân tham gia những tổ chức bảo vệ môi trường thế giới và họ sẵn sàng hy sinh cả mạng sống của mình vì các hoạt động này. Hãy nhìn sang các nước phát triển, chúng ta sẽ thấy các “thần tượng doanh nhân” như Bill Gates hay Mack Zuckerberg có thể cho đi gần hết số tài sản khổng lồ của mình cho các hoạt động từ thiện…
Chắc chắn ở những đất nước ấy chẳng có mấy ai rỗi hơi để sử dụng “thuyết âm mưu” nghi ngờ động cơ của các hoạt động thiện nguyện tốt lành như trên cả. Và các hoạt động thiện nguyện ở các đất nước ấy cũng đã trở nên quen thuộc và bài bản đến mức cũng khó có ai có thể bắt bẻ, nghi ngờ.
Việc những hiện tượng xã hội được nhìn từ những góc cạnh khác biệt âu cũng là điều bình thường, như hiện tượng Phan Anh hay hiện tượng người khách bí ẩn ở sân bay. Như nhận xét rất sắc sảo của nhà văn William Faulkner, rằng “không phải chỉ có kẻ ác phải trả giá mà người tốt có đôi khi cũng phải trả giá vì lòng tốt của mình”, những câu chuyện rắc rối mà Phan Anh đang trải qua là có thể hiểu được.
Điều chính yếu, như Phan Anh nói, là xã hội hãy chung tay, hãy vun trồng cho những “mầm thiện” ấy vươn lên, đừng sớm huỷ diệt chúng ngay khi chúng vẫn còn non tơ, yếu ớt bằng những sự nghi ngờ, tị hiềm và những “thuyết âm mưu” rất ti tiện, nhỏ bé…
Đoàn Đạt