'Bổ sung I-ốt vào thực phẩm là để doanh nghiệp phát triển bền vững'
Sự kiện - Ngày đăng : 16:56, 21/12/2018
Sáng nay (21.12), Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đến kiểm tra công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan).
Theo công ty Vissan, hiện nay nguồn nguyên liệu heo hơi đầu vào của đơn vị này đều đảm bảo đạt tiêu chuẩn Viet GAP và thực hiện chương trình truy xuất nguồn gốc thịt heo TE food. Các sản phẩm thịt tươi sống và thực phẩm chế biến đều đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ông Nguyễn Ngọc An - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản cho biết mỗi ngày công ty này giết mổ khoảng 1.200 đến 1.500 con heo. Hiện công ty có 2 trang trại chăn nuôi ở Bình Dương và Bình Thuận, nhưng không đủ để cung cấp nguồn nguyên liêu chế biến, đơn vị đã liên kết với các trang trại chăn nuôi lớn, chủ yếu là ở TP.HCM. Những trang trại này phải đáp ứng tiêu chuẩn Viet GAP. Đặc biệt, công ty còn có một trạm thú ý để trực tiếp giám sát nguồn nguyên liệu đầu vào.
Ngoài ra, Vissan còn có phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn ISO/ IEC 17025, nhà máy xử lý nước thải và hệ thống nước thải.
“Các cửa hàng phân phối của Vissan đều đạt chuẩn cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Hệ thống xe chuyên dụng được trang bị đầy đủ phục vụ công tác vận chuyển phân phối, đảm bảo các điều kiện vệ sinh phù hợp”, ông An nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông An cũng nêu ra một số khó khăn, vướng mắc trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm như quy định về tự công bố chất lượng sản phẩm không được rõ ràng, nhấtlà việc bổ sung I-ốt vào trong thực phẩm chế biến đãlàm giảm chất lượng sản phẩm đầu ra.
“Dù hiện nay chúng ta không kiểm tra các đơn vị sản xuất thực phẩm về việc bổ sung I-ốt, chỉ kiểm tra các cơ sở sản xuất muối, nhưng luật quy định thì chúng tôi phải sử dụng Iốt. Việc bổ sung I-ốt vào thực phẩm, nhất là bổ sung nhiều khiến chất lượng các sản phẩm đầu ra sẽ giảm. Đây là một vấn đề rất khó khăn cho chúng tôi”, ông An chia sẻ.
Đánh giá cao các quy trình sản xuất, chế biến thực phẩm của công ty Vissan, nhưngBộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến lưu ý đơn vị này cần quan tâm đến truy xuất nguồn gốc, một số chất phụ gia, chất bảo quản, thời gian bảo quản, nhiệt độ bảo quản...
Riêng việc bổ sung phụ gia I- ốt trong thực phẩm chế biến, bà Tiến cho biết hiện nay UNISAD cũng nhưTổ chức y tế thế giới đã chấp nhận việc bổ sung này, nhưng thực tế ở Việt Nam thì các bộ, ngành chỉ kiểm tra, xử lý các cơ sở sản xuất muối, chưa chưa kiểm tra, kiểm nhiệm I-ốt ở các cơ sở chế biến thực phẩm.
“Bộ Y tế có làm văn bản chỉ đạo thực hiện việc bổ sung I-ốt vào thực phẩm chế biến cũng vì sức khỏe của người dân theo chuẩn quốc tế. Cũng vì điều này mà Bộ Y tế đã rất mệt vì phải giải thích nhiều lần với các doanh nghiệp.
Bổ sung I-ốt vào trong thực phẩm chế biến là điều kiện để doanh nghiệp phát triển bền vững, là thương hiệu của doanh nghiệp, nhất là ra quốc tế. Các doanh nghiệp phải chia sẻ Nghị định 09/2016/NĐ- CP về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào trong thực phẩm. Trước mắt, chúng ta nên tuân thủ, chứ chưa phải ép và kiểm tra”, bà Tiến nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Tiến cũng lưu ý doanh nghiệp phải thực hiện tốt các chuỗi sản phẩm đạt chuẩn. Vì hiện nay, Bộ Y tế đã giảm thiểu tối đa điều kiện sản xuất kinh doanh, cũng như tự công bố chất lượng.
Hồ Quang