Doanh nghiệp nhà nước là chủ đạo và những hệ lụy mang tính thể chế

Góc bình luận - Ngày đăng : 10:26, 05/11/2016

Các đặc quyền, ưu đãi dành cho các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vì mục tiêu để các doanh nghiệp này trở thành chủ đạo, đầu tàu của nền kinh tế thật ra không làm cho các DNNN này lớn mạnh như mong đợi.

Việt Nam phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, điều này được nhắc đi nhắc lại như kim chỉ nam cho sự phát triển đất nước. Định hướng này có thể nói là vững chắc cho đến nay và nhất quán với việc coi DNNN là thành phần chủ đạo của nền kinh tế. Bài viết này đánh giá định hướng DNNN nắm vai trò chủ đạo (gọi tắt là định hướng DNNN chủ đạo), từ đó nhận xét về những hệ lụy về mặt thể chế cũng như việc phát sinh những vấn đề nan giải cho Nhà nước.

Thứ nhất, định hướng DNNN chủ đạo dẫn đến việc hình thành và duy trì các DNNN quy mô lớn nhưng không hiệu quả, làm ăn thua lỗ. Vấn đề này không mới, nhưng đến nay không còn đơn giản chỉ là những ảnh hưởng về mặt kinh tế, kinh doanh nữa mà còn có những hệ lụy về mặt thể chế. Bởi vì quá trình hình thành, mở rộng, duy trì và thậm chí là “nuông chiều” DNNN luôn gắn liền với các quyết định từ phía Nhà nước. Tuy nhiên, dù những quyết định này do các cá nhân ký nhưng vì chủ trương thì mang tính tập thể nên dẫn đến việc không có cá nhân chịu trách nhiệm về những quyết định sai lầm! Có thể thấy rằng, từ đây phát sinh hai vấn đề liên quan với nhau. Một là, nguy cơ tham nhũng (mà thực tế đã thấy và Vinashin chỉ là một ví dụ điển hình) là rất lớn. Hai là, vì có định hướng DNNN chủ đạo mang tính tập thể nên quan chức tham nhũng khó bị truy cứu trách nhiệm cá nhân như vừa nêu. Như vậy, định hướng này đã trở thành phao cứu sinh cho các cá nhân, quan chức với những quyết định sai lầm, không cân nhắc hậu quả cho bản thân DNNN và cả nền kinh tế.

Thứ hai, định hướng DNNN chủ đạo để đảm bảo tính “xã hội chủ nghĩa” của nền kinh tế khiến cho những lãnh đạo DNNN luôn tìm cách tiếp tục tăng quy mô của DNNN mà không cân nhắc hiệu quả kinh doanh, vì việc thua lỗ thường được ngụy trang bằng các hiệu quả kinh tế xã hội khác (dù thực tế các DNNN thua lỗ cũng đã không giải quyết được vấn đề xã hội nào rõ ràng). DNNN càng lớn càng khó bị giải thể hay phá sản. Mặt khác, vì chấp nhận một vế của định hướng là “kinh tế thị trường” nên những lợi thế, đặc quyền của DNNN lại được thị trường hóa, được khai thác bởi chính lãnh đạo DNNN nhằm tạo lập các công ty sân sau để khai thác những đặc quyền, lợi thế có được, mà tệ hại nhất là việc bán rẻ tài sản DNNN cho các công ty sân sau, cũng như mua đắt các sản phẩm hay dịch vụ từ các công ty này.

Tuy nhiên, sự trầm trọng không ngừng lại chỗ đó. Các đặc quyền, đặc lợi của các DNNN (nhằm duy trì và mở rộng quy mô) lại gửi đi những tín hiệu cho thị trường, mà chính những đặc quyền, ưu tiên này như đã phân tích chính là các loại hàng hóa. Như hệ quả của nó, thị trường xuất hiện các thành phần tư nhân tìm kiếm những cơ hội hay hàng hóa đó nhằm kinh doanh hưởng chênh lệch. Từ đây xuất hiện mối quan hệ giữa các công ty tư nhân thường có quy mô lớn, thân hữu với DNNN và với cả các quan chức nhà nước trong việc “mua lại” những đặc quyền.

Tuy nhiên, dù các công ty tư nhân này có nhạy bén hơn các DNNN trong việc khai thác các cơ hội, tận dụng các đặc quyền, đặc lợi nhưng “chi phí” cho các loại hàng hóa này thường không hề nhỏ, hậu quả là các công ty tư nhân này cũng gặp khó khăn trong việc tìm kiếm lợi nhuận từ đó. Nhưng họ lại chấp nhận những khó khăn đó, như một kiểu chấp nhận chi phí để đổi lấy các quan hệ với các DNNN và với các quan chức nhà nước, để hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh khác. Khi có được những quan hệ kiểu này, bản thân các công ty tư nhân trở nên “có thế lực” và hoạt động như một dạng DNNN kiểu mới, rất ỷ lại và bất chấp lợi ích của các thành phần khác (môi trường, cộng đồng, người tiêu dùng…).

Như vậy, các đặc quyền, ưu đãi dành cho các DNNN vì mục tiêu để các DNNN này trở thành chủ đạo, đầu tàu của nền kinh tế thật ra không làm cho các DNNN này lớn mạnh như mong đợi, mà tạo ra hàng loạt các công ty sân sau của quan chức chính quyền và của bộ máy quản lý của công ty (có thể dưới hình thức các công ty nhà nước hay tư nhân), và các công ty tư nhân thân hữu chuyên tìm kiếm những lợi thế từ các DNNN, khi các doanh nghiệp này không tận dụng được.

Một hệ thống doanh nghiệp chằng chịt, thiếu hiệu quả, sống nhờ vào việc tiêu hao các nguồn lực quốc gia như vậy, nhưng luôn được nâng đỡ, biện minh bởi những chủ trương lớn của Nhà nước, trong điều kiện thể chế không minh bạch, không có giải trình và không có cá nhân chịu trách nhiệm chắc chắn không tạo ra gì khác hơn là các nhóm lợi ích gắn cả ba bên; các quan chức nhà nước, DNNN và các doanh nghiệp tư nhân núp bóng ăn theo. Một hệ thống như vậy chắc chắn trói tay Nhà nước trong ít nhất hai việc, đó là chống tham nhũng và chấp nhận cho các DNNN này phá sản. Vì như đã phân tích, một mặt nó đươc biện minh bởi chủ trương (không có cá nhân chịu trách nhiệm) và mặt khác, mạng lưới lợi ích của các thành phần liên quan đã đan xen, kết dính vào nhau.

Nếu chống tham nhũng nói chung là “ta tự đánh ta”, thì chống tham nhũng trong DNNN chính là ta phải xử lý cái hệ tiêu hóa đầy giun sán của ta, một kẻ bụng ỏng ăn bao nhiêu cũng ốm yếu.

Lê Vĩnh Triển - Trường đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP.HCM