Loạt ảnh quý hiếm về những phụ nữ ‘bán hoa’ thế kỉ 19 gây tò mò
Văn hóa - Ngày đăng : 10:32, 23/12/2018
Giai đoạn khi nhiếp ảnh hãy còn là ngành kỹ thuật mới nổi, một ‘thú chơi’ nghệ thuật tân thời, việc nhóm phụ nữ hành nghề ‘bán hoa’ quyết định đứng trước ống kính William Goldman những năm 1890 nơi nhà thổ Reading, Pennsylvania, đã tạo nên thứ dấu ấn văn hóa ‘vô tiền khoáng hậu.’
Thời bấy giờ, máy ảnh chưa tân tiến đến mức người nghệ sĩ chỉ cần vài thao tác chỉnh và nhấn. Để có được tấm ảnh mong muốn, bạn phải kiên nhẫn. Những người phụ nữ yểu điệu trong khung ảnh của Goldman hẳn đã tin tưởng ông đến mức sẵn lòng dành thời gian tạo dáng trước ống kính, với nhiều tư thế, phong thái đời thường nhất.
Chùm ảnh về kỹ nữ do nhiếp ảnh gia người Mỹ thực hiện mang cảm nhận nghệ thuật vừa thi vị, vừa quyến rũ và gần gũi đến khó tin. Những tác phẩm đôi khi đậm chất ‘nụt nà’ ở tranh khỏa thân của Degas, đôi khi lại như một sự ‘trêu đùa’ thị giác đầy thú vị. Series ảnh ẩn chứa vẻ đẹp dịu dàng, ngay cả trong những khoảnh khắc nóng bỏng - gợi cảm.
Nơi khung ảnh, những phụ nữ bán thân tại nhà thổ không khoác lên mình ấn tượng giàu có, xa hoa như nhiều quý phu nhân, giới trí thức hay nghệ sĩ đương thời yêu thích mốt chụp ảnh. Nhưng bất kể hoàn cảnh, họ vẫn giữ tự tin, như thể tạo hình trước máy ảnh là cách để họ thấy được yêu hay thời thượng hơn.
Với những phụ nữ làm việc trong nhà thổ, những người chịu đựng cuộc sống cơ hàn và phải tự nuôi thân bằng nghề dịch vụ sex, cơ hội được góp mặt nơi một tuyển tập ảnh nghệ thuật không chỉ khiến họ hào hứng. Giữa xã hội gia trưởng khi ấy, khi phụ nữ vẫn chưa có đủ tiếng nói bình quyền, những tấm ảnh như biểu trưng cho mơ ước đấu tranh của riêng họ.
Và Goldman, thông qua ống kính cùng góc nhìn nghệ thuật lôi cuốn, đem đến sự sẻ chia hiếm hoi cho những ‘nàng thơ’ của ông.
Series ảnh được biên tập bởi chuyên gia giám tuyển Robert Flynn Johnson, tạo thành ấn bản sách hoàn chỉnh với tên gọi: “Working Girls: An American Brothel, Circa 1892.” Bộ sưu tập trước đó là sở hữu cá nhân của Goldman, người khi sinh thời không có ý định công khai chia sẻ chúng.
Nhà thổ, địa điểm từng bị xem là chốn mua vui ‘đen tối’, lại biến thành không gian để Goldman tìm kiếm và ‘nắm bắt’ nét đẹp nghệ thuật của những phụ nữ ông gặp gỡ. Với người yêu nhiếp ảnh, ngắm nhìn bộ sưu tập ấn tượng này hứa hẹn đem đến niềm hứng thú tương đồng.
Như Ý (lược dịch từ bài giới thiệu của Dita Von Teese, CNN)