Nghĩ về vẻ đẹp khi uống rượu

Góc bình luận - Ngày đăng : 17:51, 17/11/2016

Người ta không thấy sự tự nguyện và ưng thuận trong cuộc rượu đầy tai tiếng ở Hồng Lĩnh. Qua báo chí, dư luận biết được rằng chính quyền sở tại đã điều động những cô giáo trẻ đi tiếp rượu cho những quan chức khác...
Ảnh minh họa

Trong một đêm mùa đông ở Kyoto, tôi được dự một bữa tiệc rượu nhớ đời: chủ tiệc là hai ông Hiệu trưởng và Khoa trưởng khoa Nội tiết, ở một khách sạn 6 sao. Người phục vụ là một thiếu nữ Nhật đẹp tuyệt trần trong bộ kimono truyền thống, đội trên đầu một mâm đủ loại chén ngọc nhiều màu sắc để khách nhón lấy, rồi mới nhẹ nhàng rót từng chung rượu cho khách.

Trừ những lúc rót rượu bằng những động tác đẹp như tranh vẽ, cô thiếu nữ ấy quỳ bất động như tượng trong một góc nhà, mắt nhìn thẳng vô định, không tỏ dấu gì đang tò mò lắng nghe hay chen vào câu chuyện của khách.

Thấy tôi tỏ vẻ ái ngại, hay ngượng ngập trong khung cảnh quá sức sang trọng kiểu Nhật này, ông Hiệu trưởng, một quý tộc thuộc dòng dõi Samurai ôn tồn bảo:

- Tiên sinh đừng ngại. Hầu rượu là một nghề rất công phu ở Nhật, dựa trên tự nguyện và ưng thuận. Cô gái này chọn nghề này để làm và được trả thù lao để hầu rượu. Và chỉ hầu rượu thôi, không được chạm (sensuous touch – nguyên văn) vào người cô ấy. Cô ấy có quyền từ chối những vị khách thô lỗ, sàm sỡ.

Đó là chuyện năm xưa ở Nhật!

Tôi cũng đã bị uống một trận nhớ đời ở Tây Bắc trong cuộc liên hoan ở một trường tiểu học. Người ép rượu là những cô giáo trẻ với tửu lượng kinh hồn. Các cô ấy uống ừng ực một thứ rượu rất nặng và làm đầu đau như búa bổ.

Ừ, các cô ấy uống thì cứ uống, có sao đâu! Tuổi trẻ vùng cao thì có gì khác làm vui ngoài rượu, nhất là uống với bạn đồng nghiệp, trong một khung cảnh tự nguyện và ưng thuận.

Người ta không thấy sự tự nguyện và ưng thuận đó trong cuộc rượu đầy tai tiếng ở Hồng Lĩnh. Qua báo chí, dư luận biết được rằng chính quyền sở tại đã điều động những cô giáo trẻ đi tiếp rượu cho những quan chức khác. Người ta gọi đó là “nhiệm vụ chính trị”, đi phục vụ bữa ăn cho những người đàn ông không phải bạn rượu hay bạn tình, mà họ đã công nhận “khi say thì anh em cũng không kiểm soát được mình”.

Sự hầu hạ ấy dựa trên căn bản ép buộc bằng quyền lực. Và phải gọi đúng bản chất của sự việc này là một sự bạo hành kiểu châu Á rất thường gặp. Bằng sự xuê xoa đó, người ta dễ dàng đổ thừa cho rượu cho những hành vi thô lỗ, vồ vập khiếm nhã với phụ nữ. Khi đó, những-con-đực-khát-tình sẽ hiện nguyên hình, và tự tin hơn gấp nhiều lần vì đã có men rượu chống chế thay. Say mà!

Những con đực này cũng sẽ đắp điếm, nguỵ trang cho sự chịu đựng của những người đàn bà mà hắn ép buộc bằng những mỹ từ “chịu thương chịu khó”, “hy sinh” hay “làm nhiệm vụ chính trị” (?).

Một người đàn ông biết uống rượu sẽ không như vậy. Người đàn ông chân chính, tao nhã sẽ không dùng sắc giới, tửu giới để mua vui cho cấp trên theo một cách thấp hèn.

Lại nữa, tôi biết một công ty nước ngoài mà nội quy đã viết thành văn: cấm tiệt mọi quan hệ tình cảm giữa cấp trên và cấp dưới để bảo đảm sự liêm chính trong nội bộ. Khi có chuyện đó xảy ra, người ra đi phải là cấp trên, vì người ta xem cấp dưới là kẻ yếu nên không có lỗi. Một tổng giám đốc phải ra đi vì nhận lời mời gài bẫy ăn tối (chỉ ăn tối thôi) của cô thư ký dưới quyền.

Nhìn một cách khác, nếu một cấp trên xem chuyện bốc hốt, “quơ tay trúng ngực”, “đưa tay trúng đùi” những cô gái trẻ là việc “vui vẻ thường tình”, tôi e rằng phẩm giá và nam tính của họ có vấn đề.

Vì cợt nhả, sàm sỡ… không bao giờ có trong một cuộc rượu đẹp. Và một người đàn ông đầy đủ nam tính, có tự trọng, có giáo dục… sẽ khước từ những hành vi mang tính bạo hành, ép uổng rất thiếu văn hoá ấy.

Hoặc trừ phi, người đàn ông ấy đã chứng kiến nhiều cảnh bạo hành nữ giới trong ngôi nhà mình, nên dễ dàng xem đó là chuyện bình thường.

Huống chi, một thầy giáo quyền cao chức trọng, ai lại bàn về những nữ đồng nghiệp trẻ dại của mình bị ép đi hầu rượu như thế?

Lê Đình Phương