Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM bất ngờ hoãn họp báo không nêu lý do
Sự kiện - Ngày đăng : 21:53, 25/12/2018
Vào sáng cùng ngày, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM đã phát hành thư mời khẩn gửi đến các cơ quan báo chí để thông báo về buổi họp báo diễn ra 26.12. Buổi họp này nhằm cung cấp các vấn đề liên quan đến tình hình hoạt động của Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM. Thế nhưng, buổi họp báo đã được tạm hoãn mà không có lý do.
Ban quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM được thành lập ngày 13.9.2007, trực thuộc UBND TP.HCM. Cơ quan này có chức năng, nhiệm vụ là quản lý và chủ đầu tư 8 dự án đường sắt đô thị (metro) của TP.HCM với tổng số vốn lên đến hàng trăm ngàn tỉ đồng.
Tuy nhiên, vài ngày trở lại đây, việc hàng loạt cán bộ chủ chốt xin nghỉ việc và những sai phạm xảy ra khiến dư luận bất an. Cụ thể, ông Lê Nguyễn Minh Quang -Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM đã có 2 lần nộp đơn xin thôi việc.
Sáng 25.12, một số tờ báo đưa tin lãnh đạo UBND TP.HCM đã họp và thống nhất chủ trương tạm đình chỉ chức vụ ông Quang, đồng thời giao bà Vũ Minh Huyền - Phó bí thư Đảng ủy, Phó ban Quản lý đường sắt đô thị phụ trách Đảng ủy Ban từ ngày 21.12.
Thế nhưng, chiều 25.12, ông Quang cho biết chưa nghe thông tin về việc đình chỉ công tác như báo chí đưa tin, mà ông chỉ đang nghỉ phép 2 ngày. Đại diện UBND TP.HCM cũng cho biết mọi thông tin liên quan tới công việc của ông Quang sẽ được chia sẻ với báo chí trong cuộc họp báo báo diễn ra ngày 26.12.
Liên quan đến vấn đề nhân sự, sáng 25.12, ông Đỗ Hồng Thư cũng thông tin ông Dương Hữu Hòa - Chủ tịch Công đoàn, Giám đốc ban Quản lý dự án 1 đã nộp đơn xin nghỉ việc vì lý do sức khỏe. Tuy nhiên, việc nghỉ việc vẫn chưa được lãnh đạo TP.HCM đồng ý, vì vậy ông Hòa vẫn đi làm bình thường.
Không chỉ riêng những cán bộ chủ chốt, trong báo cáo gửi UBND TP.HCM hồi tháng 11.2018,Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCMthông tin từ tháng 7.2016 đến tháng 11.2018 có tới 45 người nghỉ việc. Trong số đó có 5 lãnh đạo phòng ban, 37 chuyên viên và thêm 3 người nghỉ do tinh giản biên chế. Việc này khiến việc triển khai các tuyến đường sắt đô thị đang gặp nhiều khó khăn do thiếu nhân sự.
Trong khi đó, ông Hoàng Như Cương - Phó ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM đã đi nước ngoài từ ngày 9.12 nhưng chưa báo cáo lên UBND TP.HCM. Việc đi nước ngoài này diễn ra trong điều kiện UBND TP.HCM mới có chỉ thị yêu cầu từ nay đến tết, cán bộ các cơ quan, đơn vị không đi công tác, tham quan, học tập… ở nước ngoài, các trường hợp đặc biệt do Chủ tịch UBND TP.HCM quyết định.
Trong một diễn biến khác, sáng 25.12, Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM Nguyễn Văn Támnói rằng, Thanh tra TP.HCM vừa thanh tra việc thực hiện dự án tuyến metro số 1, đoạn hầm ngầm từ ga Bến Thành đến ga Nhà hát thành phố và phát hiện sai sót.
Cụ thể, chủ đầu tư đã điều chỉnh thiết kế kỹ thuật mà chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Tường vây đường hầm dày 2m cũng bị điều chỉnh còn 1,5m.
Chưa kể, báo cáo của Kiểm toán Nhà nước mới công bố cũng cho thấy ông Hoàng Như Cương phê duyệt điều chỉnh dự án tại quyết định số 178 hồi giữa năm 2014 là trái thẩm quyền. Bởi lẽ, ông Cương không có thẩm quyền điều chỉnh mức vốn đầu tư và quy mô của dự án quan trọng quốc gia.
Việc UBND TP.HCM ký quyết định phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện dự án từ hoàn thành năm 2017 sang hoàn thành năm 2019 cũng không tuân thủ trình tự và thẩm quyền. Theo thẩm quyền, với những dự án quốc gia phải báo cáo Quốc hội xem xét quyết định khi kéo dài thời gian thực hiện từ một năm trở lên.
Không những vậy, UBND TP.HCM chỉ đạo đơn vị thẩm định sử dụng kết quả thẩm tra tổng mức đầu tư của đơn vị tư vấn không phù hợp với quy định. Theo quy định thì đơn vị thẩm tra phải do người quyết định đầu tư thuê.
Ngoài ra, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM thực hiện thẩm định tại dự án để phê duyệt là không đúng thẩm quyền, do dự án đã phát sinh vấn đề thuộc tiêu chí công trình quan trọng quốc gia. Theo quy định tại Nghị quyết 49/2010/QH12, việc thẩm định phải được thực hiện bởi Hội đồng thẩm định Nhà nước.
Phan Diệu