Để không phải thất nghiệp khi công nghệ thay đổi
Góc bình luận - Ngày đăng : 16:19, 27/11/2016
Báo The Guardian dẫn thông tin từ Adidas xác nhận một nhà máy của hãng này ở Đức sẽ bắt đầu dùng robot sản xuất giày vào năm 2017. Theo đó, “nhà máy siêu tốc độ” này sẽ chỉ thuê 160 công nhân. Adidas cũng lên kế hoạch sử dụng robot tại một nhà máy ở Mỹ trong thời gian tới.
Thông thường, để sản xuất một đôi giày Adidas mất 18 tháng từ việc ra ý tưởng đến khi đưa ra kệ bán hàng. Với việc sử dụng robot, Adidas đặt ra mục tiêu cắt giảm công đoạn này còn chỉ 5 giờ, và khách hàng có thể tự thiết kế đơn đặt hàng của mình.
“Mục tiêu của chúng tôi là phi tập trung hóa sản xuất và thành lập một mạng lưới toàn cầu những nhà máy siêu tốc độ ở gần hơn với khách hàng” - Katja Schreiber, người phát ngôn của Adidas, khẳng định.
Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đang thúc giục các quốc gia ASEAN bắt đầu có những giải pháp ngăn chặn. Jae Hee Chang, đồng tác giả báo cáo của ILO, cho rằng các công ty đang bị quyến rũ bởi các công nghệ tự động vì có giá thành và chất lượng cạnh tranh hơn, đồng thời giúp giảm thiểu các nguy cơ tai nạn lao động.
“Theo một kịch bản tốt nhất, robot có thể đảm nhiệm những công việc lặp đi lặp lại, không cần kinh nghiệm trong việc sản xuất quần áo”.
Nếu kế hoạch này được thực hiện trong ngành may mặc đối với Asean thì rất nhiều công nhân may mặc của VN cũng như những nước có tỉ trọng dệt may cao có nguy cơ mất việc.
Nhiều doanh nghiệp trong nước đã khéo léo chuyển dần sang sản xuất những mặt hàng may mặc cao cấp, đòi hỏi tay nghề mà máy móc tạm thời không thay thế được cũng như chuyển dần sang nhu cầu may mặc trong nước trước đây vốn bị thị trường xuất khẩu lấn át.
Như vậy song song với quá trình đó sẽ là sự xuất hiện của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thích ứng nhu cầu mang tính cá nhân và nhóm nhỏ của người dân.
Theo chúng tôi biết Cục Việc Làm của bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề ra hai giải pháp tổng thể nhằm ngăn viễn cảnh robot “giành lấy” việc làm của người lao động Việt Nam.
Đầu tiên là tăng cường đầu tư phát triển nguồn nhân lực gắn với chiến lược phát triển sản xuất, kinh doanh các sản phẩm có hàm lượng tri thức, giá trị gia tăng cao thay vì các sản phẩm, các ngành sản xuất thâm dụng lao động.
Kế đến là chú trọng phát triển công nghiệp phụ trợ, các doanh nghiệp vừa và nhỏ làm nơi thu hút phần lớn lực lượng lao động hỗ trợ các ngành sản xuất chính, nơi công nghệ sản xuất được tự động hóa ngày càng cao.
Nhưng quan trọng hơn là sự tự thân vận động của người lao động theo nguyên tắc “giỏi một nghề biết nhiều nghề”, không ngừng nâng cao kỹ năng nghề nghiệp để có thể thay đổi hoặc tìm việc làm mới.
Thế giới đứng trước cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 và các chính phủ cũng đang nỗ lực với các chính sách phúc lợi, đào tạo, chuyển hướng cho một bộ phận bị mất việc do áp dụng công nghệ mới.
Không chỉ thay đổi công nghệ mới gây mất việc như xe dịch vụ Grab Bike gây khó khăn cho xe ôm, hay công nghệ mới làm khó công nhân dệt may mà sự điều chỉnh quản trị đô thị cũng như sự vận động đi lên tất yếu của đô thị cũng sẽ làm cho một bộ phận cư dân mất việc.
Đơn cử như việc Hà Nội và TP.HCM cấm xe xích lô trước đây đã làm nhiều người mất việc hoặc buộc phải chuyển đổi công việc. Hoặc việc đòi hỏi thực phẩm, nông sản sạch và theo những quy chuẩn mới cũng sẽ làm nhiều hộ nuôi trồng khó khăn nếu chậm chuyển đổi. Hay xu hướng mua hàng trên mạng của thị dân cũng sẽ làm khó những hộ buôn bán không kịp “trở bộ”, áp dụng online…
Chính quyền 2 thành phố đã có những chính sách hỗ trợ để anh em xích lô chuyển nghề, tiếc rằng chúng tôi không tiếp cận được tài liệu nào tổng kết vấn đề này để rút ra bài học kinh nghiệm cho những vấn đề mà toàn xã hội phải đối mặt như trên đã nêu.
Như vậy bản thân mỗi người phải hiểu mình luôn đứng trước nguy cơ, phải tự trang bị kỹ năng mới và những khả năng dự phòng…
Về tổng thể, cũng như những nước khác, ngoài những chính sách phúc lợi xã hội, Việt Nam phải đổi mới nhiều mặt nhất là về lĩnh vực giáo dục đào tạo thì mới bắt nhịp được với sự thay đổi công nghệ như vũ bão đang diễn ra hàng ngày hàng giờ.
Hoàng Linh