‘Ai là triệu phú’ khiến tôi nghĩ ngợi
Góc bình luận - Ngày đăng : 19:44, 24/11/2016
Cần phải nói ngay, trong một xã hội đầy chuyện bất thường thì việc cô gái trẻ tên Quyên trong chương trình “Ai là triệu phú” gây xôn xao cũng không có gì lạ. Dư luận trái chiều bàn ra tán vào, người chê kẻ bênh cũng là chuyện bình thường.
Cô ấy người Hà Nội, tên Quyên, 24 tuổi, kỹ sư, tham gia chương trình nổi tiếng “Ai là triệu phú” của VTV do nhà báo Lại Văn Sâm cầm trịch. Chương trình này đòi hỏi người tham gia phải có kiến thức rộng (không cần sâu), biết nhiều thứ, nhiều lĩnh vực. Người tham gia phải giống như một thứ từ điển bách khoa, càng biết nhiều càng vào sâu, càng chứng tỏ mình. Và đương nhiên là giải thưởng càng lớn. Nếu trả lời đúng tận câu cuối cùng, tiền nhận được lên tới hàng trăm triệu đồng, cũng bõ cho cái khả năng hiểu rộng biết nhiều của mình.
VTV và nhiều đài truyền hình địa phương đang nở rộ các chương trình thi thố có thưởng. Chả ai trách chuyện ấy bởi bây giờ là thời kinh tế thị trường, văn hóa không chịu đứng ngoài, nó có thể sử dụng quyền năng của nó để thu hút người ta mà tiền là thành phần có sức hấp dẫn mạnh mẽ. Những “Ai là triệu phú”, “Chiếc nón kỳ diệu”, “Hãy chọn giá đúng”, thậm chí cả “Đường lên đỉnh Olympia”… thu hút được đông đảo người tham gia và người xem tivi bởi chúng tạo sự hấp dẫn, lôi cuốn độc đáo, vừa củng cố kiến thức xã hội cho công chúng, vừa tạo sự ham muốn đoạt giải thưởng, ngoài ra là danh tiếng, việc chứng tỏ bản lĩnh và khả năng của người tham gia thông qua truyền thông. Nhưng ở mặt trái, nó cũng có thể hủy diệt tên tuổi ai đó trong chốc lát nếu người ta không biết lượng sức mình, nếu “tham tiền cột mỡ lắm anh leo”.
Nói cho công bằng, sống trên đời, không phải ai cũng biết tất cả mọi điều. Nếu điều gì cũng thông tỏ, hiểu sâu biết rộng, họa có là siêu nhân, là thánh là thần. Đừng bao giờ đòi hỏi con người phải thông kim bác cổ, phải có trí tuệ thiên tài, bộ nhớ như máy tính. Chính vì vậy, việc cô Quyên không thể trả lời được ngay cả những câu hỏi đầu tiên, những câu dễ nhất của chương trình anh Sâm, cũng là nằm trong quy tắc đời sống này. Cô Quyên hay bất cứ ai khác mà thao thao trôi chảy đến tận câu thứ 15, giật ngay giải thưởng trăm triệu mới là điều bất thường. Chính tôi, cả đời miệt mài học hành, đọc không ngưng nghỉ, ngoài thời gian làm việc mưu sinh và… ngủ, thì gần như toàn bộ thời gian ít ỏi còn lại luôn giương ăng ten trí não lên để bắt sóng kiến thức, cảm thấy càng biết nhiều thì càng quá ít bởi bể học mênh mông vô cùng vô tận. Tôi từng tâm sự với bạn bè, người thân, rằng nếu đi thi “Ai là triệu phú” hoặc “Chiếc nón kỳ diệu” tôi sẽ bật ngay từ vòng gửi xe nếu câu hỏi có nội dung về bóng đá, nhạc trẻ…, chẳng hạn đội nào vô địch giải ngoại hạng Anh năm 2000, ai đoạt chiếc giày vàng Việt Nam năm 2015, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng vừa có chương trình gì… Những câu ấy, có không ít bạn trẻ đưa ra lời giải chỉ trong nháy mắt.
Tuy nhiên, vâng, điều cần nói cũng là ở cái tuy nhiên này. Không ai bắt tôi phải biết hết, nhưng tôi cũng như mọi người, lần theo thời gian, theo sự trưởng thành của mình, phải tự nạp được những kiến thức mà hầu như ai cũng biết. Những thứ ấy, khi xưa người ta gọi là kiến thức phổ thông, là “thường thức” (kiến thức bình thường). Chúng “chui” vào não ta bằng nhiều đường nhiều lối: do cha mẹ, người thân trong nhà truyền thụ hằng ngày; do nhà trường truyền đạt, dạy dỗ; do chính ta chủ động tìm hiểu qua nhiều kênh thông tin; do chúng tự nhiên thẩm thấu vào óc ta…
Chả ai dạy ta rằng cua thường nấu với rau đay (là phù hợp nhất, ngon nhất), chả thày cô nào nhét vào đầu học trò El Nino là gì. Nhưng tôi cam đoan rằng không mấy người đã trưởng thành bình thường nào lại lúng túng trước các đáp án cua nấu với: rau đay, củ cải, mộc nhĩ, súp lơ; cũng không mấy ai thường đọc báo nghe đài coi tivi lại phải đầu hàng bởi không biết El Nino nó là cái thứ gì trong: một loại dương xỉ, một khu rừng ở châu Phi, một điệu nhảy, một hiện tượng thời tiết. Ta sẽ dễ cảm thông với cô gái ấy nếu câu hỏi của chương trình chỉ hỏi vắn tắt “cua thường được nấu với rau gì?”, “El Nino là cái gì?”, nhưng với 4 phương án theo kiểu thi trắc nghiệm kia mà cũng phải vò đầu bóp trán, vắt óc suy nghĩ đã là điều không bình thường rồi, cuối cùng vẫn không tìm ra đáp án thì quả thật quá không bình thường. Lại càng bất thường hơn nữa bởi người tham gia không phải em bé mới lớn, hoặc cụ già đã lẫn, mà là một cô gái trẻ 24 tuổi, sống ở thủ đô, có bằng kỹ sư. Có người thương cô bênh rằng sống ở phố phường nên có thể chả cần biết cua thường nấu với rau gì. Thế chả nhẽ nếu người ta ra câu hỏi con gà có mấy chân, với 4 đáp án 1, 2, 3, 4 thì cũng đầu hàng, xin sự trợ giúp sao, với lý do nhiều người chỉ ăn thịt gà chứ có mấy khi mổ gà, để ý đến con gà. Không biết những kiến thức phổ thông, thường thức như vậy, trên trường quay có thể còn tìm ra sự trợ giúp, nhưng trên đời thực chắc chắn sẽ gặp vô vàn khó khăn.
Nhiều khi chúng ta cứ lo lắng phải dạy cho bọn trẻ những kỹ năng sống này nọ nhưng lại quên rằng trong lớp trẻ đang hổng khá nhiều kiến thức cần thiết để có thể sống tự tin, chủ động với đời. Với cô gái của {“Chiếc nón kỳ diệu”, tôi (và có thể nhiều người) thông cảm với cô nhưng lòng vẫn vẩn vơ buồn. Chúng ta đang có một lớp trẻ còn nhiều trống khuyết như vậy, nền giáo dục liên thông nhà trường - gia đình - xã hội đang làm ra sản phẩm như vậy, có muốn không nghĩ cũng vẫn cứ phải nghĩ ngợi.
Nguyễn Thông