Nhân chuyện vụ phó 26 tuổi: Cần lắm một hệ thống quản trị khoa học và minh bạch
Góc bình luận - Ngày đăng : 12:59, 11/12/2016
Có người nói ông Hoàng là người trẻ có năng lực xuất sắc. Có người nói ông Hoàng là con ông nọ, cháu ông kia… Là người ở xa, không có trách nhiệm tuyển chọn, tôi không có ý kiến về ông Hoàng. Tuy nhiên qua các tranh luận lùm xùm trên báo chí, tôi lại thấy rất rõ một vấn đề.
Tại các công ty đa quốc gia nổi tiếng trên thế giới, các cá nhân ở vị trí lãnh đạo được trao quyền quyết định tương đối lớn. Quyết định về nhân sự, về kinh doanh, về ngân sách, về chi tiêu, về đầu tư… Cũng tại các công ty này, các qui trình quản lý, qui trình hoạt động, cơ cấu tổ chức, báo cáo, sự tách chia trách nhiệm, kiểm tra nội bộ… được vạch ra, tổ chức, quản lý một cách minh bạch và nghiêm túc, trên tinh thần tôn trọng con người, tuân thủ luật pháp, vì lợi ích chung của xã hội và công ty.
Do đó một người ở vị trí trách nhiệm khó mà vi phạm, và khi vi phạm thì sự điều tra cũng nhanh chóng tìm ra nguyên nhân, rồi thì xử lý cũng nghiêm minh. Mọi người đều bình đẳng trước sự điều tra, xử lý của công ty. Ngoài ra, người ở vị trí trách nhiệm có thể an tâm mà ra những quyết định đột phá vì khi không vi phạm qui trình làm việc, quản lý, khi vẫn giữ hành động của mình trong phạm vi giá trị cốt lõi, đạo đức thì không dễ bị một ai đó vu khống hay bị đặt một dấu hỏi lơ lửng trên đầu mà không bao giờ được minh oan. Công chúng cũng sẽ không dễ dàng nghi ngờ thắc mắc.
Như vậy, một hệ thống quản trị khoa học và minh bạch vừa có tác dụng ngăn chặn các sai phạm cá nhân, vừa thúc đẩy cá nhân mạnh dạn lấy sáng kiến và quyết định đột phá vì lợi ích của công ty.
Trở lại việc bổ nhiệm ông Vũ Minh Hoàng. Nếu qui trình tuyển dụng minh bạch, kế hoạch tuyển dụng cho cả năm được chấp thuận từ trước, trách nhiệm và yêu cầu của vị trí đã được xác định… cùng với một sự minh bạch cần thiết, thì có lẽ sự việc đã không dấy lên những nghi ngờ, đồn đoán đủ chiều hướng như vậy.
Ngay cả với trường hợp, giả sử, người được bổ nhiệm thực sự là nhân tài trẻ tuổi, thì thắc mắc của công chúng chỉ là người quyết định bổ nhiệm đã đánh giá đúng hay lầm thực tài của người được bổ nhiệm. Và công chúng sẵn lòng chờ đợi người đó thể hiện năng lực của mình trên vị trí mới.
Ta thấy trong trường hợp đó, các thảo luận sẽ tập trung vào đề tài ở mức độ cao cấp hơn như triết lý và qui trình tuyển dụng, yêu cầu của công việc, phương pháp thẩm định… thay vì chỉ lẩn quẩn ở mức độ nghi ngờ động cơ lợi ích cá nhân, gia đình hay nhóm, nghi ngờ việc có gian dối, hay thậm chí tham nhũng hay không!
Vẫn biết trong hoàn cảnh xã hội đã chứng kiến rất nhiều sự việc con ông cháu cha mà cách thông báo sự việc và cách xử lý của cấp trên có thẩm quyền chưa thuyết phục được công chúng, thì sự nghi ngờ là hậu quả đương nhiên.
Đối với tôi, đó là một sự phung phí của xã hội: phung phí thời gian, phung phí trí lực, tâm sức, phung phí lòng tin vào những việc vô bổ. Các độc giả có nghĩ rằng sự phung phí này là nguồn gốc của những phung phí ghê gớm khác không?
Một hệ thống quản trị minh bạch và chặt chẽ, khoa học sẽ giúp chúng ta tránh các phung phí đó.
Lê Học Lãnh Vân