EU sẽ bãi bỏ trợ cấp đối với các nhà máy điện chạy than

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 13:56, 27/12/2018

Vào năm 2025, hầu hết các nước EU sẽ chính thức chấm dứt sự hỗ trợ của nhà nước đối với các nhà máy nhiệt điện chạy than để chuyển đổi sang năng lượng tái tạo.

TheoTreeHugger, dư luận châu Âu cho rằng sự hỗ trợ của nhà nước đối với các doanh nghiệp than trước thảm họa khí hậu sắp xảy ra là vô lý. Và sau 6 năm, hầu hết các nước EU sẽ chính thức chấm dứt sự hỗ trợ đó. Trong khi các nhà môi trường đang gióng lên hồi chuông cảnh báo, đồng thời chứng minh rõ ràng rằng cần phải tăng gấp đôi nỗ lực chuyển sang sử dụng năng lượng sạch và từ bỏ hoàn toàn nhiên liệu hóa thạch thì Liên minh châu Âu hiện vẫn tiếp tục trợ giúp các công ty khai thác than. Nhưng thực tế này sẽ kết thúc vào năm 2025.

Ngoại lệ sẽ là Ba Lan, vì quốc gia EU này phụ thuộc nhiều nhất vào than đá. Đối với Ba Lan, đạo luật mới sẽ cho phép phân bổ trợ cấp cho các nhà máy nhiệt điện than đang bị lỗ theo các hợp đồng được ký kết trước cuối năm 2019. Các doanh nghiệp này sẽ có thể nhận được hỗ trợ của nhà nước cho đến năm 2035 - lâu hơn 5 năm so với mức cần thiết để thực hiện Thỏa thuận Paris về khí hậu. Các nhà lập pháp cảm thấy rằng cần phải có sự thỏa hiệp để các quốc gia không thể từ bỏ than trong thời gian sớm nhất có được động lực chuyển đổi dần dần sang năng lượng tái tạo vì nếu khác đi, họ có thể từ chối bất kỳ hành động nào nhằm giảm việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Tổ chức môi trường Greenpeace đã lên tiếng chống lại các biện pháp như vậy khi cho rằng quyết định như vậy của các chính trị gia cho thấy họ hoàn toàn không hiểu về hậu quả của việc không kịp thời từ bỏ than.Tuy nhiên, mặt khác, nhu cầu trợ cấp cho các nhà máy điện truyền thống tự nó cho thấy rằng các nhà máy điện chạy than không cạnh tranh nổi với các nguồn năng lượng tái tạo. Vì vậy, sự phát triển của năng lượng tái tạo sẽ dẫn đến thực tế là ngay cả sự hỗ trợ của nhà nước cũng không giúp các nhà máy điện than tồn tại cho đến năm 2035.

Thị trường năng lượng tái tạo Ba Lan dự kiến ​​sẽ có sự tăng trưởng đáng kể trong những năm tới, đặc biệt là các trang trại gió trên đất liền. Vào mùa hè vừa rồi, Thượng viện Ba Lan đã dỡ bỏ các hạn chế đối với các khoản đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo được áp dụng tại nước này kể từ năm 2016. Giờ đây, một đạo luật mới đã được thông qua để hỗ trợ năng lượng sạch nhằm đưa nước này trở lại các mục tiêu đề ra từ nhiều năm trước: các nguồn tái tạo thỏa mãn 15% nhu cầu năng lượng của đất nước.

Vũ Trung Hương

Vũ Trung Hương