Bổ nhiệm cán bộ 'siêu tốc' và 'luân chuyển theo đường tiểu ngạch'

Góc bình luận - Ngày đăng : 04:49, 10/12/2016

Những tưởng vụ Trịnh Xuân Thanh "chạy" luân chuyển sẽ là chuyện hy hữu trong công tác cán bộ, hóa ra chuyện bổ nhiệm và luân chuyển "siêu tốc" của ông Vũ Minh Hoàng mới thật sự kinh hoàng.
Ông Vũ Minh Hoàng (phải) được bổ nhiệm một cách bất thường

Ông Hoàng, mới 26 tuổi, chưa làm ngày nào ở Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và đến ngay cả vị vụ trưởng Vụ Kinh tế của Ban Chỉ đạo cũng không hề biết vụ do ông phụ trách có một vụ phó "tuổi trẻ tài cao" đến thế đã từng tồn tại. Tất cả cho thấy công tác cán bộ của chúng ta đang bộc lộ nhiều dấu hiệu đáng lo ngại, rất đúng với những gì mà Hội nghị Trung ương 4 khóa 12 đã nhận định.

Tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa 14 vừa rồi, đại biểu quốc hội Lê Văn Minh (Quảng Nam) đã chất vấn Bộ trưởng Nội vụ về chuyện tại sao Trịnh Xuân Thanh được đưa về làm Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang trong khi không phải diện được Ban Bí thư, Bộ Chính trị đưa vào diện luân chuyển theo quy hoạch. Ông Minh hỏi phải chăng đây là trường hợp được đưa đi "luân chuyển theo đường tiểu ngạch?". Một cụm từ tinh tế, sâu sắc, mang nhiều ý nghĩa rất đáng phải suy nghĩ. Trung tướng, Anh hùng phi công Phạm Phú Thái, nguyên Chánh thanh tra Bộ Quốc phòng, nhân vật huyền thoại của lịch sử Không quân nhân dân Việt Nam, hôm qua đã thốt ra với tôi rằng: Rất đáng trọng thưởng cho nhân vật nào đã "phát minh" ra cụm từ "luân chuyển cán bộ theo đường tiểu ngạch".

Cũng hôm qua, 8.12, căn cứ vào kết luận và đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Bí thư Trung ương Đảng, dưới sự chủ trì của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã họp, quyết định hình thức kỷ luật một số cán bộ cao cấp có dính dáng đến vụ Trịnh Xuân Thanh và cho rằng khuyết điểm của 3 cán bộ liên quan, gồm ông Trần Lưu Hải, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó trưởng ban thường trực Ban Tổ chức Trung ương; ông Huỳnh Minh Chắc, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang nhiệm kỳ 2010 - 2015; ông Nguyễn Duy Thăng, Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, đã gây hậu quả nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước, gây bức xúc và tạo dư luận xấu trong xã hội.

Cụ thể, theo kết luận, ông Trần Lưu Hải đã thiếu trách nhiệm khi ký ban hành công văn của Ban Tổ chức Trung ương về việc tăng thêm chức danh Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2011 - 2016 có nội dung trái với kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Ông Hải cũng mắc khuyết điểm trong việc ký công văn trả lời Tỉnh ủy Hậu Giang về thực hiện quy trình nhân sự tăng thêm một cấp ủy viên nhiệm kỳ 2015 - 2020 đối với Trịnh Xuân Thanh, phải chịu hình thức kỷ luật cảnh cáo.

Khi ở cương vị Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, ông Huỳnh Minh Chắc đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy trình, quy định về công tác cán bộ của Đảng, Nhà nước và quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh trong việc đề nghị, tiếp nhận Trịnh Xuân Thanh từ Bộ Công Thương về tỉnh Hậu Giang để giữ chức Phó chủ tịch tỉnh và tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Ông Chắc phải chịu hình thức kỷ luật cảnh cáo.

Riêng ông Nguyễn Duy Thăng bị khiển trách do có vi phạm, khuyết điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện việc thẩm định, đề xuất cấp có thẩm quyền phê duyệt chức danh Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với Trịnh Xuân Thanh.

Ngoài 3 vị trên, còn một vị ở cấp vụ trưởng, nguyên trợ lý của Trưởng ban Tổ chức Trung ương là ông Bùi Cao Tỉnh, cũng đã bị kỷ luật cảnh cáo (quyết định được ban hành từ Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng). Ông Tỉnh là người chịu trách nhiệm chính trong việc tham mưu nội dung công văn của Ban Tổ chức Trung ương về việc cho tỉnh Hậu Giang được tăng thêm 1 phó chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011 - 2016 trái với kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư...

Chuyện này, theo tôi, có thể xem là hành vi vi phạm tày đình của những người có chức vụ, quyền hạn và đã cố ý làm trái. Mức kỷ luật mà họ nhận không có gì oan.

Thế nhưng, mấy ngày nay, lại một chuyện tày đình không kém bị báo chí khui ra khiến dư luận chưa hết bất bình về vụ luân chuyển Trịnh Xuân Thanh thì lại càng thêm bất bình.

Theo tài liệu mà báo Tuổi Trẻ có được, ngày 20.5.2014, ông Nguyễn Phong Quang, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, ký văn bản gửi Ban Tổ chứcTrung ương “về việc đề nghị thống nhất xét tuyển không qua thi tuyển đối với công chức”.

Công văn nêu: “Hiện nay Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ có 63/65 biên chế được giao (còn 2 biên chế). Căn cứ nhu cầu công tác của cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và năng lực, trình độ xét tuyển công chức, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đề nghị Ban Tổ chức Trung ương có ý kiến thống nhất tiếp nhận không qua thi tuyển đối với ông Vũ Minh Hoàng (sinh ngày 22.8.1990 tại tỉnh Bắc Ninh)... để nghiên cứu, tham mưu, đề xuất lãnh đạo ban trong lĩnh vực đối ngoại”.

Theo hồ sơ, ông Vũ Minh Hoàng đã có bằng thạc sĩ tại ĐH Kent (Bỉ) và ĐH Thanh Hoa (Trung Quốc).

Đến ngày 2.6.2014, Ban Tổ chức Trung ương có văn bản (do Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Hoàng Việt ký) gửi Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, nêu: “Ban Tổ chức Trung ương thống nhất để Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ tiếp nhận không qua thi tuyển đối với đồng chí Vũ Minh Hoàng, sinh viên tốt nghiệp thạc sĩ loại xuất sắc, chuyên ngành phát triển quốc tế Trường ĐH Kent, Vương quốc Bỉ vào công tác tại Văn phòng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ. Việc điều động, tiếp nhận và xếp lương công chức thực hiện theo quy định hiện hành”.

Sau khi có văn bản này, ngày 1.8.2014 ông Hoàng được tuyển dụng không qua thi tuyển và cũng không qua hội đồng xét tuyển, sát hạch theo quy định. Và chỉ một năm rưỡi sau, ngày 15.1.2016 ông Nguyễn Quốc Việt, Phó trưởng ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, đã ký quyết định bổ nhiệm ông Hoàng giữ chức Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế.

Điều lạ là thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ ngay sau đó lại chấp thuận cho ông Hoàng đi làm nghiên cứu sinh tiến sĩ tại ĐH Tokyo (Nhật Bản) theo diện tự túc từ ngày 1.10.2014 đến 30.9.2017, không hưởng lương tại Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ.

Như vậy, vẫn theo Tuổi Trẻ, ông Hoàng đi học từ ngày 1.10.2014 cho đến cuối tháng 9.2017 mới xong. Trong khi ông được bổ nhiệm Phó vụ trưởng ngày 15.1.2016, tức là ông được bổ nhiệm khi không công tác thực tế tại cơ quan này và ông Hoàng cũng chỉ được bố trí ngạch, bậc lương, phụ cấp trên... giấy tờ chứ chưa được ban này trả lương theo quy định. Từ cương vị có thực nhưng "ảo" này, "đánh... đoàng" một cái, ông ta lại được chính quyền TP.Cần thơ xin về để giữ cương vị mới: Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư TP.Cần Thơ một cách ngoạn mục sau khi đã được Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ hậu thuẫn, giúp ông ta "tráng men" chức danh nói trên. Thật là ly kỳ hơn cả phim trinh thám có hạng!

Trở lại với Nghị quyết Trung ương 4 về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nghị quyết đã nêu rất rõ tình hình, nguyên nhân và nhận diện những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Theo đó, biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị trước hết là phai nhạt lý tưởng cách mạng; dao động, giảm sút niềm tin vào mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hoài nghi, thiếu tin tưởng vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh... Biểu hiện về suy thoái đạo đức, lối sống thể hiện ở các nội dung như: Cá nhân chủ nghĩa, sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi; chỉ lo thu vén cá nhân, không quan tâm đến lợi ích tập thể; ganh ghét, đố kỵ, so bì, tị nạnh, không muốn người khác hơn mình... Việc kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, tham ô, tham nhũng, thao túng trong công tác cán bộ; chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội... cũng được nhận diện là biểu hiện suy thoái đạo đức, lối sống.

Vậy thì những gì từng xảy ra ở Bộ Công Thương với một số trường hợp mà ông Vũ Huy Hoàng, nguyên Bộ trưởng Công Thương bổ nhiệm, luân chuyển có dấu hiệu trục lợi, trong đó có Trịnh Xuân Thanh, và nay vừa lộ diện tiếp chuyện ở Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ khi họ bổ nhiệm "siêu tốc" trường hợp ông Vũ Minh Hoàng, càng cho thấy công tác cán bộ của Đảng cần được chấn chỉnh và khắc phục nếu như Đảng ta muốn chặn đứng sự suy thoái trong cán bộ, đảng viên hiện nay.

Hy vọng đây sẽ là những ví dụ đau xót và điển hình cần được các hội nghị phổ biến Nghị quyết Trung ương 4 tới đây đem ra làm ví dụ để mổ xẻ rốt ráo, mạnh mẽ để cùng rút kinh nghiệm, chấn chỉnh công tác cán bộ của Đảng, tìm cho được người tài ra giúp Đảng, giúp nước... Bên cạnh đó, phải chăng nên đưa cụm từ "luân chuyển cán bộ theo đường tiểu ngạch" trong công tác tổ chức vào sách, như một thuật ngữ của công tác tổ chức trong từ điển chính trị mỗi khi cần giải thích. Đó có thể hiểu là cách luân chuyển tùy tiện, bất chấp các quy định, chỉ thị, nghị quyết và hướng dẫn của tổ chức Đảng ở cấp cao nhất, cho một ai đó không thuộc diện luân chuyển mà lại được luân chuyển...

Quốc Phong