Ngậm ngùi chuyện niên liễm Hội Nhà văn không đủ viếng đám tang
Góc bình luận - Ngày đăng : 10:46, 20/12/2016
Cũng tại Hội nghị Văn học 2016 do Hội Nhà văn tổ chức hôm 16.12, ông Hữu Thỉnh còn cho hay: Số tiền niên liễm (hội phí hội viên) thu từ 1.000 người trong số những người vinh hạnh được Hội Nhà văn Việt Nam kết nạp, mỗi năm chưa được 6 triệu đồng. Số tiền này, theo nhà thơ Hữu Thỉnh thì "chưa đủ đi thăm viếng một số đám ma!”.
Nhà thơ Hữu Thỉnh giải thích về thực trạng tài chính năm 2016 tại hội nghị rằng, khó khăn đầu tiên là thông thường mỗi nhiệm kỳ 5 năm, các hội văn học nghệ thuật được nhận khoảng 400 tỉ đồng tiền hỗ trợ sáng tác từ ngân sách nhà nước, trong đó riêng Hội Nhà văn Việt Nam mỗi năm được nhận 4,8 tỉ đồng. Nhưng năm nay Hội Nhà văn chỉ nhận được một nửa số tiền đó (2,4 tỉ đồng) và đã phải chi ra 2/3 để trả nợ cho báo Văn Nghệ, tạp chí Thơ, Hồn Việt... (mỗi số ra của mỗi đầu báo, Hội Nhà văn đặt mua 1.000 tờ cho khoảng 1.000 hội viên của mình). Vì chưa đủ tiền nên hiện Hội Nhà văn vẫn còn nợ lại một số đơn vị tiền mua báo từ đầu năm đến nay, vẫn theo báo Tuổi Trẻ.
Tôi là người làm báo nhưng cũng từng học ngành văn học khi còn là sinh viên đại học. Tôi không thể quên được lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm nào khi chúng tôi từng phải nghiền ngẫm và tầm chương trích cú nhiều năm những lời dạy của các nhà lý luận Mác xít. Hồ Chí Minh là một nhà chính trị và một nhà yêu nước vĩ đại nhưng đồng thời cũng là nhà văn hoá lớn, nghệ sĩ lớn. Hơn ai hết, Bác Hồ hiểu được vai trò của văn học nghệ thuật đối với xã hội, lịch sử và luôn luôn có ý thức sử dụng văn học nghệ thuật như một vũ khí tư tưởng sắc bén. Vì vậy, trong dịp nói chuyện với các văn nghệ sĩ (1951), một lần nữa Bác khẳng định: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”.
Tôi đang cố hình dung, nếu một ngày nào đó, nhà nước siết nguồn hỗ trợ kinh phí tương tự cho các tổ chức chính trị, xã hội nghề nghiệp kiểu như Hội Nhà văn thì nền văn nghệ cách mạng của nước nhà sẽ ra sao? Liệu có thể có được những tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị nếu mai mốt "bầu sữa mẹ" quan trọng kia sẽ không còn nữa? Thật khó vô cùng khi "vũ khí của nhà văn" không còn sắc bén để phụng sự dân tộc.
Tuy nhiên, về một góc độ khác, tôi cũng rất chia sẻ với Đảng và Nhà nước ta hiện nay khi đang phải "ôm" quá nhiều các tổ chức hội. Nó đã và đang góp phần khiến cho bộ máy công chức, viên chức phải nuôi bằng ngân sách nhà nước phình ra quá to. Nó đang làm oằn lưng người lao động phải đóng góp, nuôi nó đến mức không còn chịu đựng nổi.
Nên chăng, cần siết lại để tinh gọn bộ máy. Bên cạnh đó cũng cần tính toán những giải pháp khác căn cơ hơn đối với những tổ chức Hội không thể xoá tên. Song, phải bằng một cách làm khác. Phải chăng nên giúp các tổ chức này có cái "cần câu", có nguồn vốn ban đầu giúp họ tự tạo ra nguồn kinh phí để hoạt động lâu dài khi đã có đủ sức tự lập.
Tìm hiểu từ thực tế các cơ sở vật chất của Hội Nhà văn Việt Nam, tôi cũng hiểu họ rất nghèo và khó khăn ghê gớm, chẳng sung sướng nỗi gì nếu đó không phải là cái nghiệp mà họ đã trót đam mê và sống chết vì nó.
Chúng ta nếu không nuôi họ thì rất khó kiểm soát được họ. Không ai dám khẳng định, nếu, để tồn tại, người ta sẽ phải kết nạp những "nhà văn" có tiền nhưng "thèm danh" kết nạp vào hội để số này sẽ nuôi Hội thay nhà nước thì điều gì sẽ xảy ra? Đây là chuyện hết sức tệ hại và rất không nên!
Theo tôi, một giải pháp rất giản đơn có thể làm được giúp họ thoát hiểm khi Hội Nhà văn Việt Nam đang là con nợ của nhiều đứa con do mình đẻ ra cũng như các đầu mối khác, Nhà nước nên để họ quy hoạch lại bộ máy cho gọn gàng hơn, "co" lại các cơ sở hiện có để họ dùng quỹ đất liên kết với đối tác nào đó xây dựng các công trình kinh tế, có thể tạo ra kinh phí mà hình thức xây dựng khách sạn để đưa vào kinh doanh cũng là một hướng tích cực.
Nếu không chấp nhận để họ có đối tác liên kết, Nhà nước hãy cấp cho họ nguồn kinh phí ban đầu để họ tự thực hiện các dự án (đương nhiên phải thuê những nhà quản lý giỏi về quản lý nó). Nguồn lãi sau khi đi vào hoạt động sẽ được trích lại cho hoạt động Hội như lâu nay, để giúp nhà nước không phải chi thường xuyên nữa. Có lẽ, giải pháp này mới bền lâu và cũng lành mạnh hơn.
Nhìn rộng ra với các tổ chức hội khác, tôi nghĩ có lẽ cũng nên như thế và chỉ có như thế, bộ máy hưởng ngân sách mới bớt cồng kềnh và tiến đến một hình thái hoạt động hội lành mạnh, có ích và đích thực...
Quốc Phong