Cứu sống bé gái 31 tháng tuổi gần như đã chết
Thông tin Y học - Ngày đăng : 15:45, 13/10/2020
Ngày 13.10, PGS.TS.BS Phạm Văn Quang - Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết, các bác sĩ ở đây đã cứu sống bé gái 31 tháng tuổi gần như đã chết, bị ngưng tim, ngưng thở sau khi mổ xử lý bệnh tim bẩm sinh.
“Đây là trường hợp đầu tiên chạy ECMO (máy tim phổi nhân tạo) cho một bệnh nhi đang hồi sức sau mổ tim, bé nhỏ, tim bẩm sinh hiếm, phức tạp có biến chứng tổn thương tim, thận, phổi nguy cơ thất bại khá cao nhưng đã được cứu sống ngoạn mục”, bác sĩ Quang cho hay.
Theo bác sĩ Quang, bé gái này là cháu V.N.K.T. (31 tháng tuổi, ngụ ở huyện Long Khánh, tỉnh Đồng Nai). Trước đó, vào khoảng 24 tháng tuổi, bé T. được các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 phát hiện bị tim bẩm sinh với triệu chứng mệt khi khóc, tím môi.
Sau đó, bé được theo dõi và tái khám định kỳ tại đây. Tuy nhiên, thời gian gần đây, bé T. lên cơn tím nhiều, các bác sĩ quyết định phẫu thuật để điều trị triệt để bệnh tim bẩm sinh tứ chứng fallot. Cuộc phẫu thuật khá khó khăn với thời gian chạy tuần hoàn ngoài cơ thể 193 phút, kẹp động mạch chủ 143 phút, nhưng đã thành công trong việc sửa chữa các tật tim của bé.
Dù được điều trị tích cực sau mổ nhưng tình trạng phù phổi cấp nặng dần, dẫn đến tổn thương chức năng tim, phổi, thận. Các bác sĩ tiến hành mở xương ức để hồi sức tích cực nhưng tình trạng bé T. vẫn không cải thiện, bệnh nhi suy hô hấp nặng dần và ngưng tim. “Lúc này, bé gần như đã chết. Các biện pháp hồi sức thông thường đều vô nghĩa”, bác sĩ Quang nói.
Các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 đã tiến hành hội chẩn toàn viện và đưa ra phương pháp chạy ECMO để cứu sống bé. Phân tích của các bác sĩ ở đây cho thấy, việc chạy ECMO cho bé T. rất khó khăn vì đây là trường hồi sức sau mổ tim, bé nhỏ, tim bẩm sinh hiếm, phức tạp có biến chứng tổn thương tim, thận, phổi nguy cơ thất bại khá cao. Tuy nhiên không có cách nào khác, các bác sĩ tiến hành chạy ECMO cho bệnh nhi.
“Sau khi chạy ECMO hơn 10 phút, bé có nhịp tim, khoảng hơn 1 giờ bệnh nhi hồng hào nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Các bác sĩ tiến hành trao đổi liên tục trong 24 giờ đầu căng thẳng, sau đó các xét nghiệm trả về cho thấy bé phục hồi tốt. Sau 1 tuần bệnh nhi cai ECMO và sau đó 3 ngày đóng xương ức, cai máy thở. Hiện tình trạng bé T. tạm ổn định, đang tiếp tục theo dõi tại khoa Tim mạch. Đây là bước tiến lớn từ nội khoa qua ngoại khoa”, bác sĩ Quang chia sẻ.
Theo bác sĩ Bạch Văn Cam - Cố vấn Bệnh viện Nhi đồng 1, việc chạy ECMO cho bệnh nhi này là cực kỳ khó khăn. Do bé quá nhỏ, chỉ nặng 11kg nên các bác sĩ rất khó khăn trong việc luồn các ống để tạo một đường tuần hoàn rút máu chảy ra trong quá trình chạy ECMO. Hơn nữa bệnh nhi có nguy cơ chảy máu khi chạy ECMO vì phải chẻ xương ức để thực hiện.
BS.CK2 Nguyễn Thị Kim Châu - Trưởng khoa Hồi sức ngoại cho biết, bệnh nhi này bị suy thận, trước khi vào ECMO đã có thời điểm ngưng tim phải hồi sức, dùng các biện pháp hồi sức nội phải đầu hàng. Tình trạng cứu sống còn dưới 10%. Nếu tiếp tục điều trị không làm ECMO là chắc chắn tử vong.
Theo bác sĩ Châu, tứ chứng fallot là bệnh thường gặp nhất trong nhóm tim bẩm sinh tím với biểu hiện điển hình da tím tái do máu không được cung cấp đủ dưỡng khí. Tứ chứng fallot thường gặp với 4 dạng khiếm khuyết ở tim: hẹp đường thoát thất phải, thông liên thất, động mạch chủ “cưỡi ngựa” lên vách liên thất và phì đại thất phải.
Trước đây, bệnh viện cũng đã phẫu thuật nhiều trẻ bị tứ chứng fallot, nhưng do tình trạng bé gái này rất nặng và nhập viện trễ. Thời điểm phẫu thuật cần phải phát hiện ngay khi sinh qua siêu âm tầm soát để can thiệp sớm. Vì vậy hầu hết các trường hợp đến trễ gây biến chứng, mổ khó khăn hơn dẫn đến thời gian phẫu thuật dài hơn.