Trực thăng đã bay vào thủy điện Rào Trăng 3 để tìm 30 người mất liên lạc
Sự kiện - Ngày đăng : 10:05, 14/10/2020
(Cập nhật) - Đến khoảng 10 giờ sáng nay 14.10, trực thăng đã vào đến khu vực thủy điện Rào Trăng 3. Tuy nhiên, do thời tiết xấu nên hiện tại máy bay không thể hạ độ cao để tiếp cận hiện trường.
Phương án hiện tại được đưa ra là đưa bộ đội Công binh xuống hiện trường dùng công cụ cầm tay để tìm kiếm thủ công.
Thông tin từ Sở chỉ huy tiền tuyến, lực lượng quân đội khẳng định trong ngày hôm nay sẽ mở được lối vào hiện trường vụ sạt lở.
Trước đó, Sở chỉ huy tiền tuyến cho biết, trong buổi sáng 14.10, lực lượng chức năng chia thành 3 mũi cứu hộ để tiếp cận khu vực thủy điện Rào Trăng 3, trong đó bao gồm đường hàng không, đường thủy và đường bộ.
Phương án sử dụng trực thăng đã được chốt. Bộ Quốc phòng đã điều 2 chiếc từ Đà Năng ra đáp tại sân bay Phú Bài. Đến 9 giờ 30 cùng ngày, máy bay trực thăng đã cất cánh vào hiện trường.
Mũi cứu hộ thứ 2 do ông Phan Thiên Định, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế chỉ đạo, xuất phát từ xã Hương Bình, thị xã Hương Trà đi theo đường thủy bằng 2 xuồng cao tốc tiếp cận thủy điện Rào Trăng 4 để đưa các công nhân bị thương ở nơi này đến vị trí an toàn.
Lực lượng cứu nạn then chốt là Bộ đội Công binh và Cảnh sát PCCC và Cứu hộ cứu nạn đóng quân tại xã Phong Xuân, huyện Phong Điền. Lực lượng này có nhiệm vụ huy động các phương tiện để sớm khắc phục các điểm sạt lỡ thông tuyến đường 71, qua đó tiếp cận khu vực xảy ra sạt lở.
Đến 9 giờ sáng, lực lượng Công binh đã xuất phát và di chuyển vào khu vực sạt lở để sớm thông đường tiếp cận hiện trường, đồng thời lực lượng Cảnh sát PCCC và Cứu hộ cứu nạn cũng đã sẵn sàng tiến vào khu vực đường 71. Thông tin được biết, thời điểm này tuyến đường vẫn bị ngập sâu nhiều điểm, rất nguy hiểm.
Như tin đã đưa, vào chiều ngày 12.9, tại khu vực thủy điện Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền) đã xảy ra vụ sạt lở đất đá vùi khu vực nhà ở của các công nhân, khiến ít nhất 17 người gặp nạn. Sau tai nạn, số công nhân còn lại của nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 đã băng rừng lên nhà máy thủy điện Rào Trăng 4 lánh nạn.
Trong buổi tối cùng ngày, đoàn cứu hộ của Quân khu 4 cùng một số cán bộ tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tức tốc vào khu vực xảy ra sạt lở để tiếp cận các nạn nhân. Lúc 23 giờ, sau nhiều giờ liên tục trèo đèo, lội suối đoàn đã đến khu vực trạm kiểm lâm gần đó và quyết định tạm nghỉ chân. Khoảng 1 giờ sau, bất ngờ đất đá từ quả đồi phía sau trạm kiểm lâm sạt xuống vùi lấp khu nhà đoàn cứu hộ đang dừng chân.
Thông tin ban đầu, trong đoàn cứu hộ 21 người có nhiều lãnh đạo ngành quân đội và lãnh đạo địa phương, trong đó có Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó tư lệnh Quân khu 4. Được biết, sau vụ sạt lở, có 8 người thoát nạn, số còn lại đến nay vẫn mất liên lạc.
Song song với công tác tìm kiếm của lực lượng quân đội, công an tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng đã cử lực lượng cứu hộ tiếp cận hiện trường. Trong đó, lực lượng công an sử dụng xuồng cao tốc tiếp cận được khu vực thủy điện Rào Trăng 4 và đã đưa được 5 công nhân đi cấp cứu tại Trung tâm y tế Bình Điền (thị xã Hương Trà).
Trong ngày 13.10, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có mặt tại xã Phong Xuân, huyện Phong Điền để chỉ đạo công tác cứu hộ cứu nạn. Tại đây, Phó thủ tướng đã chỉ đạo các lực lượng bằng mọi cách phải sớm tìm được phương án tiếp cận, ứng cứu những người đang trong khu vực thủy điện Rào Trăng 3.
Một Thế Giới sẽ tiếp tục thông tin!