Ngỡ ngàng vẻ đẹp của cá ngựa vằn dưới kính hiển vi

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 11:40, 14/10/2020

Các tác phẩm xuất sắc nhất cuộc thi Nikon Small World 2020 khiến người xem phải sững sờ trước vẻ đẹp của những mẫu vật nhỏ bé dưới kính hiển vi.

Cuộc thi nhiếp ảnh hiển vi (Nikon Small World) lần thứ 46 do Nikon tổ chức vừa công bố những bức ảnh xuất sắc nhất trong năm 2020. Đây là cuộc thi lâu đời nhất dành cho những người quan tâm đến nhiếp ảnh thế giới vi mô. Cuộc thi có sự tham gia của các nhiếp ảnh gia nghiệp dư và chuyên nghiệp (nhiều người trong số đó là các nhà khoa học) với tác phẩm dự thi là các bức ảnh chụp mẫu vật dưới góc độ kính hiển vi.

Giải cao nhất năm nay được trao cho tác giả Daniel Castranova với bức ảnh chụp một con cá ngựa vằn chưa trưởng thành. Daniel Castranova đã thực hiện tác phẩm với sự hỗ trợ của Bakary Samasa, khi làm việc trong phòng thí nghiệm của tiến sĩ Brant Weinstein tại Viện Y tế quốc gia Mỹ.

Không chỉ là một hình ảnh tuyệt đẹp về mặt thị giác, tác phẩm còn cho thấy khám phá khoa học hấp dẫn rằng loài cá này có mạch bạch huyết bên trong hộp sọ của chúng. Đây là một khám phá giúp nghiên cứu sâu hơn các phương pháp điều trị bệnh về não.

ca-ngua-van(1).jpg
Tác giả dùng kỹ thuật huỳnh quang để hiển thị vảy của con cá ngựa vằn (màu xanh lam nhạt) và sử dụng kính hiển vi đồng tiêu kết hợp xếp chồng hình ảnh để hiển thị mạch bạch huyết (màu cam)

“Các mạch bạch huyết trong hệ thần kinh của động vật có vú lần đầu tiên được mô tả vào năm 2015. Kể từ đó, những khám phá lớn đã được phát hiện trong việc hiểu cách hoạt động và vai trò của chúng đối với bệnh tật.

Cho đến nay, người ta vẫn chưa biết liệu cá có các mạch tương tự hay không. Chúng tôi rất tự hào vì khám phá này cho thấy những mạch này rất dễ nhận thấy ở cá ngựa vằn, giúp chúng trở thành một mô hình lý tưởng để hiểu các khía cạnh khác nhau về cách hoạt động của mạch bạch huyết”, Daniel Castranova nói với IFLScience.

Vị trí thứ hai được trao cho Daniel Knop với tác phẩm về sự phát triển phôi thai của một con cá hề (Amphiprion percula) bằng phương pháp xếp chồng hình ảnh.

Vị trí thứ ba được trao cho tác phẩm của tiến sĩ Igor Siwanowicz, một “người quen” của cuộc thi, từ Viện Y tế Howard Hughes ở Virginia. Tác phẩm của Igor Siwanowicz chụp “cái lưỡi” của loài ốc nước ngọt. Tiến sĩ Siwanowicz cũng từng giành giải nhì trong cuộc thi năm ngoái với ảnh chụp động vật nguyên sinh nước ngọt đơn bào.

Dưới đây là một số tác phẩm đoạt giải trong cuộc thi Nikon Small World:

anh2.jpg
Hình ảnh cho thấy sự phát triển phôi thai của một con cá hề - Tác giả: Daniel Knop
anh3.jpg
“Cái lưỡi” (radula) của loài ốc nước ngọt. Đây là một cấu trúc đặc biệt được sử dụng bởi nhiều loài nhuyễn thể để lấy thức ăn khỏi đá - Tác giả: Igor Siwanowicz
anh4.jpg
Bào tử đa nhân và sợi nấm của một loại nấm đất (hệ nấm nội cộng sinh arbuscular mycorrhizal) - Tác giả: Vasileios Kokkoris, Franck Stefani & Nicolas Corradi
anh5.jpg
Hình ảnh của loài bướm đêm Agrotis infusa, còn được gọi là “Bogong” - Tác giả: Ahmad Fauzan
anh6.jpg
Bao phấn của thực vật Hebe với phấn hoa - Tác giả: Robert Markus & Zsuzsa Markus
anh7.jpg
Các vi ống (màu cam) bên trong tế bào - Tác giả: Jason Kirk
anh8.jpg
Một phôi tắc kè hoa - Tác giả: Allan Carrillo-Baltodano & David Salamanca
anh9.jpg
Tác phẩm đạt vị trí thứ 9 - Tác giả: Jason Kirk & Quynh Nguyen
anh10.jpg
Một loài giáp xác phù du có tên Daphnia magna (Phyllopoda) - Tác giả: Ahmad Fauzan
anh11.jpg
Một con mọt cuốn lá (Byctiscus betulae) - Tác giả: Özgür Kerem Bulur
anh12.jpg
Phôi dơi ăn quả đuôi ngắn (Carollia persicillata) - Tác giả: Dorit Hockman & Vanessa Chong-Morrison

Long Hải