Treo thưởng chống ùn tắc: Cầu thị hay… bất lực?

Góc bình luận - Ngày đăng : 15:36, 13/01/2017

Mấy ngày qua, người dân cả nước lại “sốt xình xịch” về chuyện Hà Nội treo thưởng đến 200.000 đô la Mỹ cho giải pháp chống ùn tắc của thủ đô. Tiền tỉ mà lại, biết đâu mình là người trúng thưởng, vừa may như trúng xổ số Vietlott, vừa giúp đỡ được người dân thủ đô thoát khỏi cảnh đi xe hơi, xe máy mà như đi… xe rùa.
Những ngày giáp tết, đường phố Hà Nội thường xuyên diễn ra tình trạng ùn tắc kéo dài

Thoạt nhìn, có thể thấy đó là tính cầu thị của Sở Giao thông vận tải Hà Nội. Lần đầu tiên, một sở công dám xuất… tiền thuế của dân để treo một giải thưởng cao đến mức hàng trăm ngàn đô la (không tính bằng tiền Việt, thế mới oách!) cho một giải pháp về một vấn đề nhân sinh bức xúc, vấn đề đi lại.

Tất nhiên, nếu tìm ra được giải pháp hữu hiệu, hiệu quả tiết kiệm của từng giọt xăng dầu, của từng giờ từng phút làm ăn hay của từng nỗi bực bội căng thẳng khi ùn tắc của từng người dân cộng lại sẽ lớn hơn nhiều so với mức giải thưởng.

Thế nhưng câu hỏi được đặt ra là trách nhiệm lâu nay của Sở Giao thông vận tải Hà Nội ở đâu trong vấn đề kẹt xe, tắc đường trầm trọng như hiện nay? Một cơ quan dân cử chỉ để giải quyết chuyện giao thông đi lại mà không có lấy một giải pháp nào hợp lý cho việc giải quyết chuyện ùn tắc thì vai trò của cơ quan ấy là để làm gì? Chả lẽ vai trò đó là… treo và chấm thưởng cho giải pháp chống ùn tắc?

Lại những câu hỏi “hại não” nữa là ai sẽ là người có năng lực thẩm định đề án nào là được giải đây? Ban giám đốc Sở Giao thông vận tải chăng? Những người không có năng lực đưa ra giải pháp thì có năng lực gì thẩm định được tính khoa học, hợp lý, hiệu quả của các đề án?

Thực ra, những người tham gia giao thông trên đường dù bằng phương tiện nào đi nữa cũng đáng được nhận những tiện lợi dễ dàng trong giao thông đi lại. Bởi vì ngay cả những người đi xe máy, đối tượng đang bị “kỳ thị” trong giao thông hiện nay, cũng đã đóng quá nhiều loại thuế, phí cho việc đi lại của mình. Chỉ tính riêng một lít xăng để đi lại thôi, họ đã đóng ngót nghét 8.000 đồng các loại thuế phí, chưa kể các loại thuế nằm trong giá trị chiếc xe khi mua, thuế cầu đường… Còn nếu tính hết tất cả các loại thuế phí trên một chiếc ô tô, thì giá của một chiếc ở nước ta theo ước tính cao hơn khoảng 2,5 lần so với chiếc xe cùng loại ở các nước phát triển như Mỹ chẳng hạn.

Khi các đề án chống ùn tắc còn nằm ở dạng… treo thưởng chứng tỏ người dân Hà Nội không biết bao giờ mới được hưởng những quyền lợi đáng có khi giao thông đi lại. Như một căn bệnh trầm kha được dồn lại từ nhiều năm, rất khó để có thể có một giải pháp cục bộ, ngắn hạn nào mà có thể giải quyết được căn bệnh này. Một giải pháp đồng bộ tổng thể từ quy hoạch cho tới việc làm, giáo dục, y tế, kinh doanh sản xuất… may ra khả dĩ.

Việc treo thưởng do đó, nếu nhìn kỹ lại, có thể là sự thể hiện sự “bất lực” của Sở Giao thông vận tải. Nếu là lãnh đạo của một cơ quan dân cử, lẽ ra những người như ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội phải là người đưa ra giải pháp này bằng một chương trình hành động rõ ràng của mình khi nhậm chức để người dân có thể dõi theo năng lực lãnh đạo của ông. Và việc treo thưởng một giải pháp nằm trong trách nhiệm của ông thì tiền thưởng lẽ ra là phải từ… tiền túi của ông chứ không nên lấy từ tiền thuế của dân. Việc đó, nói theo dân gian, chỉ là “lấy xôi làng đãi ăn mày” mà thôi…

Ở các nước dân chủ phát triển nhìn chung cơ chế hành động của những người lãnh đạo là vậy, dù có thể các chương trình hành động của họ khi vận động bầu cử có khi chỉ là “mị dân”. Thế nhưng dù sao thì người dân cũng có cái để hình dung ra việc mình có bị “mị” hay không.

Thật ra, ở các nước phát triển người ta cũng đặt ra các giải thưởng cho những vấn đề công cộng, nhưng thường đó là những giải thưởng liên quan đến sáng tạo, nghệ thuật, chứ đối với những vấn đề đơn thuần kỹ thuật như chống ùn tắc giao thông thì chẳng ai treo thưởng, vì chúng đã có bài bản, giải pháp, mô hình hết rồi…

Vấn đề là chúng ta có chịu xách cặp đi học hay chỉ ở nhà mà… treo thưởng.

Đoàn Đạt