Nợ khó đòi của các “ông lớn” Nhà nước là 18.251 tỉ đồng, tăng 25%
Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 14:43, 15/10/2020
Theo báo cáo Chính phủ gửi đến Quốc hội, tính đến thời điểm kết thúc năm tài chính 2019, có tổng cộng 818 doanh nghiệp có vốn Nhà nước với tổng vốn đầu tư 1,6 triệu tỉ đồng, tăng 4% so với thực hiện năm 2018.
Trong đó, doanh nghiệp nhà nước là 1,42 triệu tỉ đồng và doanh nghiệp có vốn nhà nước là 177.132 tỉ đồng.
Tổng tài sản của các doanh nghiệp có vốn nhà nước đạt 3,8 triệu tỉ đồng, tăng 3%. Tổng số phát sinh phải nộp Ngân sách nhà nước của các doanh nghiệp có vốn nhà nước là 396.356 tỉ đồng, tăng 8% so với thực hiện năm 2018.
Theo Chính phủ, nợ khó đòi của các tập đoàn, tổng công ty là 18.251 tỉ đồng, tăng 25% so với thực hiện năm 2018. Dẫn đầu về nợ thu khó đòi là các doanh nghiệp năng lượng (dầu khí, than) và viễn thông.
Cụ thể, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đang có nợ khó đòi là 7.643 tỉ đồng, Tập đoàn Công nghiệp Than- Khoáng sản Việt Nam (3.719 tỉ đồng), Tập đoàn Viễn thông quân đội (1.527 tỉ đồng), Tổng công ty Viễn thông Mobifone (633 tỉ đồng), Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (581 tỉ đồng), Tổng công ty Cà phê Việt Nam (413 tỉ đồng), Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (395 tỉ đồng), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (385 tỉ đồng), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (365 tỉ đồng),…
Theo Chính phủ, báo cáo hợp nhất của các ậtp đoàn, tổng công ty có tổng số nợ phải trả là 1,44 triệu tỉ đồng. Nợ vay ngắn hạn và dài hạn từ các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng trong nước là 429.153 tỉ đồng, tăng 16%.
Một số tập đoàn, tổng công ty có số nợ vay tương đối lớn như: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (117.551 tỉ đồng), Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (166.180 tỉ đồng), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (38.551 tỉ đồng), Tập đoàn Viễn thông quân đội (18.095 tỉ đồng); Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (24.506 tỉ đồng), Tổng công ty xi măng Việt Nam VICEM (9.887 tỉ đồng).
Về tình hình sản xuất kinh doanh, theo báo cáo hợp nhất của các tập đoàn, tổng công ty thì có tổng doanh thu đạt 1,51 triệu tỉ đồng, tăng 7%.
Cũng theo báo cáo, lãi phát sinh trước thuế của các tập đoàn, tổng công ty là 147.519 tỉ đồng, giảm 3%. Có 12 tập đoàn, tổng công ty còn lỗ luỹ kế là 7.448 tỉ đồng và 6 công ty mẹ còn lỗ lũy kế là 2.819 tỉ đồng.
Tại báo cáo này, năm 2019, tổng các khoản phát sinh phải nộp ngân sách nhà nước đạt 241.260 tỉ đồng, tăng 7%.
Những tập đoàn, tổng công ty có số thuế và các khoản phát sinh phải nộp ngân sách nhà nước trong năm 2019 lớn như: Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (86.487 tỉ đồng), Tập đoàn Viễn thông quân đội (36.033 tỉ đồng), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (26.248 tỉ đồng), Tập đoàn Công nghiệp - Than khoáng sản Việt Nam (21.114 tỉ đồng), Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (13.112 tỉ đồng), Tổng công ty Viễn thông Mobifone (5.960 tỉ đồng), Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (5.383 tỉ đồng); Công ty Đầu tư tài chính TP. HCM (4.605 tỉ đồng), Tổng công ty Khánh Việt (3.788 tỉ đồng)...
Nguyên nhân dẫn thua lỗ, ngoài nguyên nhân khách quan như tình hình quốc tế diễn biến phức tạp và có các yếu tố không thuận lợi; kinh tế thế giới, thương mại toàn cầu tăng trưởng chậm lại, cạnh tranh chiến lược và căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn gia tăng, rủi ro trên thị trường quốc tế gia tăng, nhiều quốc gia nới lỏng chính sách tài chính, tiền tệ... thì còn có nhiều nguyên nhân chủ quan như một số vấn đề tồn tại nội tại của nền kinh tế được tích tụ của nhiều năm vẫn chưa được giải quyết triệt để, trong đó có các vướng mắc, khó khăn, hạn chế liên quan đến hoạt động của DNNN và doanh nghiệp có vốn nhà nước nên việc tái cơ cấu gặp khó khăn.
Đánh giá chung về bối cảnh kinh tế - xã hội năm 2019, Chính phủ cho biết, năm 2019 diễn ra trong bối cảnh tình hình quốc tế diễn biến phức tạp và có các yếu tố không thuận lợi. Một số vấn đề tồn tại nội tại của nền kinh tế được tích tụ của nhiều năm vẫn chưa được giải quyết triệt để, trong đó có các vướng mắc, khó khăn, hạn chế liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước nên việc tái cơ cấu gặp khó khăn.
Vấn đề cơ cấu lại ngành, lĩnh vực ở một số nơi còn lúng túng, chưa đồng bộ, chưa gắn với thị trường, việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn ở nhiều bộ, ngành, địa phương chậm; việc giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp. Năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp.
Ngoài ra, vẫn còn tồn tại một số rào cản, hạn chế về thể chế kinh tế cũng gây ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế trong từng ngành, từng lĩnh vực. Năng lực của khu vực doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa còn hạn chế.