Vì đâu các kết quả nghiên cứu khoa học Việt Nam chậm đi vào cuộc sống?

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 13:22, 16/10/2020

Theo ông Phạm Hồng Quất, các nhà khoa học cùng doanh nghiệp cần liên kết, hợp tác, chia sẻ thông tin về sản phẩm, đồng thời, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho nhà khoa học…

Thương mại hóa công nghệ là vấn đề khó và phức tạp, cần có sự hợp tác của nhà khoa học, nhà nước và doanh nghiệp để xây dựng một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo làm điểm tựa cho các kết quả nghiên cứu khoa học đi vào cuộc sống. Hiện, việc giới thiệu các kết quả nghiên cứu KH-CN được chú trọng tại các hội chợ trong nước và quốc tế, quảng bá trên các kênh truyền thông…

thuong-mai-khoa-hoc-cong-nghe.jpg
Ảnh: Internet

PGS.TS Chu Hoàng Hà - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam cho biết với gần 4.000 nhà nghiên cứu, Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam không chỉ dẫn đầu cả nước về lĩnh vực nghiên cứu cơ bản năm 2019 mà còn không ngừng thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thể hiện qua sự tăng trưởng liên tục số bằng độc quyền sáng chế và giải pháp hữu ích.

Các Trung tâm Giám định AND hài cốt liệt sĩ, Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, Trung tâm An toàn thực phẩm… đã từng bước đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đáp ứng kỳ vọng của Chính phủ. Các kết quả nghiên cứu và ứng dụng KH&CN đã được chuyển giao cho các doanh nghiệp đưa vào sản xuất thực phẩm chức năng NatuzenZ, Nanocurcumin, Fuicodan…

Tuy nhiên, ông Phạm Hồng Quất (Cục trưởng Cục Phát triển thị trường – doanh nghiệp và KH-CN, Bộ KH-CN) cho rằng việc nghiên cứu KH-CN khó bao nhiêu thì chính sách thúc đẩy thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu KH-CN ra thị trường khó bấy nhiêu. Không chỉ vậy, thủ tục giải ngân cho hoạt động thương mại hóa sản phẩm KH-CN rườm rà, tốn nhiều thời gian, khiến không ít nhà khoa học cảm thấy “nản lòng”.

Cần sự hợp tác, thấu hiểu

Chia sẻ về kinh nghiệm thương mại hóa sản phẩm KH-CN, theo TS.Hà Phương Thư (Viện Khoa học vật liệu – Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam), sự kết nối giữa nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ đã trở thành điều quan trọng mà các quốc gia đều hướng tới. Tuy nhiên, còn thiếu quy chuẩn, tiêu chuẩn cho sản phẩm mới, thiếu nguồn lực tài chính cho việc phát triển sản phẩm cũng như tâm lý e ngại khi dùng sản phẩm mới của người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, kinh phí đầu tư cho KH-CN chỉ chú trọng cho R&D, chưa quan tâm đến thử nghiệm, ứng dụng kết quả cho sản xuất; nhà khoa học thiếu điều kiện để hoàn thiện công nghệ và đặc biệt là thiếu thông tin về nhu cầu doanh nghiệp.

PGS.TS. Phan Tiến Dũng (Phó trưởng ban Ứng dụng triển khai công nghệ, Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam) cũng nhấn mạnh: “Tư duy của nhà khoa học và doanh nghiệp khác nhau, nên rất cần có sự hợp tác, thấu hiểu, để chuyển giao công nghệ. Vấn đề vướng mắc lớn nhất trong quá trình chuyển giao nghiên cứu KH-CN, thương mại hóa sản phẩm KH-CN chính là là cơ chế tài chính và chính sách”.

Để thương mại hóa được sản phẩm KH-CN, các chuyên gia cho rằng cần có lộ trình phát triển. Cụ thể, phát sinh ý tưởng sáng tạo, phát triển ý tưởng thành công nghệ có khả năng thương mại hóa, tìm kiếm tài trợ để thực hiện nghiên cứu, tạo ra kết quả nghiên cứu công nghệ lõi…, thử nghiệm thị trường, thương mại hóa và đánh giá thị trường…

Được biết, hiện Bộ KH-CN đang có những chính sách để thúc đẩy sự phát triển của “Thị trường KH-CN”. Để làm tốt việc thương mại hóa sản phẩm KH-CN, các chuyên gia đều có chung quan điểm khi cho rằng các nhà khoa học cần nắm vững công nghệ, tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường; doanh nghiệp phải có khả năng nắm bắt và phát triển thị trường, có khả năng thu hút các nguồn đầu tư… Để cái “bắt tay” giữa 2 nhà thực sự có hiệu quả, cần một tổ chức trung gian đủ khả năng thẩm định, định giá công nghệ, tạo sự tin cậy, công bằng cho cả 2 bên…

Thu Anh