Nguy cơ COVID-19 lây lan cộng đồng vì người ngoài vào tiếp xúc với người cách ly
Sự kiện - Ngày đăng : 18:15, 16/10/2020
Tính từ 6 giờ đến 18 giờ ngày 16.10, 0 ca mắc mới.
Kể từ 18 giờ chiều 15.10 đến nay, Việt Nam tròn 1 ngày không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới nào và bước sang ngày thứ 44 không ghi nhận ca bệnh ngoài cộng đồng.
Từ ngày 17.8 đến nay, Hà Nội đã 59 ngày không ghi nhận thêm ca mắc COVID-19 ngoài cộng đồng.
TP.HCM đến nay đã 76 ngày không ghi nhận thêm ca mắc COVID-19 ngoài cộng đồng.
Số ca mắc ở Việt Nam:
- Tính đến 18 giờ ngày 16.10, Việt Nam có tổng cộng 691 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó 551 ca mắc mới tính từ ngày 25.7 đến nay tại 15 tỉnh thành: Đà Nẵng (389), Quảng Nam (96), Hải Dương (16), Hà Nội (11), TP.HCM (8), Quảng Trị (7), Bắc Giang (6), Quảng Ngãi (5), Lạng Sơn (4), Đắk Lắk (3), Đồng Nai (2), Thái Bình (1), Hà Nam (1), Thanh Hóa (1) và Khánh Hòa (1).
Số người cách ly:
13.658 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly), trong đó:
- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 155
- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 12.320
- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 1.183.
Tình hình điều trị:
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, BN411 được công bố khỏi bệnh.
Hiện Việt Nam đã chữa khỏi 1.031 bệnh nhân/1.124 bệnh nhân COVID-19.
Tiểu ban Điều trị cũng cho biết nước ta không còn trường hợp bệnh nhân COVID-19 nào nặng. Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, 7 ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2; 4 ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2, 12 ca âm tính lần 3.
Việt Nam ghi nhận 35 ca tử vong do COVID-19: Đà Nẵng (31 trường hợp), Quảng Nam (3) và Quảng Trị (1).
Ngày 15.10.2020, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 gửi Công điện số 1640/CĐ-BCĐ đến Bộ Quốc phòng và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc Tăng cường quản lý người nhập cảnh trong các khu cách ly tập trung.
Theo đó, Ban Chỉ đạo nhận định, trong thời gian qua, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm đã ghi nhận các trường hợp dương tính với vi rút SARS-CoV-2 là các chuyên gia từ Nga, Ấn Độ nhập cảnh vào Việt Nam, tuy nhiên việc quản lý các trường hợp nhập cảnh, đặc biệt là vấn đề thực hiện cách ly, lấy mẫu xét nghiệm với các chuyên gia tại các cơ sở cách ly chưa được thực hiện nghiêm túc tại một số địa phương.
Việc quản lý các trường hợp nhập cảnh còn lỏng lẻo, có hiện tượng người từ bên ngoài vẫn có thể vào khu cách ly và tiếp xúc với người đang cách ly dẫn đến nguy cơ lây nhiễm mầm bệnh ra cộng đồng, ảnh hưởng đến việc thực hiện chủ trương mục tiêu kép của Chính phủ và thành quả phòng chống dịch của cả nước.
Để kiểm soát chặt chẽ các trường hợp người nhập cảnh, đặc biệt là với các trường hợp là chuyên gia vào Việt Nam làm việc, không để dịch bệnh xâm nhập và lây lan ra cộng đồng, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đề nghị Bộ Quốc phòng và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia và các hướng dẫn của Bộ Y tế về việc quản lý các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam.
Rà soát, kiểm tra chặt chẽ giấy chứng nhận âm tính SARS-CoV-2 trước khi làm thủ tục nhập cảnh với các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam; thực hiện nghiêm túc việc tổ chức lấy mẫu xét nghiệm theo đúng các hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Quốc gia và Bộ Y tế. Giám sát chặt chẽ việc thực hiện các biện pháp cách ly với các trường hợp nhập cảnh không để lây nhiễm trong thời gian thực hiện cách ly và tại các cơ sở cách ly, đặc biệt lưu ý không cho phép người không có nhiệm vụ vào khu vực cách ly và tiếp xúc với người đang thực hiện cách ly, người đang cách ly không được ra khỏi khu cách ly và có hình thức xử lý nghiêm khắc với các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Sau khi kết thúc thời gian thực hiện cách ly tập trung, tiếp tục thực hiện nghiêm việc giám sát y tế, theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo và yêu cầu các trường hợp nhập cảnh hạn chế tiếp xúc với người xung quanh, thường xuyên áp dụng các biện pháp phòng hộ cá nhân.