Tàn năm xông lại lò hương nhớ...
Góc bình luận - Ngày đăng : 12:12, 23/01/2017
Giờ đây cũng vậy, xin lấy tấm lòng trong trẻo viết bài này. Từ ngày nhận trách nhiệm, chính phủ mới của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có một số thành quả đem tới cho tôi những hy vọng. Một trong những thành quả đó là bãi bỏ dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Không phải là chuyên gia trong lãnh vực này, nhưng đọc các phân tích về mặt chuyên môn, chuyên môn khoa học hạt nhân và chuyên môn quản lý, các phân tích về mặt chính trị, tài liệu về thảm họa đã xảy ra tại các nhà máy điện hạt nhân trên thế giới, tôi không thể an tâm về sự hoạt động của một nhà máy điện hạt nhân như thế tại Ninh Thuận, nơi mà trong vòng bán kính 300 cây số có TP.HCM, Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Vũng Tàu - Bà Rịa, Phan Thiết, Phan Rang, Nha Trang, Đà Lạt, Buôn Ma Thuột cùng nhiều thành phố thị xã thị trấn khác và một bờ biển dài từ Quy Nhơn tới Cần Giờ…
Đa số những người tôi quen, và thông qua những thường dân đó, tôi biết nhiều người cùng lo lắng về dự án nhà máy này. Do đó, tôi tin rằng quyết định bãi bỏ dự án điện hạt nhân Ninh Thuận là một quyết định hợp lòng dân. Một thành quả nữa là bầu không khí của một “chính phủ kiến tạo phát triển” và “liêm chính” đã được khơi lên. Cho dù định nghĩa “chính phủ kiến tạo phát triển” chưa được xác định rõ ràng, cho dù các thành quả chưa được nhìn thấy, tôi cũng cảm nhận một không khí khác với năm ngoái, cả về mặt “kiến tạo phát triển” và mặt “chống tham nhũng”. Thực ra, trong bầu không khí chưa thuận lợi cho những ý tưởng đột phá, việc khơi lên được tinh thần “kiến tạo” đã là một điều đáng khen. Trong bầu không khí mà hiện tượng tham nhũng đã là “phổ biến” trong giới công quyền và ở mức độ trên “ngàn tỉ”, việc khơi lên được tinh thần “chống tham nhũng” đã là một điều đáng khen.
Nền kinh tế của khu vực nhà nước tiếp tục ghi những cột mốc đáng thất vọng như số vốn đổ vào quá lớn, đồng tiền sinh lợi quá ít, trong khi thất thoát tiền của do quản lý kém, do tham nhũng thì cực kỳ lớn… Dân chúng đang lo lắng rằng nếu đồng vốn các tổng công ty, tập đoàn nhà nước được tập trung vào một cơ quan nhà nước thì sự thất thoát sẽ là đại thảm họa. Chính phủ đã quyết định không thành lập “siêu bộ” quản lý vốn. Cùng lúc, Chính phủ cũng tỏ quyết tâm thúc đẩy cổ phần hóa các công ty nhà nước nhanh hơn theo yêu cầu của nền kinh tế quốc gia. Hướng đi này nếu được thúc đẩy nhanh, mạnh mẽ sẽ giúp khắc phục dần các thiệt hại do chủ trương coi các tập đoàn nhà nước là “nắm đấm thép của nền kinh tế” gây ra, và chắc chắn sẽ được sự đồng tình bởi nhiều chuyên gia kinh tế và giới kinh doanh.
Hướng đi này sẽ đưa nền kinh tế đất nước gần hơn với thị trường, nghĩa là được định hướng nhiều hơn bởi thị trường. Trong nền kinh tế đó, khu vực tư nhân ngày càng được khẳng định và hỗ trợ, chính quyền ngày càng buông các lãnh vực thuộc về dân sự và tiến về hướng tinh gọn hơn, chiến lược hơn, hiệu quả hơn và toàn dân hơn. Về đối ngoại, dù còn bị lấn át trên Biển Đông, và các đảo thuộc lãnh thổ truyền thống của Việt Nam vẫn còn bị chiếm giữ, Nhà nước đã có những động thái cho thấy có thể không chấp nhận lùi hơn nữa trên mặt trận chủ quyền biển đảo. Trong khi vẫn còn chịu sức ép của áp lực vừa to lớn vừa phức tạp, Việt Nam đã cho thấy những bước đi độc lập có tính toán nâng cao sức mạnh quân sự và thế đứng ngoại giao của mình.
Trong số các nước có liên quan trực tiếp và gần gũi với Biển Đông, Việt Nam như một thế lực gìn giữ sự ổn định đang có của khu vực trước những mưu toan của các thế lực bành trướng. Nếu chính quyền có thể ổn định được tình hình hiện tại, giữ mối quan hệ hòa bình và tự chủ với Trung Quốc trong khi phối hợp chặt chẽ, linh động và hữu hiệu hơn với các đại cường và nhất là một nước Mỹ đang ngày càng thực dụng hơn, tôi nghĩ lòng dân sẽ hoan nghênh.
Một trường hợp khác gây xáo trộn lớn trong công luận là vụ nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh. Tôi nghĩ rằng, rồi chính quyền sẽ phải có giải pháp theo hướng bảo vệ môi trường, thuận theo yêu cầu của dân chúng. Trong khi dân chúng 4 tỉnh miền Trung còn chưa đứng dậy được sau thảm họa môi trường do nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh gây ra, và cả nước đang lo lắng về những thảm họa tương tự có thể xảy ra trong tương lai, thì một đại dự án thép khác đang được chuẩn bị tại Cà Ná bởi một công ty trong nước. Dự án đã gặp phải sự phản biện khá quyết liệt của các chuyên gia kinh tế, khoa học, làn dư luận rộng rãi. Rất hy vọng Chính phủ sẽ quyết định phù hợp với tương lai phát triển bền vững của đất nước và với ý muốn của đa số.
Đất nước đang đứng trước nhiều khó khăn lớn, cả đối nội lẫn đối ngoại. Nếu ổn định được kinh tế vĩ mô, nếu đạt được các mục tiêu chiến lược về kinh tế, nếu bên trong đem lại sự ấm no và bình đẳng tới dân chúng, bên ngoài nâng cao hình ảnh một nước đang hướng tới nền dân chủ thật sự cùng với các giá trị phổ quát được thế giới chấp nhận, nếu cương quyết cải tổ tổ chức và hệ thống quản lý chất lượng nội bộ để nâng cao hiệu quả chính quyền, nếu hướng tới việc xây dựng một xã hội khai phóng để nâng cao dân trí, tôi nghĩ chính quyền sẽ đạt thành quả tốt trong việc đưa đất nước theo hướng phát triển hơn, và do đó sẽ có sự ủng hộ của nhiều người dân hơn.
Sự ủng hộ đó sẽ tạo bàn đạp và lòng tự tin cho chính quyền mạnh dạn dựa vào sức dân đưa đất nước tiến vào cuộc chấn hưng mạnh mẽ hơn, sâu rộng hơn. Một chính quyền được lòng dân thật sự ủng hộ thì có mục tiêu nào không hoàn thành? Mong rằng hy vọng nói trên có cơ sở thực tế trở thành hiện thực. Xin được đem hy vọng này tâm sự với quí độc giả để cùng nhau tiễn đưa một năm đầy biến động.
Lê Học Lãnh Vân