Dịch tả tàn phá, Trung Quốc đầu tư hơn 8 tỉ USD tăng thêm 47 triệu con heo
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 19:00, 17/10/2020
Theo trang Nikkel, các nhà cung cấp thịt heo hàng đầu Trung Quốc có kế hoạch đầu tư hàng tỉ USD vào việc tăng gấp đôi sản lượng để ổn định nguồn cung khi dịch tả heo châu Phi đã làm suy giảm đàn heo nước này.
Trung Quốc đang ô bế các nhà cung cấp heo lớn để ngăn chặn sự biến động của thị trường tàn phá quốc gia ăn một nửa sản lượng thịt heo của thế giới.
Wens Foodstuff Group, công ty chăn nuôi heo lớn nhất Trung Quốc về quy mô đàn, sẽ đầu tư 6,2 tỉ nhân dân tệ (921 triệu USD) để xây thêm chuồng vào mùa hè năm 2023 theo một kế hoạch mở rộng được công bố vào ngày 15.9.
Ba công ty hàng đầu khác là Muyuan Foods, Jiangxi Zhengbang Technology và New Hope Liuhe cũng đã tiết lộ các khoản đầu tư với tổng giá trị đạt 7,59 tỉ USD để tăng nguồn cung.
Khoản chi này dự kiến sẽ nâng số lượng heo của 4 công ty nêu trên lên ít nhất 85 triệu con vào năm 2022 từ 38 triệu con hiện nay (tức thêm ít nhất 47 triệu), nâng tổng thị phần của họ lên 12% từ mức 7% của năm 2018.
Tổng doanh thu của 4 công ty này đạt 118,2 tỉ nhân dân tệ trong nửa đầu năm 2020, tăng 40% so với một năm trước đó. Sự tăng trưởng được thúc đẩy một phần nhờ các vụ mua lại trong một ngành không có các doanh nghiệp nhà nước mạnh về khoản này.
Tại Trung Quốc, 99% nông dân chăn nuôi heo từ 500 con trở xuống. Những nông dân vừa và nhỏ này cố gắng tăng sản lượng khi giá tăng. Song một khi giá giảm do thừa nguồn cung, họ phải thu hẹp quy mô hoặc thậm chí đóng cửa.
Những biến động có tính chu kỳ như vậy trên thị trường, được gọi là "chu kỳ thịt heo", càng trở nên trầm trọng hơn do sự bùng phát của dịch tả heo châu Phi. Trường hợp nội địa đầu tiên được báo cáo vào tháng 8.2018 và dịch tả heo châu Phi nhanh chóng lây lan khắp Trung Quốc vào mùa xuân năm 2019.
Số lượng của Trung Quốc giảm khoảng 20% trong năm 2019 từ khoảng 690 triệu con heo năm trước. Cách duy nhất để dập tắt dịch tả heo châu Phi là tiêu hủy đàn gia súc nhiễm bệnh, thậm chí chỉ sau một trường hợp duy nhất.
Zhang Jian, nông dân ở thành phố Đại Liên (Trung Quốc), cho biết anh đã phải giết khoảng 1.700 con heo của mình sau khi vài con nhiễm bệnh vào tháng 12.2018.
Giá heo hơi vẫn cao, đạt 33,7 nhân dân tệ/kg (khoảng 116.618 đồng/kg) vào cuối tháng 9.2020, tăng khoảng 150% so với hai năm trước đó. Vì thịt heo đóng vai trò quan trọng trong chế độ ăn uống của người Trung Quốc nên xu hướng tăng giá khiến chỉ số giá tiêu dùng cao hơn.
Bắc Kinh đang đẩy mạnh nhập khẩu thịt heo đông lạnh, vốn đã chiếm khoảng 10% lượng tiêu thụ thịt heo của Trung Quốc. Thế nhưng, đại dịch COVID-19 đã làm rung chuyển ngành chăn nuôi heo ở Mỹ (nước cung cấp và xuất khẩu thịt heo lớn thứ hai thế giới) khiến giá thịt heo cao hơn tại châu Âu và các nơi khác.
Trung Quốc cũng đang hỗ trợ mở rộng ngành chăn nuôi heo. Chính phủ đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho những nông dân trong việc mở các công ty nhỏ bằng cách giảm chi phí thu hồi đất liên quan đến việc xây dựng chuồng nuôi heo cũng như giảm thuế.
"Mục đích là để giúp những người nông dân tăng nguồn cung để hạn chế sự biến động giá đã diễn ra trong nhiều năm", giám đốc điều hành tại một công ty kinh doanh thực phẩm cho biết.
Bắc Kinh cũng đang tăng cường hỗ trợ cho các trang trại nhỏ hơn để khuyến khích nguồn cung thịt heo ổn định. Vào tháng 3.2020, ngưỡng hỗ trợ lãi suất vay ngân hàng đã được nới lỏng để trang trải cho những nông dân có số lượng heo dưới 500 con, so với yêu cầu trước đó là 5.000 con trở lên. Dù vậy, Trung Quốc khó có khả năng phục hồi nhanh chóng vì heo đạt tuổi giết mổ phải khoảng 6 tháng.
Theo báo cáo của Viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc vào tháng 6.2020, phải đến năm 2022, năng lực cung cấp thịt heo của Trung Quốc mới có thể phục hồi trở lại mức như trước khi dịch tả heo châu Phi bùng phát.
Hôm 24.5.2020, Reuters đưa tin Trung Quốc đã nhập khẩu thịt heo đến con số kỷ lục 400.000 tấn trong tháng 4.2020, tăng 170% so với cùng kỳ năm ngoái và là con số cao nhất mọi thời đại. Trung Quốc đã nhập khẩu thịt heo với số lượng 1,35 triệu tấn trong 4 tháng đầu năm 2020, tăng 170,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Dịch tả heo châu Phi đã giảm đàn heo của Trung Quốc ít nhất 40% khiến sản lượng thịt heo rớt mạnh và đẩy giá tăng cao kỷ lục.
Ngày 10.6.2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cho hay, Trung Quốc bị thiệt hại nặng nề do bệnh dịch tả heo châu Phi nên cần rất nhiều thịt heo. Giá thịt heo ở nước này rất cao nên các doanh nghiệp Trung Quốc sẵn sàng nhập khẩu với giá cao hơn 20 - 30% so với các doanh nghiệp Việt Nam và thường mua với số lượng rất lớn.
Hôm 13.9.2020, Bộ Nông nghiệp và cơ quan hải quan Trung Quốc đã chính thức ban lệnh dừng nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt heo của Đức trước nguy cơ bùng phát dịch tả heo châu Phi. Toàn bộ sản phẩm thịt heo nhập khẩu từ Đức, nhà cung cấp thịt heo lớn thứ 3 cho Trung Quốc, sẽ được gửi trả lại hoặc tiêu hủy. Số hàng nhập khẩu trong quá trình vận chuyển tới Trung Quốc sẽ được kiểm dịch nghiêm ngặt.
Trung Quốc là một trong những thị trường lớn nhập khẩu thịt heo từ Đức. Tính riêng trong năm 2019, Đức đã xuất khẩu hơn 1 tỉ USD thịt heo sang Trung Quốc. Vì thế, các nhà cung cấp thịt heo Đức đã kêu gọi Trung Quốc tránh ban hành lệnh cấm nhập khẩu với toàn bộ thịt heo Đức, thay vào đó chỉ nên hạn chế thịt heo từ các vùng nhiễm bệnh. Trước đó, Chính phủ Đức xác nhận dịch tả heo châu Phi được phát hiện trên heo rừng ở bang Brandenburg.
Quy định có hiệu lực từ ngày 11.9.2020, được áp dụng với cả việc mua thịt heo trực tiếp và gián tiếp các cung cấp thịt heo nhập khẩu từ Đức. Trung Quốc sẽ tiêu hủy hoặc trả lại toàn bộ thịt heo từ Đức có ngày sản xuất từ sau ngày 11.9.2020, đồng thời siết chặt kiểm tra kiểm soát với các loại thịt heo nhập khẩu trước thời điểm đó.