Bộ Y tế khuyến cáo phòng chống dịch bệnh mùa mưa lũ
Thông tin Y học - Ngày đăng : 11:17, 19/10/2020
Bước vào đợt mưa, bão lớn xảy ra ở các tỉnh, thành phố trên cả nước khiến nhiều nơi tại các tỉnh miền Trung bị chìm trong nước. Sau mưa bão, rất nhiều các sinh vật bụi, rác, chất thải,… theo dòng nước tràn ra nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh. Những dịch bệnh phổ biến trong mùa mưa lũ như: sốt xuất huyết, sốt rét, các bệnh đường tiêu hóa như tả, lỵ, thương hàn, tiêu chảy, bệnh nước ăn chân, cảm cúm, đau mắt đỏ,…
Để chủ động phòng tránh dịch trong mùa mưa bão, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch như sau:
1. Đảm bảo lựa chọn thực phẩm và chế biến thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh, ăn thức ăn nấu chín và nước đun sôi.
2. Thường xuyên rửa tay với xà phòng trước và sau khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
3. Vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa chân sạch và lau khô các kẽ ngón chân sau khi tiếp xúc với nước lũ, nước bị nhiễm bẩn.
4. Tiêu diệt loăng quăng/bọ gậy, diệt muỗi bằng cách đậy kín các bể, thùng chứa nước, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, loại bỏ các phế thải như chai, lọ, lốp ô tô… hoặc các hốc nước tự nhiên để không cho muỗi đẻ trứng.
5. Mắc màn khi ngủ kể cả ban ngày
6. Thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng hóa chất để khử trùng nước ăn uống và sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
7. Thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đấy, thu gom, xử lý và chôn xác xúc vật theo hướng dẫn của nhân viên y tế
8. Khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, cần đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế gần nhất.
Trao đổi với phóng viên, thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Ngọc Yến - Trưởng khoa khám bệnh, bệnh viện da liễu Hà Nội cho biết: "Sau mùa mưa bão, lũ lụt, như thường lệ sẽ phát sinh nhiều yếu tố nguy cơ gây nhiều bệnh, trong đó có các bệnh về da liễu người dân sống trong vùng ngập lụt rất dễ mắc, tình trạng hay gặp nhất chính là bệnh nước ăn chân. Thực chất căn bệnh này là do người dân bị nhiễm nấm Candida và Blastomycet. Nguyên nhân là do môi trường sống bị ngập, người dân bị ngâm tay chân trong nước nhiều, luôn ẩm ướt làm cho nấm xâm nhập và phát triển. Do thiếu nước sạch trong sinh hoạt, vi khuẩn phát triển ở những nang lông như đầu, lông nách, lông sinh dục, râu, lông mày tạo thành những mụn mủ nhỏ ở nang lông rất ngứa, gãi nhiều chảy nước, dịch, ướt tóc, gọi là viêm nang lông chàm hóa rất khó chữa".
Đáng lưu ý, những ngày này khi cả nước đang hướng về Miền Trung bão lụt, trong đó không ít các đoàn từ thiện mang theo thuốc men vào cứu trợ người dân.
BS Ngọc Yến cho rằng "không nên khuyến cáo người dân tự ý sử dụng thuốc mà cần phải được thăm khám cụ thể từng trường hợp". Bởi vì, tình trạng bệnh của mỗi người là khác nhau. Có những trường hợp bị ngứa bôi xanh methylen nhưng bôi mãi vẫn không khỏi, vẫn cứ gãi vết thương trợt ra, sâu hơn... khi đến viện với vết thương bị phủ màu gây khó khăn cho quá trình đánh giá, điều trị bệnh. “Người dân cố gắng giữ khô chân tay, cần đi khám sớm khi điều kiện thuận lợi, không tự ý mua thuốc hoặc bôi thuốc tránh tình trạng viêm nhiễm nặng lên” - BS Yến nhấn mạnh.