Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thuộc nhóm cao nhất thế giới

Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 10:35, 20/10/2020

Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm nay ước đạt 2 - 3% - là một trong những quốc gia tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới.

Thuộc số ít nước trên thế giới kiểm soát tốt dịch bệnh

Tại phiên khai mạc Kỳ họp 10 Quốc hội khóa 14, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết thời gian qua, Việt Nam đạt được những thành tựu quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực, nổi bật là tốc độ tăng trưởng kinh tế thuộc nhóm cao nhất thế giới.

chinh-phu.png
Thủ tướng trình bày báo cáo trước Quốc hội - Ảnh chụp màn hình

Cụ thể, Việt Nam đã kiểm soát, khống chế được dịch bệnh, không để lây lan, bùng phát trong cộng đồng. Tổ chức Y tế Thế giới, cộng đồng quốc tế đánh giá cao và cho rằng Việt Nam nằm trong số ít các quốc gia kiểm soát tốt dịch bệnh, có cách làm đúng, kịp thời, hiệu quả, chi phí thấp.

Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016 - 2019 đạt khá cao, bình quân 6,8%/năm; tăng trưởng 9 tháng vẫn đạt 2,12%, cả năm ước đạt 2 - 3% - là một trong những quốc gia tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới.

Quy mô GDP tăng khoảng 1,4 lần; GDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt khoảng 2.750 USD. Năng suất lao động được cải thiện rõ nét, bình quân giai đoạn 2016 - 2020 tăng 5,8%/năm, cao hơn giai đoạn 2011 - 2015 (4,3%) và vượt mục tiêu đề ra (5%)...

Về ngân sách, tỷ trọng chi đầu tư phát triển tăng lên 27 - 28%, tỷ trọng chi thường xuyên giảm còn 62 - 63%. Bội chi NSNN và nợ công được kiểm soát, giảm so với giai đoạn trước; Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam năm 2020 xếp thứ 42/131, đứng đầu nhóm 29 quốc gia, nền kinh tế cùng mức thu nhập.

Nhiều công trình, dự án quan trọng, quy mô lớn đã hoàn thành trong giai đoạn 2016 - 2019. Năm 2020, đã khởi công 6/11 đoạn trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông; từ nay đến cuối năm, đưa vào sử dụng tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi; thông tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận; hoàn thành giai đoạn 1 nâng cấp đường băng của các cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất; hoàn thành giải phóng mặt bằng giai đoạn 1, chuẩn bị khởi công Cảng hàng không quốc tế Long Thành…

Vốn đầu tư từ NSNN thực hiện 9 tháng năm 2020 đạt gần 60%, cao nhất trong nhiều năm gần đây; tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức dưới 3%. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm từ gần 10% năm 2015 xuống dưới 3% năm 2020.

Cơ cấu giữa các ngành và nội ngành tiếp tục chuyển dịch tích cực, đúng hướng. Tỷ trọng ngành khai khoáng giảm, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo tăng nhanh; tỷ trọng hàng xuất khẩu qua chế biến tăng từ 65% năm 2016 lên 85% năm 2020.

Công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường có nhiều chuyển biến rõ rệt; phát hiện và xử lý nhiều vụ việc, cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Chỉ số phát triển bền vững năm 2020 của Việt Nam tăng 39 bậc so với năm 2016, xếp thứ 49/166 quốc gia và vùng lãnh thổ.

“Vừa qua, lũ lụt rất lớn ở miền Trung đã gây nhiều tổn thất về người và tài sản. Chia sẻ sâu sắc những đau thương, mất mát của đồng bào, người dân vùng bị ảnh hưởng, đặc biệt là những gia đình, người thân, đồng đội của những người dân, công nhân đã mất, của cán bộ, chiến sỹ đã hy sinh, Chính phủ sẽ làm hết sức mình, cùng các cấp, các ngành, các địa phương, đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng chống thiên tai, bão lũ, vì cuộc sống an toàn của người dân, vì sự ổn định và phát triển của nền kinh tế”, Thủ tướng nói.

Cùng với đó, Thủ tướng cho biết kinh tế tư nhân phát triển mạnh, ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế; Xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam được cải thiện đáng kể, tăng từ thứ 88/183 năm 2010 lên thứ 70/190 quốc gia, vùng lãnh thổ năm 2019.

Bên cạnh đó đã điều tra, truy tố, đưa ra xét xử nghiêm minh, công khai nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng, góp phần củng cố niềm tin trong nhân dân.

Quốc phòng, an ninh được tăng cường, chủ quyền quốc gia được giữ vững; đối ngoại và hội nhập quốc tế được chủ động đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả quan trọng.

Còn nhiều tồn tại, hạn chế

Bên cạnh kết quả đạt được, hạn chế là tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2020 không đạt kế hoạch đề ra do tác động, ảnh hưởng lớn, ngoài dự báo của đại dịch COVID-19, dẫn đến tăng trưởng bình quân 5 năm 2016 - 2020 không đạt mục tiêu đề ra.

Trong đó, nhiều ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề; số doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng mạnh. Khả năng chống chịu của nền kinh tế chưa thật vững chắc; năng lực cạnh tranh và tính tự chủ còn hạn chế. Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại chưa đáp ứng yêu cầu.

Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo chưa thực sự tạo động lực nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh. Cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng một số lĩnh vực còn chậm, hiệu quả chưa cao. Xã hội hoá dịch vụ công và đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập còn nhiều bất cập.

Kết quả giảm nghèo đa chiều chưa thực sự bền vững, có nơi nguy cơ tái nghèo còn cao; khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền, tầng lớp nhân dân chậm được thu hẹp. Đời sống của một bộ phận nhân dân còn khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thị trường lao động hiệu quả chưa cao; tỷ lệ lao động khu vực phi chính thức còn lớn.

Sách giáo khoa lớp 1 theo chương trình mới có một số điểm chưa phù hợp; Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo nghiêm túc rút kinh nghiệm, tiếp thu các ý kiến đóng góp để sửa đổi ngay.

Việc giải ngân gói hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp bị ảnh hưởng sâu bởi đại dịch COVID-19 còn chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra; Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định sửa đổi, bổ sung quy định phù hợp để các chính sách hỗ trợ sớm phát huy hiệu quả, đi vào thực tiễn cuộc sống.

Cải cách hành chính một số lĩnh vực còn bất cập; sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế còn khó khăn. Quản lý biên giới, bảo vệ chủ quyền quốc gia còn nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội trên một số địa bàn diễn biến phức tạp.

Tham nhũng, lãng phí ở một số nơi còn chưa được phát hiện, xử lý kịp thời. Khiếu kiện về đất đai còn phức tạp, kéo dài ở một số địa phương. Năng lực hội nhập quốc tế có mặt còn hạn chế; chưa tranh thủ tốt cơ hội và lợi ích của hội nhập quốc tế cho phát triển đất nước.

Những hạn chế, yếu kém nêu trên có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Đại dịch COVID-19 đã tác động, ảnh hưởng đến nhiều mặt của nền kinh tế, gây thiệt hại lớn trong nhiều ngành, lĩnh vực. Cơ cấu kinh tế còn những bất cập; năng lực nội tại và khả năng chống chịu, thích ứng với những biến động mạnh từ bên ngoài còn hạn chế.

Trong khi đó, việc xây dựng và tổ chức thực thi chính sách, pháp luật có lúc, có nơi còn bất cập; một số cơ chế chính sách còn chồng chéo, chưa đồng bộ, chậm được sửa đổi, bổ sung. Cơ chế phối hợp giữa các cấp, các ngành và trong nội bộ cơ quan, đơn vị hiệu quả chưa cao; còn tình trạng thiếu quyết liệt, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Công tác kiểm tra, giám sát, theo dõi, đôn đốc thực thi công vụ ở một số cơ quan, đơn vị còn chưa nghiêm…

Bài học kinh nghiệm là cần có sự thống nhất cao trong nhận thức và quyết liệt trong hành động, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước; không ngừng củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc; giải quyết tốt các mối quan hệ giữa Nhà nước với thị trường, giữa tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững; giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế...

Lam Thanh