Pakistan bất ngờ bỏ lệnh cấm TikTok vì đâu?

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 10:54, 20/10/2020

Pakistan vừa bỏ lệnh cấm và cho phép TikTok tiếp tục hoạt động tại nước này.

Hôm 9.10, Cơ quan quản lý viễn thông của Pakistan (PTA) đã cấm TikTok vì không lọc ra được nội dung “trái đạo đức và thô tục”.

PTA cho biết lệnh cấm này được đưa ra vì “khiếu nại từ các thành phần khác nhau trong xã hội với nội dung trái đạo đức và khiếm nhã trên ứng dụng chia sẻ video”.

Dù vậy, PTA thông báo cho phía TikTok rằng sẽ để ngỏ khả năng thảo luận hướng giải quyết vấn đề trên và xem xét lại quyết định cấm phụ vào việc ứng dụng này tiết chế các nội dung phi pháp có đáp ứng yêu cầu cơ quan chức năng hay không.

Sau đó, TikTok khẳng định đã “cam kết tuân thủ luật pháp tại các thị trường nơi ứng dụng được cung cấp”.

“Chúng tôi đã liên lạc thường xuyên với PTA và tiếp tục làm việc với họ. Chúng tôi hy vọng sẽ đạt được một kết luận giúp chúng tôi tiếp tục phục vụ cộng đồng trực tuyến sôi động và sáng tạo của đất nước”, TikTok cho hay.

Usama Khilji, Giám đốc của Bolo Bhi - một nhóm người Pakistan ủng hộ quyền của người dùng internet, cho biết quyết định này đã làm suy yếu giấc mơ của chính phủ về một Pakistan kỹ thuật số.

Việc chính phủ chặn một ứng dụng giải trí được hàng triệu người sử dụng và là nguồn thu nhập của hàng ngàn người sáng tạo nội dung, đặc biệt là những người đến từ các thị trấn và làng mạc nhỏ hơn, là một sự phản bội với các chuẩn mực dân chủ và các quyền cơ bản được hiến pháp đảm bảo”, Usama Khilji nói.

Hôm 19.10, PTA cho biết đã thảo luận với ban quản lý cấp cao TikTok và hài lòng vì có thể khôi phục quyền truy cập vào ứng dụng với một số điều kiện nhất định.

Những điều kiện đó bao gồm “kiểm duyệt nội dung theo các chuẩn mực xã hội và luật pháp của Pakistan” và chặn “những người dùng liên tục tải lên nội dung bất hợp pháp”.

PTA cho biết TikTok đã đồng ý với những điều kiện đó nên quyết định khôi phục dịch vụ ở nước này.

"Việc khôi phục TikTok tuân theo điều kiện nghiêm ngặt là nền tảng sẽ không được sử dụng để truyền bá nội dung thô tục / khiếm nhã và các giá trị xã hội sẽ không bị lạm dụng. PTA sẽ chặn vĩnh viễn ứng dụng trong trường hợp điều kiện cho biết không được đáp ứng" là thông báo của PTA trên Twitter.

pakistan-bo-lenh-cam-tikok.jpg
PTA thông báo khôi phục TikTok trên Twitter

Pakistan từng thực hiện động thái tương tự với mọi gã khổng lồ web cùng mạng xã hội lớn và gần như luôn quyết định để họ tiếp tục hoạt động ở nước này. Điều đó cho phép Chính phủ Pakistan thể hiện rằng có khả năng đáp ứng những người dân quan tâm đến việc bảo vệ đạo đức của quốc gia.

Song trong trường hợp của TikTok và các lệnh cấm khác gần đây, các nhà bình luận ngày càng cho rằng chúng liên quan nhiều hơn đến việc bất đồng quan điểm hơn là muốn ngăn chặn video mới xuất hiện.

Rest of World, ấn phẩm phi lợi nhuận toàn cầu đề cập đến tác động của công nghệ vượt ra khỏi phương Tây, tuần trước chỉ ra rằng TikTok lưu nhiều video chế nhạo các chính trị gia Pakistan và những người đó không thích thú gì với khái niệm tự do báo chí.

Video 20 cô gái Pakistan đẹp nhất trên TikTok:

Thuộc sở hữu của Tập đoàn ByteDance có trụ sở tại Bắc Kinh (Trung Quốc), TikTok đã trở nên cực kỳ phổ biến trong một thời gian ngắn, bằng cách khuyến khích người dùng trẻ đăng các video ngắn.

Sự nổi lên nhanh chóng đã cuốn TikTok vào một cơn bão lửa với một số quốc gia nâng cao lo ngại về an ninh và quyền riêng tư vì liên kết của nó với Trung Quốc.

Ngày 29.6.2020, TikTok đã bị chặn ở Ấn Độ láng giềng Pakistan và là thị trường lớn nhất về người dùng) vì lo ngại về an ninh quốc gia tại thời điểm nước này có tranh chấp biên giới với Trung Quốc. Ngoài ra, TikTok phải đối mặt với mối đe dọa bị cấm ở Mỹ và bị giám sát ở các quốc gia khác, bao gồm cả Úc.

TikTok từ lâu đã phủ nhận rằng các liên kết với Trung Quốc gây ra mối lo ngại về an ninh ở các quốc gia khác.

Nhân Hoàng