Cần Thơ: Đô thị tràn nước, vùng ven khô ráo

Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 11:48, 20/10/2020

Tối 19.10 ngày thứ 3 liên tiếp triều cường ở nội ô TP.Cần Thơ đạt đỉnh, con đường sầm uất quanh bờ hồ Búng Xáng ở phường An Khánh, Q.Ninh Kiều trở nên ảm đạm trước biển nước mênh mông. Sáng 20.10 tình trạng ngập cũng không cải thiện. Nhưng ở vùng ven cách đó chừng 10 km thì rất khô ráo!

Chiều 19.10 trao đổi với PV Một Thế Giới ông Nguyễn Quý Ninh - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn TP.Cần Thơ cho biết: “Mực nước trên sông Hậu đo được sáng cùng ngày là 2,17 mét vượt mức báo động 3 là 0,17 mét, cao hơn ngày hôm trước là 2 cm. Triều cường dâng cao vào 2 thời điểm trong ngày là sáng sớm và chiều tối là giờ cao điểm người dân lưu thông, điều này khiến cuộc sống người dân bị xáo trộn”.

9.jpg
Giao thông hỗn loạn vì nước ngập- Ảnh: Thanh Nguyên

Theo ông Ninh nguyên nhân mực nước dâng cao là do lũ thượng nguồn kết hợp với triều cường và mưa nội vùng. Những khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất do triều cường có thể kể đến là khu vực ngã tư Nguyễn Văn Cừ - Mậu Thân, khu vực quanh hồ Búng Xáng, hồ Xáng Thổi, đường Cách Mạng Tháng Tám… Điểm ngập sâu nhất đo được là 0,5 mét.

Cũng trong chiều 19.10 Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ có công văn yêu cầu giám đốc các sở, ban ngành, Chủ tịch UBND các quận huyện khẩn trương triển khai các giải pháp để chủ động ứng phó với diễn biến của triều cường; đảm bảo an toàn về người, tài sản và ổn định đời sống sinh hoạt của người dân trên địa bàn.

10.jpg
Người dân nội ô TP khốn khổ vì nước ngập- Ảnh: Thanh Nguyên

Chủ tịch UBND TP yêu cầu Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP chủ động làm việc với Đài Khí tượng thủy văn về công tác dự báo tình hình khí tượng thủy văn trên sông Hậu, cần phải có dự báo sớm, kịp thời, chính xác mực nước đỉnh triều, để tham mưu cho UBND TP chỉ đạo các sở, ban ngành và địa phương có biện pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả, không để bị động.

Đối với các quận trung tâm - đặc biệt là Q.Ninh Kiều cần tăng cường kiểm tra, vận hành có hiệu quả các van ngăn triều để hạn chế tối đa nước từ sông Hậu theo các đường cống chảy ngược vào. Kiểm tra nắp hố ga trên các tuyến đường, vỉa hè tránh hố sâu nguy hiểm. Tổ chức thu gom rác tại các miệng cống thoát nước, cửa thu nước đảm bảo nước rút dễ dàng, nhanh chóng khi triều xuống; rà soát lại trụ chiếu sáng, đèn chiếu sáng và tín hiệu giao thông để tránh rò rỉ điện, đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.

8.jpg
Hàng quán ở trung tâm TP khốn khổ vì nước ngập, không kinh doanh được- Ảnh: Thanh Nguyên

Thực hiện cắm biển cảnh báo nguy hiểm tạm thời, dây cảnh báo, đèn chớp cảnh báo tại những vị trí ngập sâu, các tuyến đường ven kênh, ao, hồ ngập sâu nguy hiểm khi triều cường dâng cao, không còn nhận biết phần đường xe chạy, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Chủ động bố trí lực lượng và phương tiện để tham gia điều tiết giao thông.

Với các địa phương còn lại, Chủ tịch UBND TP yêu cầu tổ chức kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý ngay từ giờ đầu những hư hỏng của hệ thống đê bao, nhất là các tuyến đê bao ở các quận, huyện đầu nguồn như Vĩnh Thạnh, Thốt Nốt, các cồn trên sông Hậu… Khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng chống lũ, tổ chức gia cố các đoạn đê yếu, có nguy cơ xảy ra tràn, vỡ, sạt lở; chủ động phương án bơm nước tiêu úng để bảo vệ diện tích lúa thu đông, hoa màu, cây ăn trái.

Theo Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn TP.Cần Thơ, đợt triều cường này dự kiến còn kéo dài trong 2-3 ngày nữa, sau đó mới rút dần.

Điều kỳ lạ là tại xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền, TP.Cần Thơ- chỉ cách trung tâm TP khoảng 10 km, cùng vào những thời điểm mà nội ô TP ngập lênh láng thì nơi đây rất khô ráo. Ngay bên kia sông là thị trấn Phong Điền, nhiều chỗ ngay trong chợ cũng bị ngập, nhưng bên phía Nhơn Ái thì không hề, khô ráo đến lạ, các mương vườn chỉ xâm xấp nước.

5.jpg
7.jpg
Ở xã Nhơn Ái rất khô ráo, dù bên kia sông ngập vì triều cường- Ảnh: Thanh Ngọc

Nguyên nhân là khu vực này nằm trong dự án đê bao Ô Môn- Xà No, có cống chặn nước. Toàn diện tích nằm trong đê bao là 45.430 héc-ta (Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang), do đó chỉ cần xả vào ngập 0,2-0,4 mét là sẽ tải được lượng nước rất khổng lồ, giảm áp lực ngập cho nội ô TP.

Một cán bộ Phòng NN&PTNT huyện Phong Điền thừa nhận nếu xả nước vào vùng đê bao, không bao lâu sau nước rút theo thủy triều thì vùng trong đê bao cũng không ảnh hưởng gì nhiều. Nhưng việc mở cống hay đóng cống địa phương không quyết định được, mà do Chi cục Thủy lợi TP.Cần Thơ chịu trách nhiệm.

6.jpg
Nước bên ngoài cao hơn nước trong vùng đê bao hơn 0,5 mét- Ảnh: Thanh Ngọc

Theo quan sát của PV ngoại trừ cống chính là KH9 được mở, thì các cống còn lại như cống Rạch Nóp, Rạch Chùa... trên địa bàn xã Nhơn Ái đều đóng kín. Chênh lệch mực nước giữa trong và ngoài cống hơn 0,5 mét.

Đây là điều mà chính quyền địa phương nên xem xét, cả với các vùng đê bao khép kín phía thượng nguồn sông Hậu như Thốt Nốt, Ô Môn… Nếu xả nước vào vùng đê bao có kiểm soát để tránh sự cố đáng tiếc cho cây trồng, hoa màu… thì lượng nước sẽ được chia bớt rất nhiều và không dồn về nội ô TP gây ngập úng, dân chúng khổ sở.

Thanh Nguyên