Cử tri bức xúc vì giá sách giáo khoa có lợi ích nhóm
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 12:17, 20/10/2020
Lợi ích nhóm trong sách giáo khoa
Trình bày báo cáo trước Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết, từ sau kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa 14 đến nay, Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được 3.365 ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết cử tri đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, vừa thực hiện phòng chống dịch COVID -19, vừa phát triển kinh tế và đảm bảo đời sống nhân dân.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, cử tri và nhân dân phản ánh việc triển khai Nghị quyết số 42 của Chính phủ về thực hiện hỗ trợ cho các nhóm đối tượng bị tác động của dịch COVID -19 còn bất cập.
Theo đó, nhiều doanh nghiệp, người dân chưa tiếp cận được gói hỗ trợ. Dịch COVID -19 đã làm nhiều doanh nghiệp phải dừng hoạt động hoặc giải thể, nhiều người lao động bị thiếu hoặc mất việc làm. Chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào và lưu thông hàng hóa bị gián đoạn; tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn diễn ra phức tạp.
Cử tri và nhân dân còn bức xúc về một số dự án đầu tư công tiến độ triển khai rất chậm, chất lượng thấp, gây lãng phí nguồn lực quốc gia.
Về văn hóa và giáo dục, cử tri và nhân dân một số nơi bức xúc vì giá sách giáo khoa, có dấu hiệu “lợi ích nhóm”. Đặc biệt, việc phát hành và đưa vào sử dụng sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1, bộ Cánh Diều gây ra nhiều phản ứng trong nhân dân; Bộ Giáo dục và đào tạo đã chỉ đạo có biện pháp khắc phục, tuy nhiên cần thường xuyên kiểm tra việc phát hành, sử dụng sách giáo khoa trong nhà trường.
Cử tri cũng bức xúc về các hành vi nâng giá thiết bị phục vụ phòng, chống dịch, nâng khống giá thiết bị, vật tư y tế, giá dịch vụ khám, chữa bệnh nhằm "trục lợi". Việc liên doanh, liên kết xã hội hóa tại các bệnh viện công còn nhiều “lỗ hổng”, dẫn đến việc câu kết, lợi dụng trong mua sắm, lắp đặt trang thiết bị y tế khi thực hiện đề án xã hội hóa phục vụ khám, điều trị bệnh cho nhân dân.
Cùng với đó là lo lắng về chất lượng của một số loại thuốc chữa bệnh; cơ sở vật chất và đội ngũ nhân viên y tế còn nhiều khó khăn; còn tình trạng quá tải ở một số bệnh viện lớn; tình trạng ô nhiễm tại các làng nghề vẫn diễn ra phức tạp; rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa ở các khu dân cư còn nhiều; tình trạng phá rừng, khai thác gỗ trái phép còn xảy ra ở một số nơi.
Cử tri và nhân dân phản ánh về an toàn hồ, đập, đê chắn sóng; lũ lụt gây thiêt hại nặng nề về người và tài sản, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất và đời sống người dân ở một số địa phương; mong muốn Nhà nước dành nguồn lực thích đáng trong việc phòng ngừa, chống chịu với thiên tai, đặc biệt trong mùa mưa bão.
Đồng thời, cử tri bày tỏ lo ngại về tội phạm cướp giật, tín dụng đen, lừa đảo, bắt cóc trẻ em, giết người, đánh bạc qua mạng, cho vay nặng lãi; tội phạm ma túy vẫn diễn biến hết sức phức tạp, mức độ ngày càng nghiêm trọng; lo lắng tình trạng tai nạn giao thông diễn biến phức tạp, tắc đường, ngập úng, lấn chiếm vỉa hè vẫn chưa được khắc phục ở các thành phố, đô thị lớn.
Đối với hoạt động đối ngoại, ông Trần Thanh Mẫn khẳng định, cử tri và nhân dân đồng tình, ủng hộ lập trường, quan điểm và cách thức giải quyết các vấn đề xảy ra trên Biển Đông của Đảng, Nhà nước; mong muốn các cơ quan chức năng tiếp tục thể hiện quan điểm nhất quán, nắm chắc tình hình, diễn biến, dự báo và thông tin kịp thời, đầy đủ các tình huống trên Biển Đông để nhân dân và bạn bè quốc tế hiểu rõ lập trường đúng đắn của Nhà nước ta; có biện pháp chủ động, phù hợp để bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ và lợi ích quốc gia, dân tộc.
Về xây dựng Đảng và Nhà nước, cử tri và nhân dân đánh giá công cuộc đấu tranh chống tham nhũng còn nhiều khó khăn, còn tình trạng người phạm tội tẩu tán tài sản, bỏ trốn; tham nhũng vặt, nhũng nhiễu vẫn tồn tại; việc tiết kiệm trong chi tiêu công chưa đạt hiệu quả tích cực; một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa quan tâm đúng mức, để tình trạng khiếu nại, tố cáo vẫn diễn biến phức tạp.
Kiến nghị 5 nhóm vấn đề
Theo ông Trần Thanh Mẫn, đoàn chủ tịch gửi 5 kiến nghị gửi tới Quốc hội. Cụ thể là đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chính sách, biện pháp bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ sản xuất kinh doanh.
Các bộ, ngành, chính quyền địa phương tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, giải quyết vướng mắc trong thủ tục hành chính; tiếp tục đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong giải ngân vốn đầu tư công, chú trọng đẩy nhanh tiến độ giải ngân cho các dự án lớn, đồng thời quan tâm đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng, vùng kinh tế trọng điểm.
Đề nghị Quốc hội giám sát chặt chẽ, thường xuyên việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội, về triển khai các dự án đầu tư, công trình trọng điểm quốc gia; theo dõi sát sao việc giải quyết các vụ án lớn, phức tạp, nhất là các vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, những vụ án phức tạp, kéo dài gây bức xúc trong Nhân dân.
Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế, các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong việc mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch COVID – 19.
Tổ chức thanh tra, kiểm tra việc mua sắm trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập để chấn chỉnh và xử lý kịp thời các vi phạm; rà soát, sửa đổi quy định pháp luật để khắc phục ngay những "lỗ hổng" về cơ chế xã hội hóa tại các cơ sở y tế công.
Thanh tra Chính phủ tăng cường công tác thanh tra đối với những lĩnh vực có nguy cơ phát sinh tham nhũng, các dự án thua lỗ kéo dài; ngành Thanh tra và chính quyền các cấp tập trung thanh tra, kiểm tra giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài, nhất là liên quan đến đất đai; thực hiện nghiêm việc công khai các kết luận thanh tra.
Bộ Công an, các ngành chức năng, các địa phương tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh, triệt phá các băng nhóm giang hồ, xã hội đen, các hành vi buôn bán ma túy, lừa đảo, đánh bạc và tội phạm công nghệ cao, vi phạm về môi trường, quản lý tài nguyên.
Cuối cùng là đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp phát huy trách nhiệm nêu gương, nhất là của người đứng đầu trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác cán bộ; rà soát chặt chẽ, tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm, đạo đức công vụ của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm.