Thứ trưởng cười tươi đi taxi, lãnh đạo tỉnh thích 'đặc thù xe công'

Góc bình luận - Ngày đăng : 13:38, 01/02/2017

Việc đi làm bằng taxi rất bình thường. Không đi xe này mình đi xe khác, có sao đâu”. Tuy nhiên, điều bình thường như vị Thứ trưởng Bộ Tài chính nói chưa dễ trở nên phổ biến bởi hình ảnh quan chức thường gắn với những chiếc xe biển xanh bóng loáng quen thuộc hơn là bước xuống từ một chiếc taxi.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Chí bước xuống từ taxi. Ảnh: Tiến Tuấn

“Không đi xe này mình đi xe khác, có sao đâu”

Một ngày đầu tháng 10, ông Nguyễn Hữu Chí, Thứ trưởng Bộ Tài chính bước xuống từ xe taxi để vào trụ sở, bắt đầu ngày làm việc mới. Hàng loạt ống kính hướng về vị lãnh đạo Bộ Tài chính. Ngay lập tức, hình ảnh ấy tràn ngập mặt báo như một thông tin nóng hổi.

Đó chính là ngày Bộ Tài chính tiên phong khoán xe công đối với các chức danh thứ trưởng, chức danh lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ 1,25 (Tổng cục trưởng và tương đương) thuộc bộ này.

Mức khoán kinh phí đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc hằng ngày được xác định trên đơn giá taxi nhân với số ngày làm việc trong tháng của các vị lãnh đạo, áp dụng từ ngày 1.10. Người có mức kinh phí khoán thấp nhất là 3,96 triệu đồng/tháng, cao nhất là 9,9 triệu đồng/tháng.

Ngay cả ông Chí cũng hết sức bất ngờ khi việc một thứ trưởng đi làm bằng taxi lại nhận được nhiều sự quan tâm đến như vậy từ báo giới. Trải lòng trong một cuộc họp báo, ông Chí tâm sự: “Việc đi làm bằng taxi rất bình thường, cũng đã thống nhất thực hiện, nhưng tôi rất ngại báo chí đưa lên xuống hoài. Không đi xe này mình đi xe khác, có sao đâu. Khi tôi còn làm Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cũng có lúc đi xe Honda, xe đạp đâu có sao”.

Điều bình thường ấy của Thứ trưởng Bộ Tài chính lại không hề bình thường trong mắt người dân bởi với họ, hình ảnh quan chức oai phong bước xuống từ những chiếc xe biển xanh bóng loáng quen thuộc hơn là bước ra từ một chiếc taxi.

Sau "phát pháo" khoán xe công cấp thứ trưởng được đánh giá cao, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng tiếp tục yêu cầu mở rộng việc khoán xe công đối với các chức danh lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ. Như thế, các sếp của Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước - SCIC, Ngân hàng Phát triển Việt Nam - VDB, Tập đoàn Bảo Việt... sẽ phải tính đến việc tự đi làm chứ không còn được đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc như lâu nay.

Bộ Tài chính cũng có văn bản gửi các bộ ngành, địa phương yêu cầu kiểm soát chặt chẽ mua sắm và sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung và định hướng đến năm 2020 sẽ giảm 30-50% số xe diện này (trừ số xe đang có ở các đơn vị thuộc địa bàn miền núi, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn).

Nhưng không phải lúc nào Bộ Tài chính cũng được ủng hộ khi không ít quan chức mắc bệnh “nghiện xe công”.

Bộ Tài chính đã quyết làm "cuộc cách mạng" về xe công

Địa phương vẫn muốn “đặc thù xe công”

Bộ Tài chính muốn giảm mạnh xe công, nhưng tại hội nghị tổng kết công tác năm 2016, triển khai nhiệm vụ 2017 của ngành tài chính, các địa phương khi đăng đàn phát biểu đều tỏ ý vương vấn xe công.

Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, Lâm Đồng đều cho rằng với tỉnh trải trên địa bàn rộng, việc quy định mỗi sở 2 xe như các tỉnh khác sẽ gây khó khăn.

Bà Lê Thị Tình, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa nói: "Ví dụ đi đến một huyện miền núi, huyện xa nhất của tỉnh mất 3 ngày. Do đó, Bộ Tài chính nên cân nhắc quy định định mức xe công để phục vụ công tác tại các tỉnh cho phù hợp".

Tiếp đó, ông Nguyễn Văn Yên, Phó chủ tịch tỉnh Lâm Đồng cũng đề xuất Bộ Tài chính chưa nên khoán kinh phí xe công đi công tác mà trước mắt nên áp dụng chi phí đi từ nhà đến nơi làm việc. "Tỉnh Lâm Đồng cũng như Thanh Hóa, địa bàn rộng, đi từ đầu tỉnh đến cuối tỉnh phải tới 300km. Nếu khoán đi công tác thì sẽ rất khó và theo tôi nếu áp dụng nên chia theo từng tỉnh đặc thù", ông Yên nói.

Trước đó, nhiều tỉnh thành lớn như Hà Nội, TP.HCM cũng liên tục phàn nàn về định mức 2 xe công cho mỗi sở là quá ít, đề nghị Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng xem xét lại “các địa phương đặc thù”.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã khẳng định quản lý tài sản công, trong đó có xe công, phải được minh bạch hơn, tiết kiệm hơn. Ông Dũng cũng tiếp tục thể hiện quyết tâm cắt giảm đầu xe, cơ cấu lại định mức, tính toán lại định mức cho phù hợp thực tế để giảm được đầu xe, đồng thời rà soát, sắp xếp, điều chuyển, thậm chí thanh lý xe công.

Không khó để thấy vì sao Bộ Tài chính lại kiên định mục tiêu này. Là cơ quan nắm việc thu chi, Bộ Tài chính hiểu hơn ai hết tình hình căng thẳng ngân sách nói chung cũng như số tiền tiêu cho việc duy trì một lượng xe công khổng lồ nói riêng.

Tính đến hết năm 2015, tổng số xe ô tô công hiện có là hơn 37.700 chiếc, bao gồm xe phục vụ các chức danh lãnh đạo, xe phục vụ công tác chung và xe chuyên dùng cứu thương, tập lái, xe tải... Để sở hữu số xe này, ngân sách đã bỏ ra tổng cộng gần 23 nghìn tỉ (tương đương hơn 1 tỉ USD).

Và mỗi năm, số lượng xe này “ngốn” tới gần 13.000 tỉ đồng, bằng số thu ngân sách 1 năm của các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái, Bắc Kạn, Hà Giang... cộng lại.

Vì thế, việc giảm xe công theo chủ trương của Chính phủ, Bộ Tài chính rõ ràng là việc chẳng thể trì hoãn. Và nói như Thứ trưởng Bộ Tài chính “không đi xe này thì mình đi xe khác”, rõ ràng giảm xe công nếu muốn làm thì không phải là nhiệm vụ bất khả thi.

Theo Lương Bằng/Vietnamnet