Sổ hộ khẩu, sổ tạm trú nên được sử dụng đến hết 2022
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 13:07, 21/10/2020
Tại phiên họp sáng 21.10, Quốc hội đã nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi), trong đó nhiều đại biểu đề cập đến thời hạn "khai tử" sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.
Phòng từ 8m2 trở lên mới được đăng ký thường trú?
Theo đó, về điều kiện đăng ký thường trú, qua thảo luận, hiện có 2 loại ý kiến về vấn đề này. Loại ý kiến thứ nhất tán thành quy định một trong các điều kiện để đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ là phải bảo đảm diện tích nhà ở tối thiểu do HĐND cấp tỉnh quy định nhưng không thấp hơn 8m2 sàn/người.
Loại ý kiến thứ hai đề nghị không nên quy định diện tích nhà ở tối thiểu là điều kiện để đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ vì không bảo đảm bình đẳng về quyền có điều kiện sống thiết yếu giữa người thuê, mượn, ở nhờ nhà với người đăng ký thường trú theo diện sở hữu nhà ở hoặc chuyển về ở cùng người thân vì các đối tượng này lại không bị giới hạn bởi điều kiện về diện tích nhà ở.
Do còn ý kiến khác nhau nên UBTVQH đã thiết kế nội dung quy định về điều kiện đăng ký thường trú đối với trường hợp có chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ thành 2 phương án tương ứng với 2 loại ý kiến nói trên tại điểm b khoản 3 Điều 20 của dự thảo luật để đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận, cho ý kiến.
Về thủ tục đăng ký tạm trú, hiện cũng đang có 2 loại ý kiến: Loại ý kiến thứ nhất đề nghị tiếp tục quy định về thời hạn đăng ký tạm trú như Luật hiện hành tối đa là 2 năm để phân biệt với việc đăng ký thường trú. Người đăng ký tạm trú thường là những người chưa có ý định cư trú lâu dài, ổn định hoặc đăng ký cư trú vào những chỗ ở không có tính ổn định, lâu dài (như nhà ở do thuê, mượn, ở nhờ).
Do đó, việc yêu cầu những người này định kỳ đăng ký lại việc tạm trú của mình với cơ quan đăng ký cư trú là biện pháp để tăng cường hiệu quả của công tác quản lý cư trú, nắm chắc số liệu dân cư trên địa bàn. Đồng thời đây cũng là giải pháp khuyến khích, thúc đẩy người dân chuyển sang thực hiện đăng ký thường trú tại chỗ ở đã đăng ký tạm trú khi đã có đủ điều kiện (hạn chế các trường hợp đăng ký thường trú một nơi nhưng lại thường xuyên cư trú dưới hình thức tạm trú tại một nơi ở khác).
Loại ý kiến thứ hai tán thành với quy định như trong dự thảo luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 là không quy định về thời hạn tạm trú để giảm bớt thủ tục hành chính, tránh gây phiền hà cho người dân trong quá trình thực hiện quyền cư trú.
Dự thảo Luật đang được thể hiện thành 2 phương án tương ứng với 2 loại ý kiến về nội dung này tại Điều 27 và Điều 28 để đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận, cho ý kiến.
Cần làm rõ khái niệm “nơi cư trú”
Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) đề nghị làm rõ khái niệm “nơi cư trú” của công dân. Quy định như dự thảo không đảm bảo tính rõ ràng, gây khó khăn cho quá trình áp dụng pháp luật. Nếu nơi cư trú bao gồm cả nơi thường trú, nơi tạm trú thì như vậy với một cá nhân vừa có nơi thường trú, vừa có nơi tạm trú như dự thảo luật, thì nơi cư trú của công dân được xác định như thế nào?
Đại biểu Cường cũng nhấn mạnh, trong quan hệ pháp luật dân sự, việc xác định nơi cư trú của công dân rất quan trọng, nhất là khi xác định quyền và nghĩa vụ trong việc tống đạt giấy tờ, xác định thẩm quyền của tòa án trong giải quyết tranh chấp…
Cũng tại phiên thảo luận, các đại biểu cũng góp ý về các quy định liên quan đến điều kiện đăng ký thường trú, điều kiện đăng ký tạm trú. Trong đó, nhiều ý kiến tán thành với việc không quy định điều kiện riêng về đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương; có ý kiến tán thành nhưng đề nghị cần có lộ trình cụ thể cho việc thực hiện tại Hà Nội và TP.HCM để bảo đảm phù hợp với khả năng đáp ứng của cơ sở hạ tầng và việc cung cấp các dịch vụ thiết yếu tại đô thị lớn.
Đối với điều kiện đăng ký tạm trú, nhiều đại biểu đề nghị không quy định điều kiện đăng ký tạm trú là phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý vì quy định này cản trở quyền đăng ký cư trú của công dân, ảnh hưởng tiêu cực đến công tác quản lý cư trú của các cơ quan nhà nước.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng khi đồng ý cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ thì chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đã đương nhiên chấp nhận cho người thuê, mượn, ở nhờ được sinh sống thường xuyên ở chỗ ở đó.
Do đó, để phục vụ công tác quản lý cư trú của Nhà nước, công dân phải thực hiện việc đăng ký tạm trú và không có cơ sở nào để người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ được từ chối, cản trở người đang thực tế cư trú thực hiện việc đăng ký tạm trú với cơ quan nhà nước nhằm bảo đảm các quyền, lợi ích hợp pháp của mình và trật tự quản lý nhà nước về cư trú.
“Quy định như vậy cũng nhằm nâng cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có nhà ở cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ, góp phần hạn chế tình trạng cho người lao động ngoại tỉnh thuê, ở nhờ nhà tràn lan mà không đăng ký, khai báo dẫn đến khó kiểm soát như hiện nay”, ông Hòa nói.
Sổ hộ khẩu nên được sử dụng đến 2022
Đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên) cho rằng kể từ ngày luật này có hiệu lực thi hành, sổ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ xác nhận về cư trú theo quy định của luật này cho đến hết ngày 31.12.2022; thông tin về cư trú trong cơ sở dữ liệu về cư trú là thông tin gốc, cơ quan đăng ký cư trú sẽ không cấp mới, cấp lại sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.
Bà Dung cho biết, theo Nghị quyết số 17 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử, trong giai đoạn 2021-2025, mới chỉ có 60% hệ thống thông tin của các bộ, ngành, địa phương có liên quan đến người dân, doanh nghiệpđược đưa vào vận hành, khai thác, kết nối liên thông; 90% hồ sơ công việc của các bộ, các tỉnh, 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng.
Quyết định số 20 của Thủ tướng Chính phủ về mã định danh điện tử của các cơ quan, tổ chức phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành, địa phương cũng xác định thời hạn đến tháng 9.2022 các bộ, ngành địa phương mới hoàn thành việc nâng cấp, chỉnh sửa, thông tin để đảm bảo tuân thủ các quy định về mã định danh điện tử phục vụ việc kết nối, chia sẻ dữ liệu.
Như vậy, theo đại biểu này, theo kế hoạch của Chính phủ thì đến hết 2025 vẫn chưa hoàn thành việc kết nối, chia sẻ thông tin, cơ sở dữ liệu với tất cả các bộ, ngành địa phương; chưa kể đến các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn.
Bên cạnh đó, cả nước đang tập trung đối phó dịch bệnh và lũ lụt nên việc dành nguồn lực để đầu tư hạ tầng kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu quốc gia về cư trú và việc đầu tư hạ tầng kết nối giữa các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan trên toàn quốc từ Trung ương đến cấp xã, đảm bảo khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia trước ngày 1.7.2021 là rất khó khăn, khó đảm bảo tính khả thi.
Đại biểu Dung nhấn mạnh, việc bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú là vấn đề rất lớn, liên quan trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt hàng ngày của người dân và hoạt động của các cơ quan, tổ chức liên quan, do vậy cần được xem xét, cân nhắc thận trọng, toàn diện, tránh làm khó cho người dân.