Thủ tướng đề nghị giám sát việc quyên góp, vận động hỗ trợ

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 09:06, 22/10/2020

Thủ tướng đề nghị giám sát việc quyên góp, vận động hỗ trợ, xử lý nghiêm người trục lợi.

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động tổ chức vận động, quyên góp tự nguyện hỗ trợ người dân vùng bị thiên tai.

thuy-tien.jpg
Ca sĩ Thủy Tiên trao quà cho người dân vùng lũ - Ảnh: Vietnamnet

Thủ tướng nêu, những ngày qua, mưa lũ đặc biệt lớn đã gây thiệt hại hết sức nặng nề về người và tài sản của nhân dân và nhà nước tại các tỉnh miền Trung. Phát huy truyền thống nhân ái “lá lành đùm lá rách”, nhiều cơ quan, đoàn thể, tổ chức, cá nhân và các nhà hảo tâm đã quan tâm sẻ chia, hỗ trợ đồng bào vùng bị thiên tai.

Để công tác vận động quyên góp và hỗ trợ đúng quy định và thiết thực, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và các bộ, ngành, địa phương tổ chức, giám sát việc vận động quyên góp hỗ trợ, bảo đảm theo đúng quy định tại Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14.5.2008 của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.

Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan để chỉ đạo, giám sát việc quyên góp, vận động hỗ trợ theo đúng quy định và xử lý nghiêm các trường hợp trục lợi trong vận động, quyên góp hỗ trợ.

Trước đó, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có văn bản số 38 hướng dẫn vận động quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung, Tây Nguyên khắc phục thiệt hại do lũ lụt gây ra.

Hướng dẫn quy định Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ban Cứu trợ cấp tỉnh của các địa phương bị ảnh hưởng trực tiếp lũ lụt phối hợp với chính quyền và các ngành, các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam rà soát, nắm chắc tình hình thiệt hại về người, tài sản để thực hiện công tác cứu trợ; tổ chức tiếp nhận và phân bổ kịp thời tiền, hàng ủng hộ của Trung ương, các địa phương và các đơn vị, cá nhân...

Trước mắt tập trung hỗ trợ khẩn cấp về lương thực, thực phẩm, nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường, bố trí các gia đình có nhà bị sập, đổ, trôi có chỗ ở ổn định cuộc sống...

Đồng thời, vận động Nhân dân trong từng cộng đồng dân cư, từng địa phương cơ sở chủ động giúp đỡ lẫn nhau; thường xuyên công khai kết quả tiếp nhận, phân bổ tiền, hàng cứu trợ; danh sách cá nhân, hộ gia đình được nhận tiền, hàng hỗ trợ để Nhân dân biết, giám sát; bảo đảm việc hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng hỗ trợ.

Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ban Cứu trợ cấp tỉnh báo cáo cấp ủy, phối hợp với chính quyền, các đoàn thể nhân dân tổ chức giám sát và quản lý hoạt động hỗ trợ tự phát, không báo cáo, xin phép chính quyền địa phương của các cá nhân, các nhóm nhằm đảm bảo việc hỗ trợ Nhân dân bị thiệt hại công bằng.

Đồng thời ngăn ngừa tình trạng lợi dụng việc vận động quyên góp của các tổ chức, cá nhân, nhóm người để trục lợi cũng như để đảm bảo tài sản, tính mạng của các tổ chức, cá nhân đến thăm, hỗ trợ, giúp đỡ Nhân dân địa phương.

Lũ lụt miền Trung nước ta đang gây ra những thiệt hại rất lớn về người và của. Trong đó, đau thương nhất là các vụ sạt lở đất gần và ngay tại thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên – Huế) làm 17 công nhân và 13 cán bộ, chiến sỹ thuộc đoàn cứu hộ bị vùi lấp và hy sinh; hoặc vụ sạt lở đất làm 22 cán bộ, chiến sỹ Đoàn kinh tế - quốc phòng 337 bị vùi lấp và hy sinh cùng rất nhiều thiệt hại về người và của khác.

Trước tình hình này, nhiều cá nhân, tổ chức đã quyên góp tiền của, vật chất để ủng hộ đồng bào vượt qua khó khăn. Nổi bật trong đó là ca sĩ Thủy Tiên với hơn 100 tỉ đồng được người dân khắp nơi quyên góp. Tuy nhiên, nhiều người băn khoăn việc các cá nhân đứng ra quyên góp tiền ủng hộ liệu có vi phạm Nghị định 64/2008?

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới về việc này, luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn luật sư TP.HCM cho biết ca sĩ Thuỷ Tiên và nhiều nghệ sĩ khác nhận tiền là để như trao quà thay cho chính chủ tài sản muốn trao cho người miền trung. Họ chỉ là kênh nối chứ ko đứng ra để vận động, tư lợi cá nhân. Do vậy, ông Hùngcho rằng hành vi của họ ko vi phạm nghị định 64/2008.

Theo ông Hùng, có thể hiểu rằng, phạm vi điều chỉnh của Nghị định 64 được áp dụng trong việc tổ chức vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước trong các quỹ, chương trình từ thiện do Nhà nước, đoàn thể, quỹ xã hội, quỹ từ thiện… đứng ra tổ chức.

Đối với trường hợp của ca sĩ Thủy Tiên, MC Phan Anh, và nhiều nghệ sĩ khác, theo ông Hùng là không thể áp dụng nghị định này để điều chỉnh. Các trường hợp này, cá nhân đứng ra tiếp nhận thì chịu trách nhiệm về hành vi của mình đối với cá nhân/tổ chức đã gửi tiền, hàng hóa cho mình để đi làm từ thiện. Có thể hiểu các trường hợp này là cá nhân/tổ chức ủy thác cho một cá nhân khác thay mặt mình giúp đỡ cho những người gặp thiên tai. Đây là giao dịch dân sự bình thường giữa người gửi và người giao.

Ngoài ra, ông Hùng cho hay theo Điều 76 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về Pháp nhân phi thương mại:

Pháp nhân phi thương mại là pháp nhân không có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận; nếu có lợi nhuận thì cũng không được phân chia cho các thành viên; Pháp nhân phi thương mại bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, quỹ xã hội, quỹ từ thiện, doanh nghiệp xã hội và các tổ chức phi thương mại khác" căn cứ quy định này thì pháp luật cũng không cấm làm từ thiện.

“Chuyện này rất bình thường, cần khuyến khích những việc làm như vậy, tôi cũng nghĩ đã đến lúc huỷ bỏ nghị định 64 vì nó đã ko điều chỉnh kịp cuộc sống, không còn phù hợp”, ông Hùng nói.

Lam Thanh