Dân Mỹ mất 2,5 triệu năm sống vì đại dịch COVID-19
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 10:34, 22/10/2020
Elledge là giáo sư ngành di truyền học của Trường Y khoa Harvard và Bệnh viện Brigham and Women's Hospital (BWH) ở thành phố Boston (Mỹ). Sau khi phân tích số năm còn lại của 200.000 nạn nhân thiệt mạng vì COVID-19 ở Mỹ, ông nhận thấy nhiều người trong số đó ở tuổi trung niên chứ không phải người già.
Trao đổi với tờ USA Today, Elledge nhận định đó là một thực tế khá sốc. “Một nửa dân số trẻ đã đánh mất cuộc sống nhiều như người già và họ cần biết điều đó”, ông nói.
Giáo sư Elledge cho rằng nhiều nạn nhân của COVID-19 lẽ ra phải sống thêm nhiều thập kỷ nữa nếu không có đại dịch. “Những người chết ở lứa tuổi 50 có thể đã mất 2-3 thập kỷ cuộc sống. Nhưng vấn đề là COVID-19 còn tác động lâu dài trên những bệnh nhân sau nhiễm trùng và hậu quả của bệnh trên người trẻ kéo dài trong phần còn lại của cuộc đời mà họ không biết”, ông Elledge nhận định.
Giữa tháng qua, một nghiên cứu đăng trên tạp chí PLOS ONE cũng cho thấy nếu đại dịch tiếp tục kéo dài thì tuổi thọ dự kiến của con người sẽ giảm đi, đặc biệt ở những vùng bị ảnh hưởng nặng nề của COVID-19.
Tuổi thọ dự kiến là số năm sống một người trung bình dự kiến sống. Có nhiều yếu tố khác nhau ảnh hưởng đến tuổi thọ này, như tình trạng kinh tế - xã hội, năng lực chăm sóc y tế của quốc gia, khác biệt vùng miền, giới tính…
Theo mô hình tính toán của nhà nghiên cứu Guillaume Marois thuộc Viện Quốc tế phân tích hệ thống ứng dụng (IIASA) tại Áo, nếu COVID-19 lưu hành ở mức 2%, tuổi thọ dự kiến ở những quốc gia mà người dân có tuổi thọ cao sẽ bị ảnh hưởng.
Marois nói: “Khi tỷ lệ nhiễm COVID-19 trong dân ở mức 10%, tuổi thọ người dân ở những nước có tuổi thọ cao như Bắc Mỹ và châu Âu sẽ mất hơn 1 năm, còn ở mức 50% thì sẽ mất 3-9 năm sống. Nhưng ở những nước ít phát triển, tác động sẽ nhỏ hơn vì bản thân tuổi thọ của người lớn tuổi đã thấp”. Theo tính toán này, người dân ở vùng Đông Nam Á có thể mất đi 2-7 năm tuổi thọ nếu tỷ lệ nhiễm COVID-19 ở mức 50%.