Đừng nhầm lẫn đánh đồng văn hóa cúng thí với tranh giành cướp lộc!
Góc bình luận - Ngày đăng : 11:31, 14/02/2017
Về bản chất mục đích lễ hội làm chay hàng trăm năm qua thể hiện trong 2 câu nguyện ước được treo trong các cổng và ghe đăng biểu tượng của lễ hội là cầu: Quốc thới Dân an, Phong điều Vũ thuận. Ngay trong các phẩm vật, các cỗ bánh người dân địa phương phụng cúng tại lễ hội này cũng thể hiện ước mơ chung cho cộng đồng là đất nước an lạc, thái bình, mưa hòa gió thuận, không có mục đích cầu tài cầu lộc thì không có việc tranh cướp lộc.
Ngoài việc cầu an, lễ hội còn cầu siêu cho anh hùng liệt sĩ và oan hồn uổng tử trong vùng. Anh hùng liệt sĩ trận vong cúng trong ngày rằm, oan hồn u linh cầu siêu trong đêm 16. Theo quan niệm nhân văn và nghi lễ dân gian đối với oan hồn không ai chăm sóc cúng viếng cần được chăm sóc, tế độ nên nghi thức cuối cùng của lễ là “thí”, “xả giàn” tất cả các phẩm vật phụng cúng cho các oan hồn. Người có hiểu biết không ai tranh giành những thứ vật phẩm dành bố thí cho cô hồn, xem là điều may mắn hay phúc lộc.
Đương nhiên, chỗ nào cũng có những thanh thiếu niên hiếu kỳ, hiếu động muốn thể hiện mình tranh giành các đồ cúng được xô giàn. Nhưng số lượng người này không nhiều lắm vì như đã nói về động cơ, không có nhiều người có nhu cầu tranh giành đồ ăn với cô hồn. Hơn nữa, khu vực hành lễ có xả giàn cúng thí không đủ rộng cho hàng ngàn người.
Hình ảnh đông người mà một vài báo đăng là hình ảnh hàng ngàn người xem lễ chứ không phải hình ảnh người tranh giành đồ cúng! Ngay hình ảnh trên báo VnEpress, 1 thanh niên ôm trái dưa hấu còn nguyên vẹn cho thấy không có cảnh tranh giành vì nếu có, trái dưa hấu không thể còn nguyên vẹn được. Hay trong clip quay phỏng vấn cô gái cầm mấy nhánh hoa huệ mỏng manh còn tươi nguyên cũng chứng minh cho thấy là không có cảnh dập liễu vùi hoa của hàng ngàn người.
Xin đừng đồng nhất một lễ hội văn hóa vì cộng đồng từ mục đích đến các hoạt động cụ thể đều văn minh, trật tự, nhân văn với các hoạt động mê tín, hám lợi tranh giành!
Anh Kiệt