Trên 4.000 héc-ta lúa bị đổ ngã do mưa lớn
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 15:28, 23/10/2020
Theo số liệu từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng vụ hè thu năm nay toàn tỉnh Sóc Trăng xuống giống được trên 142.000 héc-ta. Đến nay đã thu hoạch được gần 110.000 héc-ta và vẫn còn hơn 30.000 héc-ta lúa đang trong giai đoạn sắp thu hoạch và chờ thu hoạch. Do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài trong nhiều ngày qua đã có 4.429 héc-ta lúa ở giai đoạn trổ chín bị đổ ngã, trong đó lúa bị đổ ngã 30 % là 3.216 héc-ta; lúa đổ ngã từ 30 - 70 % là 1.058 héc-ta; trên 70 % là 155 héc-ta.
Phần lớn diện tích lúa bị đổ ngã tập trung tại các huyện Long Phú, Mỹ Xuyên, Trần Đề và TP.Sóc Trăng. Một nhà nông ở xã Thạnh Thới An (huyện Trần Đề) cho biết gia đình ông canh tác trên 20.000 m2 lúa đã chín và được thương lái đặt mua với giá 6,5 triệu đồng/tấn. Nhưng do ảnh hưởng của mưa bão nên chưa thu hoạch được, năng suất cũng như chất lượng lúa bị giảm và giá lúa chỉ còn 5 triệu đồng/tấn.
Theo ông Lâm Văn Vũ, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Long Phú trên địa bàn hiện còn trên 4.800 héc-ta lúa đang trong giai đoạn trổ chín và chuẩn bị thu hoạch. Do ảnh hưởng của mưa bão nên đã có hơn 1.300 héc-ta bị đổ sập, thậm chí nhiều diện tích bị sập hoàn toàn không thu hoạch được. Hiện ngành nông nghiệp huyện đã chỉ đạo các trạm thủy nông tích cực bơm tiêu nước để giúp nông dân đẩy nhanh việc thu hoạch khi thời tiết thuận lợi trong những ngày tới. Đối với những diện tích lúa bị đổ sập trên 5 ngày thì máy không thể vào đồng thu hoạch được, lúa bắt đầu mọc mầm. Có thể đánh giá là những diện tích này không thể thu hoạch được, nông dân sẽ bị mất trắng.
Mưa to kéo dài và triều cường trong những ngày qua đã gây ngập nặng, sạt lở ở nhiều địa phương của tỉnh Sóc Trăng. Chỉ riêng trên địa bàn huyện Cù Lao Dung đã có 81 đoạn sạt lở với chiều dài 339 mét; tràn 99 đoạn với chiều dài 14.754 mét. Ngoài ra, triều cường còn làm thiệt hại và ảnh hưởng hơn 250 héc-ta mía, gần 16 héc-ta tôm, trên 77 héc-ta vườn cây ăn trái và ngập 165 căn nhà của các hộ dân.
Ông Huỳnh Văn Khá, ấp Nguyễn Tăng, xã Đại Ân 1, huyện Cù Lao Dung cho biết: “Triều cường dâng cao thì năm nào cũng có, nhưng năm nay lên nhanh bất ngờ và gây ảnh hưởng nặng hơn so với các năm trước. Gia đình tôi cũng canh con nước lên nhưng cứ nghĩ sẽ không làm bể bờ, khi đang ngủ thì nghe tiếng nước chảy mạnh quá mới chạy ra kiểm tra thì thấy nước đã chảy xiết vô ruộng mía, vườn cây ăn trái của gia đình. Năm nay coi như tôi thất thu cả mía, xoài và chanh”.
Theo ông Nguyễn Văn Đắc, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cù Lao Dung thời gian qua công tác khắc phục hậu quả của triều cường tại các địa phương trên địa bàn huyện vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn do địa hình phức tạp, nền đất yếu và thời tiết bất lợi. Tính đến ngày 22.10 các đoạn bờ đập đê bao sông, đê bao tả - hữu Cù Lao Dung, lộ giao thông nông thôn bị tràn, bị vỡ thuộc quản lý của Nhà nước và ở địa hình thuận tiện và đã khắc phục xong bằng cơ giới.
Còn phần của người dân thì địa phương cũng đã huy động lực lượng dân quân hỗ trợ các điểm bị sạt lở nặng, các hộ gia đình khó khăn. Hiện tại, ngành chức năng cũng đang tích cực phối hợp cùng chính quyền các địa phương và người dân tiếp tục triển khai các phương án để khắc phục kịp thời, cố gắng để giảm thiệt hại và giúp cho người dân sớm ổn định cuộc sống và an tâm lao động sản xuất trở lại.