Người mắc vảy nến có nguy cơ “bùng phát” các bệnh lý tim mạch
Thông tin Y học - Ngày đăng : 15:32, 23/10/2020
TS.BS Nguyễn Trọng Hào – Giám đốc Bện viện Da Liễu (TP.HCM) đã chia sẻ như thế về căn bệnh vảy nến nhân “Ngày vảy nến thế giới (29.10)”. Căn bệnh này có nguy cơ dẫn đến một số rối loạn chuyển hóa kèm theo như: rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp, béo phì, xơ vữa động mạch…
Thống kê của Bệnh viện Da Liễu (TP.HCM), cho thấy mỗi năm tại đây tiếp nhận khoảng 50.000 lượt bệnh nhân vảy nến đến khám, điều trị. Hầu hết các trường hợp mắc bệnh vảy nến đều diễn tiến lành tính, bệnh nhân có thể sống chung với bệnh mà không có ảnh hưởng đáng kể về mặt sức khỏe, ngoại trừ ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ.
Tuy nhiên, bác sĩ Hào cho rằng, thực tế căn bệnh vảy nến đang ảnh hưởng lớn đối với các bệnh tật khác mà ít người biết, đặc biệt là các bệnh về tim mạch. Một số bệnh kèm theo xuất hiện trước, trong hoặc sau khi khởi phát bệnh vảy nến như hội chứng chuyển hóa, bệnh tim mạch... Đặc biệt, hiện nay bệnh vảy nến còn dẫn đến một số rối loạn chuyển hóa kèm theo như: rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp, béo phì, xơ vữa động mạch…Đây chính là những yếu tố nguy cơ tim mạch nên người bệnh vảy nến cần lưu ý tầm soát để phát hiện sớm.
“Lâu nay bệnh vảy nến tưởng chừng vô hại, sống chung bình thường, nhưng thực tế cho thấy căn bệnh này có nguy cơ làm “bùng phát” các bệnh lý về tim mạch, gây nguy hiểm cho những người bị tim mạch”, bác sĩ Hào chia sẻ.
Về phương pháp điều trị vảy nến, bác sĩ Hào cho biết, trong khoảng 20 năm gần đây, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, nhiều yếu tố liên quan đến sinh bệnh học vảy nến đã được phát hiện. Từ đó, phương pháp điều trị vảy nến bằng các thuốc sinh học đã ra đời (Biologics). Bằng cách ức chế những thành phần đặc hiệu của hệ thống miễn dịch, thuốc sinh học sẽ không hoặc giảm thiểu tác động lên các tế bào của những cơ quan khác, hạn chế các tác dụng không mong muốn. Từ đó, các bác sĩ có những chọn lựa an toàn và hiệu quả hơn cho bệnh nhân vảy nến.
“Trong quá trình điều trị bệnh vảy nến ở đây, chúng tôi luôn tư vấn cho bệnh nhân hiểu rõ tình trạng bệnh của mình, biết cách tự chăm sóc, tránh các yếu tố khởi phát hoặc làm bệnh nặng hơn, tuân thủ và hợp tác tốt với bác sĩ nhằm mang lại kết quả điều trị tốt nhất.”, bác sĩ Hào nói.
Bên cạnh đó, bác sĩ Hào khuyên người bệnh vảy nến cần tìm hiểu về bệnh thông qua các câu lạc bộ vảy nến dành cho thân nhân, bệnh nhân vảy nến, hay thông qua các diễn đàn chia sẻ, giao lưu giữa những người vảy nến với nhau để nâng cao kiến thức, tăng cường hiệu quả điều trị, kiểm soát sớm bệnh lý đi kèm, đồng thời cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh vảy nến…
Theo các chuyên gia da liễu,vảy nến là một bệnh lý viêm mạn tính qua trung gian miễn dịch, có liên quan tới gien di truyền, biểu hiện ngoài da hoặc khớp, hay cả da và khớp. Thương tổn đặc trưng là mảng da màu đỏ, giới hạn rõ, bề mặt có vảy trắng, dễ tróc, thường xuất hiện ở da đầu, đầu gối, cùi chỏ và thân mình. Ngoài ra, thương tổn cũng có thể xuất hiện ở bất cứ vị trí nào của cơ thể như: móng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, vùng sinh dục và mặt...