Cá mú rơi vào trầm cảm sau khi ăn hết bạn cùng hồ
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 18:00, 23/10/2020
Mikko sống trong hồ nước tại phòng thí nghiệm đại dương Sea Life Helsinki ở Phần Lan. Kể từ khi thủy cung ngừng hoạt động vào mùa xuân vì dịch COVID-19, những người chăm sóc Mikko nói rằng con cá đơn độc này dường như bơ phờ mặc dù thể chất vẫn khỏe mạnh. Để giúp Mikko phấn chấn hơn, họ đã làm cho nó một chiếc bánh cá hồi đặc biệt để kỷ niệm sinh nhật lần thứ 16. Trong một video được chia sẻ trên Facebook vào ngày 12.10, Mikko đã ăn bánh một cách ngấu nghiến mà không cần phải chia sẻ với bất kỳ con vật nào.
Mikko được đưa đến đến thủy cung vào năm 2007, là một con cá lớn dài 1 mét và nặng khoảng 16kg. Đại diện Sea Life cho biết, một cửa hàng thú cưng đã quyên tặng Mikko vì nó quá lớn so với bể của họ và liên tục ăn thịt đồng loại.
Tại thủy cung, Mikko được cho ăn 3 lần/tuần với thực đơn là mực và các loài cá nhỏ như cá trích, cá tuyết... Thật không may cho những con cá cùng hồ với Mikko tại Sea Life, nó vẫn ăn hết mọi con vật xung quanh mình, thậm chí còn nhai ngấu nghiến một con cá sư tử có độc. Mikko không phải là loài cá mú duy nhất có sở thích săn mồi lớn và nguy hiểm. Trước đây, các nhà khoa học đã ghi nhận nhiều con cá mú nuốt chửng cả cá mập.
Sau “sự cố với cá sư tử”, những người chăm sóc đã chuyển Mikko vào một hồ riêng. Không có những con cá khác đồng hành, con cá mú đã tỏ ra chán nản khi vắng bóng cả khách tham quan thủy cung.
“Để vực dậy tinh thần của Mikko trong thời gian thủy cung đóng cửa, các nhân viên đã ăn trưa và nghỉ giải lao bên cạnh hồ của nó. Họ kỳ cọ cho Mikko bằng bàn chải mềm để kích thích nó và cho nó xem TV”, đại diện của thủy cung Sea Life cho biết.
Tuy nhiên, các nhân viên phải rất cẩn thận khi sử dụng bàn chải. Vào tháng 12.2019, Mikko đã giật bàn chải từ tay một người chăm sóc và nuốt nó. Chiếc bàn chải đã kẹt trong cổ họng con cá buộc các bác sĩ thú y phải gây mê nó để lấy vật thể ra một cách an toàn.
Mặc dù biểu hiện của Mikko đã thay đổi từ khi thủy cung đóng cửa vì đại dịch COVID-19, nhưng con cá có thực sự chán nản hay không? Câu chuyện của Mikko là một ví dụ thực tế về việc diễn giải hành vi của động vật qua góc nhìn của con người.
Các nhà sinh vật học đã phát hiện ra rằng loài cá cũng bộc lộ dấu hiệu của trầm cảm. Ví dụ cá ngựa vằn sẽ thu mình và mất hứng thú với các kích thích, giống như cách con người thể hiện khi rơi vào trầm cảm. Theo các nhà sinh vật học tại Đại học Troy ở Alabama, trong các thí nghiệm, cá ngựa vằn có những triệu chứng “trầm cảm” thường trôi nổi gần đáy bể. Trong khi đó, những con cá “hạnh phúc” thường hoạt động nhiều hơn và dành phần lớn thời gian gần bề mặt hồ.
Những người yêu thích Mikko không được trực tiếp thăm nó trong thời gian thủy cung ngừng hoạt động, nhưng họ không quên con cá. Vào ngày 5.10, Sea Life Helsinki đã đăng một bức ảnh trên Facebook với những hình vẽ do “người hâm mộ” của Mikko thực hiện và gửi về cho thủy cung.
Theo đại diện của thủy cung Sea Life, Mikko dường như rất thích “bánh sinh nhật” của mình và lễ kỷ niệm tiếp tục diễn ra trong suốt cả tuần. Với việc du khách hiện quay trở lại thủy cung, tương lai có thể tươi sáng hơn một chút đối với con cá mú nổi tiếng này. Trên thực tế, những người chăm sóc Mikko đã lên kế hoạch cho tiệc sinh nhật lần thứ 17 của nó. “Năm sau, bạn sẽ được tổ chức sinh nhật một lần nữa, Mikko”, đại diện thủy cung viết trên Facebook.