Cảnh báo: Chỉ số tia UV ở mức rất cao tại TP.HCM, Cần Thơ và Cà Mau

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 10:00, 24/10/2020

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong 3 ngày tới, nhiều tỉnh thành trong cả nước có chỉ số UV cao, nguy cơ gây hại rất lớn với cơ thể người.

Trong ngày hôm nay, các tỉnh, thành phố từ Hạ Long đến Nha Trang đều có chỉ số UV cao nhất trong ngày ở mức cao và phổ biến trong khoảng từ 11 giờ đến 13 giờ, riêng Đà Nẵng thì trong khoảng 12 giờ.

Riêng đối với các tỉnh, thành phố bao gồm: TP.HCM, Cần Thơ và Cà Mau có chỉ số UV cao nhất trong ngày hôm nay ở mức rất cao trong khoảng từ 11 giờ đến 13 giờ.

du-bao.jpg
Dự báo chỉ số UV ở một số tỉnh, thành phố trong 3 ngày tới - Ảnh: TTDBKTTVQG

Dự báo chỉ số UV cực đại tiềm năng trong 3 ngày tiếp theo, các tỉnh, thành phố miền Bắc có chỉ số trong 2 ngày 25 và 26.10 đều ở mức có nguy cơ gây hại trung bình, nhưng sang ngày 27 đều đạt mức nguy cơ gây hại cao.

Với các tỉnh, thành phố miền Trung (từ Huế đến Nha Trang), chỉ số UV cực đại tiềm năng đạt mức nguy cơ gây hại cao ở cả 3 ngày, riêng Huế, Đà Nẵng (ngày 25.10), Hội An, Nha Trang (ngày 27.10) có mức nguy cơ gây hại trung bình.

Đối với các tỉnh, thành phố miền Nam, riêng TP.HCM (ngày 25.10) và Cà Mau (ngày 27.10) có chỉ số UV cực đại tiềm năng ở mức nguy cơ gây hại rất cao, các ngày và địa điểm còn lại đều có nguy cơ gây hại cao.

chi-so.png
Thang điểm đánh giá mức độ ảnh hưởng của chỉ số tia UV

Các ảnh hưởng của tia UV tới sức khỏe của con người

Tia UV hay còn được gọi là tia cực tím, là sóng điện từ có bước sóng ngắn hơn ánh sáng nhìn thấy nhưng dài hơn tia X. Phổ tia cực tím bao gồm thành tử ngoại gần (có bước sóng từ 380 đến 200 nm) và tử ngoại xạ hay tử ngoại chân không (có bước sóng từ 200 đến 10 nm).

Khi quan tâm đến tác hại của tia cực tím lên sức khỏe con người và môi trường, thì phổ của tia cực tím chia ra làm các phần:

Tia UVA: Đây là lượng bức xạ cực tím có nhiều nhất (chiếm tới 97%), do chúng dễ dàng xuyên qua tầng ozone bảo vệ Trái đất. Tác hại của tia UV được gây ra chủ yếu bởi tia UVA. Đây là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến nếp nhăn và làm tăng phần lớn nguy cơ gây ung thư da.

Tia UVA có thể xuyên qua giác mạc, đi vào thủy tinh thể hay võng mạc ở bên trong mắt. Nếu phơi dưới bức xạ UVA quá lâu sẽ dẫn đến hiện tượng bị đục nhân mắt hay thoái hóa hoàng điểm.

uv.jpg
Tia UVA là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến nếp nhăn và làm tăng phần lớn nguy cơ gây ung thư da

Tia UVB: các bức xạ UVB cũng có thể đi xuyên qua tầng ozone (mặc dù cũng đã được lọc một phần). Chúng chỉ chiếm khoảng 3% trong phổ tia UV do Mặt trời chiếu và đi xuống tới Trái đất.

Tia UVB kích thích quá trình chuyển hóa melanin (một loại sắc tố da), nguyên nhân làm cho da trở nên tối đi, tạo ra sự rám nắng và xuất hiện các nếp nhăn. Nếu với cường độ cao, tia UVB sẽ gây nên hiện tượng cháy nắng, làm tăng các nguy cơ bị ung thư da.

Với đôi mắt, do giác mạc của chúng ta hấp thu hầu hết các bức xạ UVB này nên chúng không phải là nguyên nhân chính gây nên các hiện tượng đục thủy tinh thể hay thoái hóa hoàng điểm mà chủ yếu gây nên các bệnh giác mạc như viêm giác mạc, hạt kết giác mạc, mộng.

Tia UVC: Tia UVC và một phần tia UVB không tới được Trái đất vì bị lọc qua khí quyển. Hiện nay do nhiều tác động, tầng ozone bảo vệ Trái đất đang ngày càng yếu (mỏng đi và có nhiều lỗ thủng) cũng có khả năng cho phép các bức xạ năng lượng cao UVC này lọt xuống bề mặt Trái đất, rất dễ gây nên các vấn đề sức khỏe trầm trọng.

Tia sáng này có thể tiêu diệt acid nucleic trong các tế bào, phá hủy ADN tồn tại trong các cơ thể sống... UVC chính là thứ ánh sáng ma quái ám ảnh sự sống của loài người trên Trái đất. Đây là loại tia gây hại nhất.

Theo Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA), chỉ số UV dao động từ 0 - 2 được xem là thấp, chỉ số UV từ 8 - 10 có thời gian gây bỏng là 25 phút, đối với chỉ số UV từ 11 trở lên được xem là cực kỳ cao, rất nguy hiểm, nguy cơ làm tổn thương da, mắt bị bỏng nếu tiếp xúc ánh nắng mặt trời trong khoảng 15 phút mà không được bảo vệ; chỉ số tia cực tím ở mức 12 là mức nguy hiểm cực độ.

Long Hải