Facebook và Twitter chặn chia sẻ bài bóc mẽ cha con Biden, 2 CEO phải hầu tòa sau bầu cử tổng thống
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 10:01, 24/10/2020
Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ cho biết Mark Zuckerberg và Jack Dorsey sẽ điều trần trước hội đồng vào ngày 17.11 vì Facebook và Twitter quyết định chặn chia sẻ các bài bóc mẽ Hunter Biden, con trai ông Joe Biden.
Ủy ban Tư pháp đã bỏ phiếu vào 22.10 để đưa trát hầu tòa với Giám đốc điều hành Twitter và Facebook.
Ủy ban cho biết Mark Zuckerberg và Jack Dorsey sẽ làm chứng về những cáo buộc thiên bị chống bảo thủ. Hai công ty đã bị chỉ trích nặng nề từ những người bảo thủ về quyết định gắn cờ hai câu chuyện của New York Post là lan truyền thông tin sai lệch.
Hôm 17.10, Twitter thừa nhận rằng đã ngừng chặn liên kết đến phiên bản đầu tiên bài báo trên New York Post, nói rằng thông tin cá nhân có trong chúng đã được phổ biến rộng rãi trên báo chí và các nền tảng khác.
Giám đốc chính sách của Twitter, Vijaya Gadde cho biết vào tối 16.10 rằng công ty đã quyết định thực hiện các thay đổi với chính sách về tài liệu bị hack sau phản hồi, nhưng một phát ngôn viên công ty lại nói với Reuters rằng câu chuyện của New York Post sẽ vẫn bị chặn vì “vi phạm các quy tắc về thông tin cá nhân riêng tư”.
"Chúng tôi sẽ không xóa nội dung bị hack nữa trừ khi nó được chia sẻ trực tiếp bởi hacker hoặc những người hoạt động cùng họ. Chúng tôi sẽ gắn nhãn tweet để cung cấp ngữ cảnh thay vì chặn các liên kết được chia sẻ trên Twitter”, Vijaya Gadde cho biết trong một loạt tweet.
Twitter ban đầu cho biết câu chuyện của New York Post đã vi phạm chính sách "tài liệu bị hack". Chính sách này ngăn chặn việc phân phối nội dung có được thông qua việc hack, nhưng không cung cấp chi tiết về những tài liệu mà Twitter xem là bị hack.
Chính sách này đã được đưa ra vào năm 2018 để ngăn chặn sự lan truyền của thông tin cá nhân sau các vụ hack và tiết lộ trái phép.
Giám đốc điều hành Twitter - Jack Dorsey cho biết trong một tweet sáng 16.10 rằng "việc chặn thẳng các URL là sai" và đề xuất rằng Twitter thay vào đó nên áp dụng các công cụ như dán nhãn.
“Mục tiêu của chúng tôi là cố gắng thêm ngữ cảnh và bây giờ chúng tôi có khả năng làm điều đó”, Jack Dorsey tweet.
CEO của Facebook, Twitter và Alphabet (công ty mẹ Google) cũng sẽ điều trần trước Ủy ban Thương mại Thượng viện Mỹ vào ngày 28.10 về một đạo luật quan trọng bảo vệ các công ty internet.
Tổng thống Donald Trump và nhiều nhà lập pháp đảng Cộng hòa nhiều lần chỉ trích các công ty công nghệ vì bóp nghẹt tiếng nói bảo thủ. Cả hai phiên điều trần đều nhằm thảo luận về Mục 230 - quyền miễn trừ pháp lý cung cấp cho các công ty công nghệ sự bảo vệ khỏi trách nhiệm pháp lý với nội dung do người dùng đăng và cho phép họ hành động "thiện chí" để xóa nội dung có thể bị phản đối.
Các công ty trước đó xác nhận giám đốc điều hành của họ sẽ xuất hiện tại phiên điều trần theo hình thức trực tuyến.
Thượng nghị sĩ Marco Rubio kêu gọi Chủ tịch Ủy ban Truyền thông Liên bang - Ajit Pai kiểm tra lại Mục 230 của Đạo luật về khuôn phép trong giao tiếp.
Hôm 15.10, Ajit Pai cho biết ủy ban sẽ tiến hành đặt ra các quy định mới để làm rõ ý nghĩa của điều khoản. Các lời kêu gọi cải tổ Mục 230 và trừng phạt các công ty công nghệ đang tăng cường nhưng không chắc Quốc hội Mỹ sẽ có hành động về luật trong năm nay.
New York Post: Hunter Biden từng giới thiệu doanh nhân Ukraine với cha
Hunter Biden là thành viên hội đồng quản trị của Burisma (công ty khí đốt tự nhiên Ukraine) từ năm 2014 đến 2019 khi cha anh, Joe Biden là người đứng đầu chính sách Ukraine dưới chính quyền Obama.
Ngày 14.10, New York Post công bố email do cố vấn của Burisma - Vadym Pozharskiy viết cho Hunter Biden ngày 17.4.2015 với nội dung: "Hunter thân mến, cảm ơn anh đã mời tôi đến thủ đô Washington và tạo cơ hội cho tôi gặp cha anh và dành một chút thời gian với nhau. Đó là một vinh dự và niềm hân hạnh”.
Email cho thấy Pozharskyi đã gặp Phó tổng thống thời đó Joe Biden, mâu thuẫn với tuyên bố của ông rằng "chưa bao giờ nói chuyện với Hunter Biden về các giao dịch kinh doanh ở nước ngoài của con".
Một năm trước khi gửi email nói trên, Pozharskyi đã yêu cầu Hunter Biden cho "lời khuyên về cách anh có thể sử dụng ảnh hưởng của mình".
Email này nằm trong số những tài liệu do Rudy Giuliani, luật sư của Tổng thống Trump, cung cấp cho New York Post.
Các tài liệu được khôi phục từ laptop bị bỏ lại ở một cửa hàng sửa chữa ở tiểu bang Delaware vào tháng 4.2019, trong đó chứa ảnh và video nhạy cảm, riêng tư của Hunter Biden.
Rudy Giuliani đã thúc đẩy cáo buộc rằng Hunter Biden từng lợi dụng vị trí của cha mình trong công việc và Joe Biden đã cố sa thải tổng công tố viên Ukraina - Viktor Shokin để ngăn ông này điều tra Burisma.
Một luật sư của Hunter Biden nói với New York Post rằng Rudy Giuliani "đã thúc đẩy các thuyết âm mưu nhằm khiến gia đình Biden mất uy tín".
Cuối năm 2015, Joe Biden vận động hành lang để yêu cầu chính quyền Ukraine sa thải Viktor Shokin. Lập trường này được chính quyền Obama, Quỹ Tiền tệ Quốc tế cùng các nước phương Tây khác ủng hộ vì đánh giá Shokin làm việc thiếu hiệu quả và là trở ngại cho nỗ lực chống tham nhũng.
Trong một cuộc điện đàm, Joe Biden nói với Tổng thống Petro Poroshenko rằng ông sẽ cam kết đảm bảo khoản vay trị giá một tỉ USD cho Ukraine sau khi Viktor Shokin bị sa thải.
Viktor Shokin cuối cùng bị cách chức vào tháng 3.2016. Thời điểm đó, cuộc điều tra của Viktor Shokin về Burisma đã đình trệ trong một thời gian.
Con trai thứ hai của Joe Biden sinh năm 1970, Hunter Biden là luật sư và cố vấn đầu tư gây nhiều tranh cãi khi từng đảm nhiệm chức vụ cấp cao trong các công ty Trung Quốc và Ukraine khi bố làm Phó tổng thống Mỹ.
Hunter Biden dính nhiều scandal về đời tư và tình ái. Tổng thống Trump và một số chính trị gia đảng Cộng hòa coi Hunter Biden như "gót chân Achilles" của Joe Biden.
Trong cuộc điện thoại hồi tháng 7.2019, ông Trump hối thúc tân Tổng thống Ukraine - Volodymyr Zelensky điều tra Hunter Biden. Thế nhưng, không có bằng chứng cho thấy cha con Joe Biden vi phạm luật ở Ukraine và cả hai đều bác bỏ các cáo buộc.
Cuộc điện thoại với Tổng thống Volodymyr Zelensky khiến Trump bị xem xét bãi nhiệm với cáo buộc lôi kéo sự can thiệp của nước ngoài vào bầu cử Tổng thống Mỹ để giúp ông tái đắc cử. Hồi tháng 2.2020, Thượng viện Mỹ tha bổng cho ông Trump.