Những việc còn dang dở của ông Trump
Quốc tế - Ngày đăng : 12:00, 25/10/2020
Tổng thống Donald Trump nhậm chức cách đây gần 4 năm với lời hứa thay mặt người dân Mỹ hoàn thành mọi việc một cách nhanh chóng.
Ông làm được không ít việc: thúc đẩy cuộc cải cách thuế mạnh mẽ nhất trong vòng 30 năm qua, cứng rắn với vấn đề nhập cư bất hợp pháp khiến những người muốn làm vậy ở biên giới Mỹ - Mexico phải e ngại, thành công trong việc đưa thêm người vào Tòa án tối cao Mỹ (hai ông Neil Gorsuch và Brett Kavanaugh, sắp tới có thể có thêm bà Amy Coney Barrett) khiến cán cân quyền lực tại cơ quan này nghiêng về phe bảo thủ nhiều hơn.
Tuy nhiên, Tổng thống Trump cũng còn nhiều việc dang dở sau 1 nhiệm kỳ.
Thay thế ObamaCare
Tổng thống Trump chưa thực hiện được lời hứa "phá bỏ" ObamaCare - đạo luật chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền, của người tiền nhiệm Barack Obama. Chính quyền của ông chỉ mới loại đi một số phần: rút ngắn thời gian đăng ký tham gia chương trình, xóa vài loại hình trợ cấp, bỏ mức phạt với người không có bảo hiểm y tế.
Trả lời phỏng vấn của đài CBS News mới đây, Tổng thống Trump tuyên bố vẫn đang tập trung vào nỗ lực tìm ra chính sách “tốt hơn và ít tốn kém hơn” thay cho ObamaCare. Ông cũng khẳng định Tòa án tối cao Mỹ nên ra phán quyết chấm dứt "di sản' mà người tiền nhiệm Obama để lại.
Số lượng người không bảo hiểm y tế dưới thời Tổng thống Trump đã tăng lên. Dữ liệu từ Cục Điều tra dân số cho thấy năm 2019 có gần 30 triệu người không mua bảo hiểm – tăng khoảng 1 triệu so với năm 2018.
Các cuộc chiến không hồi kết
Tổng thống Trump năm 2016 cam kết đưa toàn bộ binh sĩ Mỹ rút khỏi “các cuộc chiến không hồi kết” để về nước. Lúc ông tiếp quản Nhà Trắng thì số lượng quân ở Afghanistan và ở Iraq lần lượt là 8.400 và 6.800.
Trong vòng 1 năm số quân ở Afghanistan tăng lên 15.000. Tổng thống Trump chấp thuận yêu cầu bổ sung lính do công tác huấn luyện lực lượng Afghanistan tại chỗ thiếu hiệu quả, không đáp ứng được yêu cầu chiến đấu với khủng bố IS vốn ngày càng nguy hiểm. Tăng quân cũng nhằm mục đích gây sức ép buộc Taliban ngồi vào bàn đàm phán.
Tháng 2 năm nay, Mỹ ký với Taliban một thỏa thuận đặt ra thời hạn rút quân hoàn toàn khỏi quốc gia Trung Á này.
Tổng thống Trump sau đó đẩy nhanh hoạt động đưa binh sĩ về nước nhằm lấy lòng cử tri trước thềm bầu cử. Ông từng để ngỏ khả năng toàn bộ quân Mỹ rời Afghanistan vào cuối năm 2020.
Lầu Năm Góc cho biết đến tháng 11, số quân ở Afghanistan sẽ giảm còn 4.500. Nhưng giới chức quốc phòng Mỹ khẳng định không hề có kế hoạch rút toàn bộ vào cuối năm như Tổng thống Trump nói, thậm chí kế hoạch giảm quân số xuống 2.500 đầu năm sau cũng chưa được bàn tới.
Tại Iraq, số quân Mỹ giảm còn khoảng 3.000. Con số thực tế có thể cao hơn do nhiều đơn vị luân chuyển.
Bức tường biên giới
Trong suốt chiến dịch tranh cử năm 2016, Tổng thống Trump thể hiện rõ lập trường cứng rắn về vấn đề nhập cư bằng tuyên bố xây một “bức tường vĩ đại” ở biên giới phía nam.
“Và tôi sẽ buộc Mexico trả tiền xây tường. Hãy ghi lại lời tôi”, Tổng thống Trump từng nói.
Gần 4 năm sau thì 371 trên tổng số 450 dặm biên giới phải xây tường đã hoàn thành. Hàng rào cũ kỹ được thay bằng tường cao 30 feet, ngăn cả người lẫn động vật hoang dã vượt qua – khiến một số nhà bảo tồn ở bang Arizona phải lên tiếng cảnh báo nguy cơ gây hại cho hệ sinh thái.
Mexico kiên quyết từ chối trả tiền. Tiền xây tường đều từ Bộ Tài chính, nghĩa là dùng tiền người dân Mỹ đóng thuế. Tổng thống Trump vào năm ngoái cũng lấy 3,6 tỷ USD từ hàng loạt dự án xây dựng quân sự cùng 2,5 tỷ USD chi cho chống ma túy.
Hòa bình ở Trung Đông
Tổng thống Trump lúc mới nhậm chức tự tin khẳng định chính quyền của mình sẽ đem lại một thỏa thuận hòa bình lâu dài giữa Israel và Palestine. Ông giao cho con rể Jared Kushner (giữ vai trò cố vấn cấp cao) phụ trách.
Vậy mà Tổng thống Trump lại công nhận Jerusalem là thủ đô Israel rồi chuyển Đại sứ quán Mỹ về đây – động thái khiến người Palestine tức giận, sau đó giúp Israel bình thường hóa quan hệ với Bahrain, Sudan cùng Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE).
Việc ba quốc gia Ả Rập bình thường hóa quan hệ với Israel là một thành tựu quan trọng, nhưng họ chẳng có liên hệ trực tiếp đến xung đột Israel - Palestine nên diễn biến mới nhất chẳng thể thúc đẩy đem lại hòa bình.
Phát triển cơ sở hạ tầng
Phát biểu mừng chiến thắng năm 2016, Tổng thống Trump cam kết xây dựng lại đường cao tốc, cầu, đường hầm, sân bay, trường học, bệnh viện để biến cơ sở hạ tầng Mỹ trở nên “không ai sánh kịp” và tạo ra hàng triệu việc làm. Nhưng lời hùng biện không thành hiện thực.
Tháng 4.2019, Tổng thống Trump đạt thỏa thuận với phe Dân chủ trong Quốc hội Mỹ về kế hoạch cơ sở hạ tầng trị giá 2 nghìn tỷ USD. Đến tháng 3 năm nay ông hồi sinh ý tưởng về một kế hoạch hạ tầng lớn nhằm giúp nền kinh tế phục hồi sau đại dịch COVID-19.
Mặc dù phe Dân chủ ủng hộ chi tiêu cho phát triển cơ sở hạ tầng, phe Cộng hòa lại phản đối. Cuối cùng lời hứa của Tổng thống Trump chẳng đi đến đâu.
Công khai hồ sơ thuế
Tham gia tranh luận 4 năm trước, Tổng thống Trump hứa công khai hồ sơ thuế ngay sau khi Cơ quan Thuế vụ Mỹ (IRS) hoàn thành kiểm toán.
Bốn năm sau ông cho biết IRS chưa kiểm toán xong. Nhưng trên thực tế chẳng có luật nào ngăn cấm Tổng thống Trump công khai hồ sơ thuế trong lúc kiểm toán.
Câu hỏi về tình hình tài chính của Tổng thống Trump rộ lên sau khi xuất hiện thông tin nhà lãnh đạo nợ hơn 400 triệu USD, khiến người dân lo ngại chủ nợ gây áp lực buộc ông thay đổi chính sách Mỹ.
Báo The New York Times tháng trước đưa tin trong số tiền Tổng thống Trump mắc nợ có hơn 300 triệu USD sắp đến hạn thanh toán trong vòng 4 năm tới.
Tổng thống Trump khẳng định số tiền nợ chỉ là “hạt đậu” so với khối tài sản ông sở hữu.