Chủ tịch Samsung tự đốt số thiết bị 50 triệu USD, chấm dứt vị thế của Nokia, đánh bại Apple
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 12:00, 25/10/2020
Tháng 2.1993, 5 năm sau khi tiếp quản vị trí của cha mình tại Tập đoàn Samsung Electronics, Lee Kun-hee (năm đó 51 tuổi) thất vọng vì không tạo được dấu ấn của mình.
Ông đã triệu tập một nhóm lãnh đạo của Samsung Electronics đến một cửa hàng Best Buy ở Los Angeles (Mỹ) để kiểm tra thực tế về thương hiệu Samsung. Bị phủ một lớp bụi, chiếc TV Samsung nằm trên kệ góc với mức giá rẻ hơn gần 100 USD so với sản phẩm của đối thủ Sony. Cảm giác chỉ là công ty hạng hai trở thành động lực thúc đẩy Lee Kun-hee thay đổi.
Sau cuộc họp tiếp theo kéo dài 9 giờ căng thẳng, Lee Kun-hee đã bắt đầu một sự thay đổi chiến lược tại Samsung Electronics để giành thị phần thông qua chất lượng chứ không phải số lượng.
Lee Kun-hee được thúc đẩy bởi luôn tạo cảm giác Samsung Electronics đang khủng hoảng liên tục. Đây là điều mà ông truyền cho các đội ngũ lãnh đạo của mình để thúc đẩy sự thay đổi và chống lại sự tự mãn. Vào giữa những năm 1990, Lee Kun-hee đã thu hồi số ĐTDĐ và máy fax kém chất lượng trị giá khoảng 50 triệu USD rồi phóng hỏa đốt chúng.
Sự ám ảnh với việc khủng hoảng và tâm huyết cao độ đã giúp Lee Kun-hee phát triển công việc kinh doanh mì của cha mình là Lee Byung-chull thành đế chế rộng lớn với tài sản trị giá 424 nghìn tỉ won (375 tỉ USD) vào tháng 5.2020, với hàng chục chi nhánh trải dài từ điện tử, bảo hiểm đóng tàu đến xây dựng.
Samsung Electronics đã phát triển từ một nhà sản xuất TV hạng hai thành công ty công nghệ lớn nhất thế giới theo doanh thu, vượt các thương hiệu Nhật Bản như Sony, Sharp Corp và Panasonic về chip, TV và màn hình; chấm dứt vị thế thống trị của điện thoại Nokia và đánh bại Apple trong lĩnh vực smartphone.
Trong một bài luận năm 1997, Lee Kun-hee nhớ lại sự thất vọng của mình trước sức ì của quản lý: “Môi trường kinh doanh bên ngoài không tốt nhưng không có cảm giác lo lắng trong tổ chức và mọi người dường như ăn vào với sự tự phụ... Tôi cần phải thắt chặt chúng một chút và liên tục nhắc nhở các nhà quản lý về việc cần phải có cảm giác khủng hoảng”.
Năm 2013, Forbes vinh danh Lee Kun-hee là người Hàn Quốc quyền lực thứ hai, chỉ xếp sau Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon.
4 tháng sau cuộc họp ở Los Angeles (Mỹ), Lee Kun-hee gọi các phụ tá của mình đến phòng họp của khách sạn Frankfurt, nơi ông đưa ra kế hoạch quản lý mới, khuyến khích các giám đốc điều hành “thay đổi mọi thứ ngoại trừ vợ và con”.
Các cuộc họp căng thẳng, thường kéo dài đến 10 giờ, với những người tham gia thậm chí ngại uống nước vì không muốn đi vệ sinh,
làm gián đoạn suy nghĩ và lời phát biểu của Lee Kun-hee.
Sự nhạy bén trong kinh doanh của Lee Kun-hee giúp Samsung phát triển nhanh, nhưng ông và đế chế mà ông xây dựng cũng bị các nhà phê bình chỉ trích vì nhiều chuyện, trong đó có chuyển giao tài sản của gia đình một cách đáng ngờ.
Năm 2008, Lee Kun-hee bị buộc tội quản lý một quỹ chính trị và giúp các con ông mua cổ phiếu của công ty Samsung với giá rẻ. Các công tố viên không chứng minh được cả hai cáo buộc, nhưng Lee Kun-hee đã bị kết tội trốn thuế và tham ô.
Ông xin lỗi và từ chức, chỉ để trở lại trong vòng hai năm sau khi được Tổng thống Hàn Quốc ân xá.
Kể từ đó, Lee Kun-hee giữ vai trò điều hành lặng thầm hơn, giao nhiệm vụ cho đội ngũ quản lý Samsung Electronics, đồng thời đề bạt con trai mình là Lee Jae-yong lên làm phó chủ tịch. Đây là vị trí chuẩn bị cho việc chuyển giao quyền lực.
Lee Jae-yong sinh năm 1968, là con trai cả và duy nhất của ông Lee Kun-hee và được coi là người kế thừa trong tương lai cho vị trí của cha mình. Lee Jae-yong thường được truyền thông xứ Hàn gọi với biệt danh là "Thái tử Samsung". Hôm 19.10 vừa qua, người thừa kế Samsung đến Việt Nam với mong muốn mở rộng kinh doanh.
Khi sức khỏe suy giảm, Lee Kun-hee cần trợ giúp trong việc đi lại và dễ mắc các bệnh hô hấp sau khi điều trị ung thư phổi. Ông ít có mặt tại trụ sở của Samsung hơn, dành kỳ nghỉ ngơi dài ngày ở Nhật Bản hoặc Hawaii. Thế nhưng, quyền lực của ông vẫn không bị suy giảm. Bất cứ khi nào Lee Kun-hee đi du lịch nước ngoài, ít nhất 4 giám đốc điều hành hàng đầu của Samsung, cùng với đội ngũ nhân viên của công ty và an ninh, đều có mặt tại sân bay để tiễn ông ấy.
Tại trung tâm phát triển nguồn nhân lực của Samsung, hàng chục ngàn nhân viên tham gia các buổi đào tạo thường chú ý lắng nghe về mô hình phòng họp buồn tẻ của khách sạn Frankfurt với đồ nội thất được nhập khẩu đặc biệt từ Đức. Vì hầu hết nhân viên của Samsung đều ở độ tuổi 20, 30 và chưa tận mắt chứng kiến thời kỳ hoàng kim của Lee Kun-hee nên việc tôn kính này nhằm nhắc nhở họ về sự cần thiết phải suy nghĩ về khủng hoảng.
Lee Kun-hee sinh năm 1942 tại làng Uiryeong, miền nam Hàn Quốc, là con trai thứ ba của người sáng lập Samsung. Lee Kun-hee được gửi đến Nhật Bản vào năm 11 tuổi, ngay sau khi chiến tranh Triều Tiên kết thúc. Ông Lee Byung-chull muốn Lee Kun-hee và hai con trai khác của mình học cách xây dựng lại Nhật Bản từ đống tro tàn của Thế chiến thứ hai.
Lee Kun-hee thừa nhận là người cô độc và cảm thấy khó kết bạn khi trở về Hàn Quốc ở một đất nước có cảm tình chống Nhật Bản. Ông trở lại Nhật Bản để học kinh tế tại Đại học Waseda, sau đó là quản lý kinh doanh tại Đại học George Washington, Mỹ.
Việc sớm tiếp xúc với công nghệ tiên tiến của Nhật Bản đã giúp Lee Kun-hee thành lập cơ sở của Samsung Electronics bằng cách lập liên minh với những công ty như Sanyo, đồng thời áp dụng công nghệ sản xuất chip và sản xuất TV.
Lee Kun-hee bắt đầu sự nghiệp của mình trong lĩnh vực phát thanh truyền hình tại Samsung, trở thành chủ tịch tập đoàn vào năm 1987, phá vỡ tập tục Nho giáo truyền thống là người con trai cả lên nắm quyền.
Anh trai cả của Lee Kun-hee, Lee Maeng-hee ban đầu được chọn làm lãnh đạo Samsung vào năm 1967 khi ông Lee Byung-chull nghỉ hưu. Thế nhưng phong cách quản lý quyết liệt của Lee Maeng-hee gây xích mích với những người thân tín với cha mình là ông Lee Byung-chull.
Anh trai thứ hai của Lee Kun-hee, Lee Chang-hee cắt đứt quan hệ gia đình khi nói với văn phòng Tổng thống Hàn Quốc rằng cha mình có một quỹ đầu tư 1 triệu USD ở nước ngoài.
Ông Lee Byung-chull đã đẩy Lee Chang-hee đến Mỹ và trở lại làm Chủ tịch Samsung Electronics. Năm 1976, Lee Byung-chull bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư nên giao lại công việc kinh doanh cho Lee Kun-hee. Lee Chang-hee mất năm 1991.
Tư thế gập người của Lee Kun-hee do một tai nạn giao thông, giọng nói nhẹ nhàng, đôi mắt tròn và biểu cảm thường kinh ngạc không điển hình cho một nhân vật mạnh mẽ như vậy. Kết hôn với bà Hong Ra-hee, người điều hành một phòng trưng bày nghệ thuật trực thuộc Samsung có tên là Leeum, Lee Kun-hee có một con trai và ba con gái.
Con gái út của ông Lee Kun-hee qua đời tại New York vào năm 2005. Samsung nói nguyên nhân do tai nạn xe hơi nhưng báo chí cho rằng đó là một vụ tự tử.
Lee Kun-hee từng là thành viên của Ủy ban Olympic Quốc tế từ năm 1996 đến 2017.