Xe máy cũ trước và sau bảo dưỡng làm tăng phát thải chất độc hại ở TP.HCM, Hà Nội ra sao?

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 20:00, 25/10/2020

Các xe cũ có thể làm gia tăng mức phát thải chất độc hại vào không khí nếu chúng không được bảo dưỡng theo quy định.

Những năm gần đây, số lượng phương tiện giao thông đường bộ tăng nhanh theo tốc độ phát triển kinh tế. Bên cạnh những lợi ích nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải và đi lại của người dân thì khí thải từ các phương tiện giao thông đang là một trong những nguồn gây ô nhiễm không khí ở các thành phố.

122183987_1665767686933968_363635067259111123_n.jpg
Các diễn giả chia sẻ nhiều quan điểm trong buổi tọa đàm - Ảnh: T.Anh

Tại tọa đàm Chuyện “Đi” trong thành phố được tổ chức tại Hà Nội, TS. Lê Quý Thủy - đại diện ITST (Viện KH-CN giao thông vận tải) đã chia sẻ về 2 đề án nghiên cứu và đưa ra giải pháp kiểm soát khí thải xe máy cho các thành phố lớn ở Việt Nam.

Theo đó, từ năm 2010 đã có những đề án về kiểm soát khí thải xe máy nhưng chưa thực hiện được vì đa số người dân chưa đồng tình. Với đề án nghiên cứu như của TS. Lê Quý Thủy, sự đồng thuận từ người dân đóng vai trò rất quan trọng để triển khai dự án.

Theo kết quả khảo sát ý kiến người dân từ dự án của TS. Thủy cho thấy, do chất lượng không khí ở các thành phố lớn hiện đáng báo động nên đại đa số muốn kiểm soát khí thải xe máy để làm sạch môi trường sống. Qua điều tra tại TP.HCM, số người đồng ý phải kiểm tra khí thải xe máy lên đến 78,63%.

Hà Nội hiện có khoảng 5,4 triệu mô tô, xe máy; lượng xe sử dụng trên 10 năm tuổi chiếm tỷ lệ tới 52,13%. TP.HCM hiện có hơn 7 triệu mô tô, xe máy; lượng xe máy đã sử dụng trên 10 năm chiếm tỷ lệ 67,89%, lớn hơn tỷ lệ ở Hà Nội. Các xe máy cũ có thể làm gia tăng mức phát thải chất độc hại vào không khí nếu chúng không được bảo dưỡng theo quy định.

Cụ thể, theo nghiên cứu của TS. Lê Quý Thủy về hiện trạng phát thải của xe máy được kiểm tra tại TP.HCM, với xe máy trên 5 năm, xe trước bảo dưỡng tỷ lệ không đạt chiếm 23,9% và sau bảo dưỡng là 7,61%. Với xe máy dưới 5 năm, xe trước bảo dưỡng tỷ lệ không đạt là 2,56%; xe dưới 5 năm không bảo dưỡng.

Theo TS. Thủy, nếu thực hiện kiểm định khí thải thì hàng năm, riêng TP.HCM sẽ giảm được hơn 6.000 tấn CO, tương đương với tỷ lệ 55,93% so với tổng lượng phát thải nếu không kiểm định; giảm được hơn 40.000 tấn khí hydrocarbon (HC)… Vì vậy, TS. Thủy nhấn mạnh tới việc cần thiết đưa việc kiểm soát khí thải vào thực hiện.

122116929_3500321613364757_6503677106774847158_o.jpg
TS. Lê Quý Thủy chia sẻ về dự án nghiên cứu - Ảnh: BTC

Chọn loại phương tiện “xanh”

Chị Lê Phương Chi được biết tới là người sáng lập ra nhóm Đạp xe đi làm/Cycle to work vào năm 2013 khi bắt đầu mua một chiếc xe đạp tốt và dùng làm phương tiện đi làm. Nhóm Đạp xe đi làm được lập ra từ suy nghĩ của chị Chi là tìm ra những người có cùng đam mê và sở thích đạp xe đi làm.

Theo quan điểm của chị Lê Phương Chi, mỗi người có hoàn cảnh, nhu cầu cuộc sống khác nhau nên nhóm được thành lập với mục đích đạp xe an toàn, vui vẻ và truyền cảm hứng với những người đang xem xét chuyển sang đi xe đạp. Song lựa chọn phương tiện nào, đi thế nào là “xanh” còn tùy thuộc vào ý thức cá nhân.

Theo TS. Lê Quý Thủy, mọi người có thể tham gia giao thông bằng xe buýt, tàu điện ngầm.... Xe máy tuy nhanh và thuận tiện nhưng nguy hiểm nhất là dễ gây tai nạn, thế nên rất cần có ý thức tự giác của những người tham gia giao thông.

Dưới góc nhìn cá nhân, chị Lê Phương Chi cho rằng xe đạp là loại phương tiện yếu thế, nếu mọi người chọn nó làm phương tiện đi lại thì nên chọn loại xe tốt, đảm bảo kỹ thuật, trang bị đầy đủ mũ bảo hiểm, đèn xe và ý thức tham gia giao thông vô cùng quan trọng.

Ngoài ra, TS. Thủy cũng nêu một số giải pháp được đề xuất sau nghiên cứu như cần có quy định về tiêu chuẩn khí thải xe máy; quy định về quản lý xe máy sau kiểm định khí thải...

Thu Anh