Ca sĩ Thủy Tiên, 150 tỉ đồng và chuyện sửa nghị định 64
Góc bình luận - Ngày đăng : 12:25, 26/10/2020
Ca sĩ Thủy Tiên huy động được 150 tỉ đồng để cứu trợ đồng bào miền Trung bị lũ lụt và hình ảnh của cô ca sĩ này bất chấp nguy hiểm đến với đồng bào miền Trung gây sốt trên mạng xã hội. Cũng trên mạng xã hội đặt câu hỏi: Thủy Tiên có vi phạm Nghị định 64/2008? Và ngay lập tức Chính phủ trả lời cho vấn đề này...
Ngày 23.10, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã ký văn bản truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì xây dựng nghị định thay thế Nghị định 64/2008 về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn….
Theo Bộ Tài chính, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, Nghị định 64/2008 đã bộc lộ một số bất cập cần sửa đổi để công tác tổ chức cứu trợ được tốt hơn.
Điều 5 Nghị định 64/2008 quy định chỉ có các tổ chức, đơn vị được tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ gồm: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; báo, đài; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ các cấp ở địa phương. Các quỹ xã hội, quỹ từ thiện được thành lập, hoạt động theo quy định; các tổ chức, đơn vị ở địa phương được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện cho phép… Điều luật này còn quy định không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng hóa cứu trợ.
Chính những quy định này mà vừa qua, trên mạng xã hội rộ lên thông tin ca sĩ Thủy Tiên có thể phạm luật khi ngày 20.10 cô công bố đã nhận được 100 tỉ đồng quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung bị lũ lụt.
Thông tin lập tức gây tranh luận, lo ngại cho cô nhưng Thủy Tiên vẫn cứ tiến hành làm từ thiện theo cái tâm của chính mình. Ngày 24.10 ca sĩ Thủy Tiên thông báo số tiền kêu gọi quyên góp ủng hộ cho đồng bào miền Trung đã lên tới 150 tỉ đồng và cô quyết định đi đến nơi trao tận tay cho bà con mà không cần qua bất kỳ ai, tổ chức nào.
Phải nói thẳng rằng Thủy Tiên không phải là ca sĩ ngôi sao, không phải là “diva” nhưng lời kêu gọi của cô ca sĩ nổi tiếng làm công tác từ thiện bằng cả tấm lòng thiện nguyện của mình đã khiến cho nhiều người tin tưởng. Đó mới là yếu tố quan trọng để trong vòng vài tuần lễ Thủy Tiên đã huy động được 150 tỉ đồng.
Trong khi đó, một tỉnh như Đồng Nai, tính đến ngày 22.10, Hội Chữ thập đỏ tỉnh này tiếp nhận hơn 5,6 tỉ đồng ủng hộ đồng bào miền Trung. Hoặc như tại TP.HCM, tính đến 16 giờ ngày 23.10, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - Ban Cứu trợ TP đã nhận gần 18 tỉ đồng tiền mặt và hàng hoá trị giá gần 660 triệu đồng…
Đưa những số liệu này không phải để so sánh nhưng để thấy rằng số tiền ca sĩ Thủy Tiên bằng uy tín cá nhân của mình đã huy động được một số tiền rất lớn. Rất đáng khâm phục và đặc biệt hình ảnh cô ca sĩ nhỏ nhắn lặn lội nhiều ngày trong nước lũ, bất chấp nguy hiểm, khiến người dân càng mến phục.
Càng đáng khâm phục hơn khi trên mạng râm ran thông tin Thủy Tiên có thể bị phạm luật vì đang làm từ thiện với số tiền quá lớn, có thể mất sự nghiệp nhưng bất chấp, cô và các cộng sự vẫn “bơi” giữa dòng nước lũ để đến với bà con miền Trung!
Về mặt thực tiễn, từ trường hợp của Thủy Tiên, đã cho Chính phủ, các cơ quan chức thấy được một kênh huy động cứu trợ dân khi thiên tai, dịch họa rất nhanh chóng là từ chính người dân, từ chính những cá nhân uy tín, làm thiện nguyện với trách nhiệm cộng đồng. Đó là lý do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, người đứng đầu chính phủ kiến tạo ngay lập tức yêu câu các cơ quan chức năng sửa đổi Nghị định 64/2008, để tạo điều kiện cho công dân làm công tác từ thiện đúng pháp luật.
Cũng từ trường hợp của Thủy Tiên, các cơ quan chức năng được phép thực hiện vận động cứu trợ cũng phải nhìn lại mình một cách nghiêm túc và phải tự đặt câu hỏi vì sao nhiều cá nhân muốn trực tiếp cứu trợ tận tay người dân mà ít muốn qua tổ chức, cơ quan nào. Lâu nay, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, Hội Chữ thập đỏ, các đoàn thể… cũng đã làm tốt công tác vận động cứu trợ của mình, là đầu tàu trong hoạt động này nhưng đâu đó vẫn để xảy ra những “con sâu làm rầu nồi canh”, gây tiếng xấu bất lợi trong công tác vận động.
Nhìn lại, sửa đổi nghị định, điều chỉnh lại công tác từ thiện, cứu trợ như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu là để khuyến khích, tôn vinh và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, nhanh chóng hỗ trợ kịp thời cho người dân. Đó là cái nhìn minh bạch và hành động kiến tạo, vì dân.