Những khoảnh khắc xoay chuyển cuộc đua tranh cử Tổng thống Mỹ

Hồ sơ - Ngày đăng : 14:06, 26/10/2020

Tranh cử Tổng thống Mỹ luôn là cuộc đua đầy kịch tích. Yếu tố tác động lớn nhất đến cuộc đua năm nay chính là đại dịch toàn cầu COVID-19.

Đầu năm nay mọi thứ đều có vẻ tươi sáng đối với Tổng thống Donald Trump: Phiên luận tội của Thượng viện Mỹ bác hai cáo buộc đương kim lãnh đạo lạm quyền và cản trở Quốc hội do Hạ viện đệ trình, bản báo cáo điều tra nghi án Nga can thiệp bầu cử năm 2016 rơi vào quên lãng, nền kinh tế phát triển mạnh mẽ. Tất cả đều góp phần củng cố triển vọng ông tái đắc cử. Nhưng lúc đó COVID-19 đã bắt đầu xuất hiện ở California cùng hàng loạt địa phương phía tây bắc Thái Bình Dương.

Chính trị gia Joe Biden thắng lớn ở Nam Carolina (29.2)

Thất bại đầy tiếc nuối tại Iowa và New Hampshire làm dấy lên đồn đoán chính trị gia Joe Biden sắp phải rời cuộc đua. Tuy nhiên đội ngũ trợ lý của ông khẳng định tình hình sẽ thay đổi khi cử tri người Mỹ gốc Phi ồ ạt đi bỏ phiếu.

Họ đã đúng. Chính trị gia Biden thắng áp đảo ở Nam Carolina nơi người Mỹ gốc Phi chiếm đa số, khiến một số đối thủ ngay lập tức bỏ cuộc và tạo tiền đề giúp ông thành công trở thành nhân vật đại diện đảng Dân chủ tranh cử Tổng thống. Cựu Phó tổng thống Mỹ là ứng viên phù hợp để lôi kéo cử tri trung lập ở những bang miền trung và miền tây.

1200211448.jpg.0.jpg
Bang Nam Carolina giúp ông Biden hồi sinh - Ảnh: The Vox

Tổng thống Trump có bài phát biểu toàn quốc về dịch bệnh (11.3)

Sau nhiều tuần đánh giá thấp mức độ nguy hiểm của COVID-19 bất chấp số ca nhiễm tăng vọt, Tổng thống Trump nỗ lực trấn an dư luận bằng một bài phát biểu toàn quốc phát đi từ Phòng Bầu dục.

Hai ngày sau ông tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Dịch bệnh buộc trường học cùng nhiều cơ sở kinh doanh đóng cửa, làm người dân bị mắc kẹt trong chính nhà mình và trở thành vấn đề nổi trội trong tranh cử Tổng thống Mỹ năm nay. COVID-19 cũng khiến cả Tổng thống Trump lẫn chính trị gia Biden tạm dừng chiến dịch vận động tranh cử suốt hàng tháng trời.

Thượng nghị sĩ Bernie Sanders rút lui (8.4)

Chính trị gia 78 tuổi là đối thủ cuối cùng trong đảng Dân chủ của ông Biden. Sau khi rút khỏi cuộc đua, Thượng nghị sĩ Sanders cam kết ủng hộ cựu Phó tổng thống.

Chính trị gia Biden sau đó tập trung quyết đấu với Tổng thống Trump bên đảng Cộng hòa, cố gắng thu hút đối tượng ủng hộ Thượng nghị sĩ Sanders.

Phát ngôn dùng chất khử trùng gây tranh cãi (23.4)

Với số ca tử vong vì COVID-19 gần lên đến 50.000, Tổng thống Trump trong một buổi họp báo bỗng nhiên đề xuất tiêm chất khử trùng vào cơ thể người để loại bỏ vi rút.

Giới chuyên gia y tế phải lập tức lên tiếng khuyến cáo người dân không làm theo. Tổng thống Trump sau đó bỏ một buổi họp báo đồng thời chỉ trích truyền thông có thái độ “thù địch”. Lúc này tỷ lệ ủng hộ cách ông đối phó đại dịch đang khá tốt.

disinfectant.jpg
Giới chuyên gia y tế phải khuyến cáo không tiêm chất khử trùng như đề xuất của Tổng thống Trump - Ảnh: NBC News

Dùng hơi cay giải tán đám đông biểu tình ngoài Nhà Trắng (1.6)

Cái chết của người đàn ông da màu George Floyd làm bùng nổ phong trào biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc trên khắp nước Mỹ.

Tổng thống Trump vào ngày 1.6 có bài phát biểu lấy chủ đề “Luật pháp và Trật tự”. Xử lý tình trạng tội phạm, lập lại an ninh trở thành trọng tâm chiến dịch tranh cử của ông.

Tiếp theo sau, lực lượng an ninh sử dụng hơi cay giải tán đám đông biểu tình bên ngoài Nhà Trắng để dọn đường cho Tổng thống Trump đi vào nhà thờ St. John. Vụ việc đẩy tỷ lệ ủng hộ đương kim lãnh đạo xuống mức thấp kỷ lục vì phần lớn người Mỹ đứng về phía phong trào phản đối phân biệt chủng tộc.

Chính trị gia Biden chọn đối tác tranh cử (11.8)

Người mà ông chọn là Thượng nghị sĩ Kamala Harris – phụ nữ da màu và người Mỹ gốc Á đầu tiên tham gia cuộc đua tranh cử Tổng thống Mỹ. Bà sở hữu kinh nghiệm chính trường phong phú liên quan đến ngành tư pháp, nhận được sự ủng hộ từ cử tri da màu, người da màu lẫn phụ nữ.

Thượng nghị sĩ Harris quả thực đã tiếp thêm sức mạnh cho chiến dịch tranh cử cả về khả năng thu hút cử tri lẫn khả năng tài chính.

Thẩm phán Ruth Bader Ginsburg qua đời (18.9)

Thẩm phán Tòa tối cao Mỹ Ginsburg - biểu tượng đấu tranh nữ quyền - qua đời vì ung thư tụy. Tổng thống Trump nhanh chóng lấp đầy chỗ trống bằng đề cử thẩm phán liên bang Amy Coney Barrett.

Đề cử nếu được thông qua sẽ góp phần củng cố thành tựu đưa người vào Tòa tối cao, khiến cán cân quyền lực tại cơ quan này nghiêng về phe bảo thủ của đương kim lãnh đạo. Động thái này cũng đe dọa đến chương trình chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền (ObamaCare) và quyền phá thai – những chính sách mà đảng Dân chủ cố sức bảo vệ.

Cuộc tranh luận Trump - Biden đầu tiên (29.9)

Cần xoay chuyển tình thế nên Tổng thống Trump bước vào cuộc tranh luận với thái độ hiếu chiến, liên tục cướp lời cả đối thủ lẫn người điều phối, công kích gia đình chính trị gia Biden, khiến sự kiện trở nên hỗn loạn.

Thăm dò ý kiến sau tranh luận 29.9 cho thấy đối tượng cử tri chưa quyết định chọn ai không thể chấp nhận được thái độ hiếu chiến trên.

ap20274094982846.jpg
Cuộc tranh luận đầu tiên diễn ra rất hỗn loạn - Ảnh: AP

Cuộc tranh luận thứ hai bị hủy do Tổng thống Trump phản đối giải pháp thực hiện trực tuyến. Ở lần tranh luận cuối cùng, ông hành xử kiềm chế hơn.

Tổng thống Trump mắc COVID-19 (2.10)

Sau nhiều tuần đi vận động tranh cử mà chẳng hề nghiêm túc thực hiện các quy định phòng dịch, Tổng thống Trump cùng một số trợ lý cuối cùng đã mắc COVID-19.

Thời gian điều trị cộng thêm cách ly ngắn ngủi chỉ khiến ông phải tạm ngừng 10 ngày. Tuy nhiên hình ảnh đương kim lãnh đạo bị thiệt hại lớn: vốn đã bị đa số người dân chỉ trích đối phó dịch bệnh yếu kém, cách thức thông tin về tình tình trạng sức khỏe của Tổng thống Trump khiến Nhà Trắng trông có vẻ vụng về và đang che giấu nhiều chuyện.

Cẩm Bình